Quỹ trái phiếu bớt hứng thú với trái phiếu?
Theo VietstockFinance, chuyển động trong 9 tháng đầu năm 2024 tại các quỹ đầu tư trái phiếu cho thấy sự chuyển dịch chung theo hướng giảm trái phiếu, tăng mạnh tiền gửi ngân hàng.
Thống kê 13 quỹ trái phiếu tiêu biểu trên thị trường trong 9 tháng đầu năm 2024, không tính đến trường hợp Quỹ Đầu tư Trái phiếu dòng tiền linh hoạt MB (MBAM) của CTCP Quản lý Quỹ đầu tư MB mới thành lập vào tháng 5/2024, thì tổng thu nhập, doanh thu hoạt động ghi nhận gần 787 tỷ đồng và tổng lãi sau thuế gần 696 tỷ đồng, lần lượt giảm 66% và 68% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, kết quả kinh doanh các quỹ có sự trái chiều với 7 quỹ giảm lợi nhuận và 5 quỹ tăng lợi nhuận.
9 tháng đầu năm 2024, tổng danh mục đầu tư của các quỹ tăng 238%, lên hơn 16.6 ngàn tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi ngân hàng, tương đương tiền tăng mạnh nhất với 517%, lên hơn 7.4 ngàn tỷ đồng. Trái phiếu tăng 156%, lên hơn 8.7 ngàn tỷ đồng. Theo đó, danh mục các quỹ có sự chuyển dịch lớn khi tỷ trọng đầu tư trái phiếu giảm từ hơn 69% vào đầu năm còn gần 53% tính tới cuối tháng 9; ngược lại quy mô tiền gửi ngân hàng, tương đương tiền tăng từ gần 25% lên gần 45%.
Quỹ Đầu tư Trái phiếu Techcom (TCBF) của CTCP Quản lý Quỹ Kỹ thương có quy mô tài sản ròng (NAV) lớn nhất với hơn 11,212 tỷ đồng, tăng đến 345% so với đầu năm. Trong đó, giá trị trái phiếu lên hơn 5.6 ngàn tỷ đồng, gấp 3 lần đầu năm; còn tiền gửi ngân hàng và tương đương tiền chạm gần 5.5 ngàn tỷ, gấp 11 lần đầu năm. NAV/ccq đạt 19,811 đồng, tăng hơn 11%. Không chỉ dẫn đầu về NAV, TCBF còn sở hữu lượng nhà đầu tư nắm giữ chứng chỉ quỹ lớn nhất với 31,545 nhà đầu tư.
Không nhiều quỹ có NAV ngàn tỷ, số ít còn lại kể đến như Quỹ Đầu tư Trái phiếu Bảo Thịnh VinaCapital (VFF) quy mô gần 1,636 tỷ đồng, tăng 120%; Quỹ Đầu tư Trái phiếu DC (DCBF) gần 1,486 tỷ đồng, tăng 229%.
Các quỹ đầu tư trái phiếu tập trung phần lớn tài sản vào trái phiếu doanh nghiệp, tuy nhiên cơ cấu đang có sự chuyển dịch đáng kể, với 6 quỹ đã giảm tỷ trọng đầu tư trái phiếu trong danh mục, thay vào đó là đầu tư nhiều hơn vào tiền gửi, chứng chỉ tiền gửi, cổ phiếu và các tài sản khác.
TCBF với vị thế dẫn đầu về quy mô tài sản và tăng mạnh về con số tuyệt đối ở tất cả hạng mục đầu tư chính, tuy nhiên, quỹ lại chứng kiến tỷ trọng đầu tư trái phiếu giảm từ 75.3% còn 49.7%, thay vào đó tiền gửi ngân hàng, tương đương tiền tăng từ 19.9% lên 48.2%.
Bên cạnh đó, có 5 quỹ đang không ghi nhận tỷ trọng đầu tư vào trái phiếu lớn nhất danh mục, bao gồm Quỹ Đầu tư Trái phiếu Linh hoạt VND (VNDCF), Quỹ đầu tư Trái phiếu Bảo Việt (BVBF), Quỹ Đầu tư Cân bằng Linh hoạt Techcom (TCFF), Quỹ Đầu tư Trái Phiếu Thanh Khoản VinaCapital (VLBF) và Quỹ Đầu tư Trái phiếu Ngân hàng Công thương Việt Nam (VTBF).
TCBF có lợi nhuận 9 tháng giảm mạnh 75% so với cùng kỳ năm trước, còn gần 516 tỷ đồng, do giảm mạnh chênh lệch tăng đánh giá lại các khoản đầu tư chưa thực hiện và lãi trái phiếu được nhận, đều là các khoản thu trọng yếu. Tuy nhiên về giá trị tuyệt đối con số lợi nhuận này của TCBF dẫn đầu tất cả.
Xét về tăng trưởng lợi nhuận, VNDCF đứng đầu với mức tăng 296%, đạt hơn 3.6 tỷ đồng, nhờ tăng mạnh trái tức được chia và tiền lãi được nhận.
Dưới đây là một số thống kê về tình hình hoạt động của các quỹ trái phiếu trong nửa đầu năm 2024.
Thiết kế: Tuấn Trần