Năm nay, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam ước tính đạt 22 tỷ USD, đứng thứ 3 Đông Nam Á.
Thông tin nêu trong Báo cáo “e-Economy SEA 2024” mới công bố của Google, Temasek, Bain & Company. Trong khu vực, quy mô thương mại điện tử Việt Nam hiện đứng sau Indonesia (65 tỷ USD) và Thái Lan (26 tỷ USD).
So với năm 2023, ngành này đã tăng trưởng 18%, tốc độ nhanh thứ 3 khu vực sau Philippines (23%) và Thái Lan (19%). Giai đoạn đến cuối thập kỷ, thị trường Việt Nam dự báo duy trì nhịp độ tăng trưởng hiện tại, trung bình hơn 19% mỗi năm và đạt 63 tỷ USD vào 2030, vượt Thái Lan và đứng thứ hai khu vực sau Indonesia.
Chiếm hơn 60% về quy mô của nền kinh tế số Việt Nam năm nay, thương mại điện tử là một trong hai động lực tăng trưởng chính cùng du lịch online. Các lĩnh vực còn lại gồm gọi xe – thực phẩm, truyền thông trực tuyến.
Thời gian gần đây, bên cạnh sự hiện diện của các sàn thương mại điện tử bán lẻ trong nước như Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki và Sendo, thị trường đang chứng kiến cuộc đổ bộ của các sàn xuyên biên giới như Temu, Shein.
Trong nhận định gần đây với VnExpress, ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam nói ngành này khốc liệt vì còn nhiều tiềm năng, dư địa lớn. “Đây là lúc phải tập trung bám sát đáp ứng người mua và người bán”, ông nói.
Theo các nghiên cứu, thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ tiếp tục cuộc đua về giá, công nghệ và tính giải trí.
Báo cáo “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong thương mại Điện tử tại Đông Nam Á” do Lazada và Kantar khảo sát mới đây, chỉ ra rằng một phần ba người tiêu dùng khu vực đang nhạy cảm về giá cả và tích cực tìm kiếm ưu đãi. Hơn một nửa số người được hỏi nói giá cả cạnh tranh và sự hiện diện của các phiếu giảm giá. Riêng khuyến mãi là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc mua hàng lặp lại.
Song song đó, hình thức mua sắm kết hợp giải trí – qua video ngắn và livestream – tiếp tục phát triển. “e-Economy SEA 2024” cho biết số lượng thương hiệu tiêu dùng tại Việt Nam có kênh video đã tăng 5% trong 2 năm qua.
Tác động bao trùm đến các thói quen và hành vi mua sắm của người tiêu dùng là sự hiện diện của trí tuệ nhân tạo (AI). Chỉ số mức độ quan tâm AI được Google tính toán dựa trên lượng tìm kiếm liên quan đến AI đang cao tại TP HCM và Hà Nội. Khảo sát của Lazada cho biết có đến 88% người khảo sát ở Đông Nam Á nói họ đưa ra quyết định mua hàng dựa trên nội dung và gợi ý sản phẩm do AI tạo ra.
Trong cuộc đua với các sàn, nền tảng này gần đây tung ra bộ tính năng GenAI (trí tuệ nhân tạo sinh) để thu hút khách hàng ở 4 khía cạnh khám phá sản phẩm, độ tin cậy, ưu đãi và ra quyết định.
“Tôi tin rằng GenAI sẽ không chỉ tạo nên cuộc cách mạng trong thương mại điện tử mà còn thay đổi hoàn toàn cách chúng ta mua sắm, bán hàng và tương tác”, ông James Dong, Tổng giám đốc Tập đoàn Lazada, nói.
Viễn Thông
Nguồn tin: https://vnexpress.net/quy-mo-thuong-mai-dien-tu-viet-nam-uoc-dat-22-ty-usd-4812969.html