Chi tiết

Quỹ VinVentures của Vingroup (VIC) chỉ ra 3 yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư trong năm 2025

Được tài trợ bởi tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Tập đoàn Vingroup (VIC), VinVentures hướng tới việc đầu tư vào các startup công nghệ có tính đột phá cao, đặc biệt là trong các lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo (AI), Chất bán dẫn và Điện toán đám mây.

Trong Báo cáo Ngành Công nghệ mới công bố, VinVentures nhận định, năm 2024 là một năm ghi dấu sự biến động mạnh mẽ của hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức, Việt Nam vẫn thể hiện được sức bền kinh tế với mức tăng trưởng GDP vượt 7%, cao hơn so với các dự báo của các tổ chức quốc tế như IMF (6,1%) và Standard Chartered (6,8%). Điều này phần nào củng cố niềm tin của các nhà đầu tư, mặc dù thị trường đầu tư khởi nghiệp vẫn đang gặp phải khó khăn.

Theo đó, tổng giá trị các thương vụ đầu tư cho các startup tại Việt Nam trong năm 2024 đạt khoảng 308 triệu USD, giảm 30% so với năm 2023 và là năm thứ 4 liên tiếp con số này giảm. Số lượng thương vụ đầu tư giảm nhẹ từ 77 xuống còn 75.

Quỹ VinVentures của Vingroup (VIC) chỉ ra 3 yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư trong năm 2025
Nguồn: VinVentures

Mặc dù giá trị đầu tư chung giảm, năm 2024 vẫn ghi nhận sự chuyển dịch quan trọng trong các lĩnh vực đầu tư. Agritech và Foodtech nổi lên như những ngành dẫn đầu, chiếm 27,6% tổng giá trị đầu tư, một bước nhảy vọt so với mức 1% của năm 2023. Thành công này chủ yếu nhờ vào thương vụ 70 triệu USD của Techcoop – một startup cung cấp giải pháp công nghệ toàn diện cho nông dân, bao gồm truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ tài chính và cải tiến năng suất.

Fintech, một lĩnh vực từng dẫn đầu về giá trị đầu tư, hiện chỉ chiếm 10% tổng số vốn, giảm đáng kể so với các năm trước. Tuy nhiên, ngành này vẫn duy trì được sức hút với các nhà đầu tư nhờ sự phát triển của các giải pháp tài chính mới, như ví điện tử tích hợp quản lý tài chính cá nhân và các dịch vụ tín dụng dành cho phân khúc khách hàng chưa được khai thác.

Các ngành khác như logistics, thương mại điện tử và ESG (môi trường, xã hội, quản trị doanh nghiệp) cũng chứng kiến những xu hướng tích cực. Logistics, với thương vụ 30,3 triệu USD của Be Group, cho thấy tiềm năng từ các mô hình tối ưu hóa chuỗi cung ứng và giao nhận hàng hóa. ESG, dù còn là lĩnh vực non trẻ, cũng thu hút sự chú ý nhờ các dự án như Nami Energy – startup năng lượng tái tạo đã nhận được 10 triệu USD tài trợ.

Quỹ VinVentures của Vingroup (VIC) chỉ ra 3 yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư trong năm 2025
Nguồn: VinVentures

Ba yếu tố quan trọng tác động đến quyết định đầu tư trong năm 2025

Báo cáo của VinVentures về xu hướng năm 2025 chỉ ra ba yếu tố quan trọng tác động đến quyết định đầu tư.

Thứ nhất, lãi suất cao sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các quyết định đầu tư, khiến các nhà đầu tư tập trung vào các tài sản an toàn và có lợi nhuận ổn định, thay vì những cơ hội mạo hiểm.

Thứ hai, xu hướng phát triển bền vững sẽ chiếm ưu thế trong chiến lược kinh doanh năm 2025. Điều này xuất phát từ sự thay đổi trong nhu cầu của người tiêu dùng, các quy định ngày càng nghiêm ngặt và sự thay đổi trong yêu cầu của các nhà đầu tư. Các công ty tập trung vào các sáng kiến về “xanh hóa”, năng lượng tái tạo và các chiến lược ESG sẽ thu hút sự quan tâm lớn hơn và nhiều nguồn vốn đầu tư.

Cuối cùng, xu hướng chuyển hướng ưu tiên lợi nhuận thay vì tăng trưởng sẽ trở thành trọng tâm. Trong bối cảnh các điều kiện đầu tư trở nên khắt khe hơn, các nhà đầu tư sẽ tập trung vào những doanh nghiệp có khả năng tạo ra lợi nhuận bền vững, với mô hình chi phí hiệu quả và chiến lược kinh doanh ổn định. Các startup cần chuyển hướng từ việc chỉ tập trung vào tăng trưởng mạnh mẽ sang việc đảm bảo sự ổn định tài chính và hoạch định rõ ràng con đường đạt được lợi nhuận.

Ngày 28/10, Tập đoàn Vingroup (VIC) đã công bố thành lập Quỹ đầu tư công nghệ VinVentures, với tổng tài sản lên đến 150 triệu USD, nhằm thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Được tài trợ bởi tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Tập đoàn Vingroup, VinVentures hướng tới việc đầu tư vào các startup công nghệ có tính đột phá cao, đặc biệt là trong các lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo (AI), Chất bán dẫn và Điện toán đám mây.

VinVentures đã dành 100 triệu USD cho danh mục đầu tư kế thừa từ Vingroup và sẽ giải ngân thêm 50 triệu USD trong vòng 3 – 5 năm tới. Quỹ sẽ tập trung đầu tư vào các startups có sản phẩm, dịch vụ công nghệ cao, có tiềm năng thương mại hóa và ứng dụng thực tiễn. Đặc biệt, các startups Việt Nam ở giai đoạn đầu (hạt giống và Series A) sẽ là mục tiêu chính của VinVentures. Ngoài ra, quỹ cũng mở rộng đầu tư ra các quốc gia có đặc điểm phát triển tương đồng với Việt Nam như Singapore, Indonesia và Philippines.

Bà Lê Hàn Tuệ Lâm, người còn được biết đến với biệt danh “Shark Tuệ Lâm” sau khi tham gia chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 6, hiện giữ chức Giám đốc Điều hành của VinVentures.



Nguồn tin