Chi tiết

Quy mô kinh tế Đông Nam Á dự báo vượt Nhật Bản vào 2029

Với tốc độ tăng trưởng bình quân 4,7%, quy mô 6 nền kinh tế Đông Nam Á sẽ vượt Nhật Bản vào 2029, theo tính toán của HSBC.

Theo báo cáo của Ngân hàng HSBC, quy mô nền kinh tế Đông Nam Á (gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam) khoảng 4.000 tỷ USD vào 2023. Mức này đứng thứ 5 thế giới sau Mỹ, Trung Quốc, Đức và Nhật Bản.

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo khu vực này tăng trưởng nhanh nhất thế giới 5 năm tới, bình quân 4,7%. Với tốc độ. này, theo tính toán của HSBC, các nước Đông Nam Á sẽ vượt Nhật Bản về quy mô kinh tế vào năm 2029. Thời điểm đó, khu vực này vẫn duy trì vị trí thứ 5 top các nền kinh tế lớn nhất, trong khi Ấn Độ lên vị trí thứ 4 và Nhật Bản đứng thứ 6.

HSBC lưu ý tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á không phải nhờ nhân khẩu, vì tỷ trọng trong dân số toàn cầu đã đạt đỉnh vào 2012, ở mức 8,59% và sẽ giảm dần còn 8,33% giai đoạn 2024 – 2035.

Nhà băng này lý giải chìa khóa nằm ở chất lượng tăng trưởng cải thiện thông qua đổi mới, sáng tạo và vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu. Thứ hạng của 5 nền kinh tế, trừ Malaysia, trong xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index) tăng đáng kể thập niên qua. Ở khía cạnh này Singapore đứng thứ 4 thế giới.

Kết quả này cũng phản ánh trong thị phần hàng sản xuất công nghệ cao, 6 nước Đông Nam Á cùng với Trung Quốc là hai nền kinh tế vượt trội về mở rộng sản xuất. Khu vực này gia tăng thị phần trong xuất khẩu hàng hóa từ 6,1% vào 2005 lên 7,4% trong năm 2023, vượt qua Nhật Bản và Hàn Quốc cộng lại vào 2017.

Trong số 6 quốc gia, Việt Nam sẽ tăng xuất khẩu nhiều nhất. Indonesia – quốc gia nhiều hiệp định thương mại tự do nhất – cũng vươn lên nhờ xu hướng xe điện có lợi cho ngành khai khoáng. “Chúng tôi cho rằng chính độ mở (kinh tế) sẽ tạo nên sức mạnh chính cho nền kinh tế các quốc gia khu vực Đông Nam Á trong 5 năm tới”, báo cáo viết.

Xuất nhập khẩu hàng hoá tại cảng Tân Vũ - Hải Phòng. Ảnh: Giang Huy

Xuất nhập khẩu hàng hoá tại cảng Tân Vũ – Hải Phòng. Ảnh: Giang Huy

Ngoài hàng hóa, khu vực này còn xuất khẩu dịch vụ trong các ngành điện tử, viễn thông, tài chính, nghệ thuật, thuê ngoài quy trình kinh doanh (BPO). Singapore dẫn đầu lĩnh vực này với vai trò trung tâm tài chính. Tổng doanh thu xuất khẩu dịch vụ tài chính năm ngoái của nước này đạt 2,6 tỷ USD.

Từ năm 2000, Philippines tận dụng nguồn nhân lực trẻ, có tay nghề, tiếng Anh tốt để phát triển ngành BPO cạnh tranh với Ấn Độ. Doanh thu từ mảng này tương đương lượng kiều hối gửi về. HSBC cho rằng Đông Nam Á cùng với Ấn Độ đang ở vị thế đón đầu làn sóng xuất khẩu dịch vụ.

Điểm mạnh khác của Đông Nam Á là du lịch. Tổng lượng khách tới 6 nước tăng bình quân 7,1% mỗi năm trong 12 năm (2007-2019). Thị phần toàn cầu tăng từ 4,9% lên 8,7%. Trong đó, Singapore và Thái Lan gặt hái nhiều thành công nhất.

Singapore tổ chức chặng đua Grand Prix Singapore từ năm 2008 và mới đây đăng cai chuỗi siêu concert của Taylor Swift. Trong khi, Thái Lan đầu tư khách sạn xa xỉ, giúp doanh thu du lịch tăng nhanh hơn số lượt khách.

Trong bối cảnh xu hướng phòng vệ thương mại gia tăng trên thế giới, HSBC lạc quan rằng Đông Nam Á tiếp tục “là nơi nương náu cho thương mại tự do”, tiếp tục tăng trưởng về quy mô và tầm ảnh hưởng toàn cầu.

Phiên An


Nguồn tin: https://vnexpress.net/quy-mo-kinh-te-dong-nam-a-du-bao-vuot-nhat-ban-vao-2029-4820134.html