Chi tiết

Quảng Ninh, Hải Phòng có gần 12.000 khách vay với dư nợ 26.340 tỉ đồng thiệt hại nặng sau bão

Quảng Ninh, Hải Phòng có gần 12.000 khách vay với dư nợ 26.340 tỉ đồng thiệt hại nặng sau bão- Ảnh 1.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực NHNN có mặt tại thị xã Quảng Yên, để ghi nhận và lắng nghe phản ánh của người dân nuôi cá bè có vay vốn ngân hàng tại đây. Ảnh: NHNN

Tại buổi làm việc với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ngày 11-9, ông Nguyễn Đức Hiển, Giám đốc NHNN Chi nhánh Quảng Ninh, báo cáo qua nắm bắt nhanh của các đơn vị ngân hàng trên địa bàn, đến hết ngày 10-9 có tổng số 11.058 khách hàng, với tổng dư nợ 10.654 tỉ đồng (chiếm 5,6% tổng dư nợ toàn địa bàn) đã bị ảnh hưởng nặng nề do hậu quả cơn bão số 3 để lại. Có một số khách hàng trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng rất nặng nề (bị trôi dạt mất bè nuôi thủy sản).

Bà Nguyễn Thị Dung, Giám đốc NHNN Chi nhánh Hải Phòng, báo cáo đến thời điểm 10-9, có tổng số 890 khách hàng với tổng dư nợ là 15.686 tỉ đồng bị ảnh hưởng sau bão.

Trước ảnh hưởng nặng nề của bão số 3 đối với người dân, doanh nghiệp, đại diện các ngân hàng cho biết đang nhanh chóng triển khai nhiều giải pháp để có thể hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn sau bão.

Phó Tổng Giám đốc VietinBank Lê Duy Hải cho biết có khoảng 195 khách hàng doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 với dư nợ khoảng 18.000 tỉ đồng. Trong thời gian tới, ngân hàng sẽ nhanh chóng đánh giá tổng thể thiệt hại với các khách hàng trong toàn hệ thống để có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Đối với các khách hàng có mua bảo hiểm của ngân hàng, VietinBank sẽ nhanh chóng đẩy nhanh công tác đền bù để tạo điều kiện cho người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Phó Tổng Giám đốc BIDV Lê Trung Thành cho biết ngân hàng đánh giá từng trường hợp khách hàng để có phương án cơ cấu lại nợ, giãn nợ, giảm lãi…, ban hành gói tín dụng với mức lãi suất hợp lý, quy mô hợp lý để đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp hồi phục sau cơn bão.

Phó Tổng giám đốc Agribank Đoàn Ngọc Lưu cho biết Agribank đã chỉ đạo Công ty Bảo hiểm ABIC khẩn trương tiến hành các thủ tục hỗ trợ, đền bù đối với các khách hàng, đảm bảo hỗ trợ khách hàng kịp thời. Nắm bắt, đánh giá tổng thể mức độ thiệt hại của khách hàng vay vốn, dự kiến dư nợ bị ảnh hưởng, khả năng trả nợ, các giải pháp triển khai hỗ trợ khách hàng cụ thể: Triển khai các biện pháp, cơ cấu đối với dư nợ cho vay theo Nghị định 55, cơ cấu lại dư nợ bị ảnh hưởng theo Thông tư 02, giảm lãi suất, cho vay mới, khẩn trương hỗ trợ khách hàng khôi phục, ổn định hoạt động kinh doanh… 

Khoanh, giãn, hoãn nợ người dân, doanh nghiệp thiệt do bão

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực NHNN có mặt tại thị xã Quảng Yên, để ghi nhận và lắng nghe phản ánh của người dân nuôi cá bè có vay vốn ngân hàng tại đây.

Theo ông Tú, ngành ngân hàng cần có những chính sách đảm bảo kịp thời, phù hợp và giải quyết ngay những nhu cầu trước mắt cũng như lâu dài góp phần ổn định cuộc sống trong những ngày mưa bão này, cũng như khắc phục hậu quả trong thời gian tới.

“Sáng thứ 2 vừa rồi, chúng tôi đã có văn bản gửi tới tất cả các NHTM phải tập trung hỗ trợ ngay cho doanh nghiệp, người dân và hộ vay vốn. Cần có những chính sách kịp thời để khắc phục ngay các khó khăn trong cuộc sống hiện tại của những ngày đang mưa bão này”- Phó Thống đốc Thường trục cho biết.

Bên cạnh đó, ông Đào Minh Tú nhấn mạnh cần có các chính sách một cách hợp lý, tích cực là tạm thời khoanh nợ, hoãn giãn nợ, giảm lãi ngay những khoản nào đã đến hạn, còn những khoản nợ sắp tới hạn sẽ có cách xử lý tích cực hơn cho khách hàng, người vay vốn.

Đặc biệt, những ngày trong bão và ngay sau khi bão, cũng cần cho vay tiêu dùng để người dân có thể có nguồn kinh phí để mua sắm những đồ dung trang thiết bị cho sinh hoạt cuộc sống. rất nhiều người dân bị thiệt hại ngay cả những tài sản đang sử dụng hàng ngày.

“Những khoản nợ của của các doanh nghiệp khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, nuôi trồng thủy hải sản ở các vùng Quảng Ninh này, thì phải có cơ chế chính sách hợp lý, trước hết là hoãn giãn nợ, giảm lãi và đặc biệt là mạnh dạn cho vay mới để các doanh nghiệp, người dân và hộ gia đình có vốn mới quay vòng, còn các khoản nợ cũ sẽ được xem xét giải quyết phù hợp với điều kiện thực tế cũng như theo tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Chính Phủ, Thủ tướng Chính phủ trong những ngày mưa bão vừa qua và sắp tới” – ông Tú nhấn mạnh.

Source link