Ông Donald Trump sẽ trở lại nắm quyền trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đã thay đổi đáng kể so với 8 năm trước. Hiện tại, Mỹ đang thuộc số ít các nền kinh tế lớn nhất tăng trưởng ấn tượng, với GDP thực tế trong quý 3 năm 2024 tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Giữa lúc đó, tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại, trong khi EU vẫn đang loay hoay thoát khỏi tình trạng giảm phát với mức tăng trưởng 0,3% cùng thời điểm.
Quyền lực kinh tế Mỹ gia tăng
Sự tăng trưởng mạnh mẽ kể từ sau đại dịch đã gia tăng ảnh hưởng của Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu. Tỷ trọng sản lượng của Mỹ trong Nhóm G-7 cao hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ thập niên 1980, theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Theo các chuyên gia, điều đó có nghĩa là các kế hoạch kinh tế và thương mại của Tổng thống đắc cử có thể gây tác động mạnh hơn đến các quốc gia khác so với nhiệm kỳ đầu của ông Trump.
Brad Setser, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho biết: “Trên thực tế, phần lớn các quốc gia còn lại của thế giới hiện đang gặp khó khăn trong việc tạo ra nhu cầu của riêng mình, khiến các quốc gia khác phải cố gắng đạt được sự thỏa hiệp nào đó với ông Trump”.
Tăng trưởng ở Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đã chậm lại. Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đang suy giảm. Nhiều nền kinh tế khác cũng đang chịu gánh nặng bởi khoản nợ cao.
Theo các nhà kinh tế, sự gia tăng về sản lượng toàn cầu của Mỹ một phần phản ánh sức mạnh của đồng USD, giúp nâng giá trị sản lượng của Mỹ so với các nền kinh tế nước ngoài. Nhưng nó cũng đến từ sự gia tăng đáng kể về năng suất của Mỹ so với phần còn lại của thế giới.
Những thay đổi trong nền kinh tế toàn cầu đã làm cho Mỹ, chứ không phải Trung Quốc, trở thành điểm đến hàng đầu cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng cường mức độ tiếp xúc của các công ty nước ngoài với nền kinh tế Mỹ và những thay đổi trong chính sách chính phủ. Thị trường chứng khoán Mỹ đang bùng nổ đã thu hút dòng vốn đầu tư lớn vào giới công nghệ.
Theo Neil Shearing, kinh tế trưởng tại Capital Economics ở London, hiệu suất kinh tế vượt trội của Mỹ một phần là do sự tự chủ về năng lượng và chi tiêu lớn của chính phủ. Hiện nay Mỹ xuất khẩu nhiều năng lượng hơn nhập khẩu – bao gồm hàng triệu thùng dầu mỗi tháng sang Trung Quốc – nên quốc gia này có lợi khi giá năng lượng tăng, trái ngược với các quốc gia nhập khẩu ròng như Trung Quốc và châu Âu.
Ảnh hưởng của Mỹ đối với nền kinh tế châu Âu là một minh chứng rõ ràng. Mỹ đã củng cố vị trí là thị trường xuất khẩu lớn nhất của châu Âu khi thương mại xuyên Đại Tây Dương tăng mạnh trong những năm gần đây, trong khi nhập khẩu của Trung Quốc từ châu Âu chững lại. Mỹ cũng đã thay thế Nga trở thành nguồn nhập khẩu năng lượng chính của châu Âu. Châu Âu hiện có thặng dư thương mại lớn với Mỹ nhưng lại có thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc.
Càng phụ thuộc, càng thêm lo
Các nền kinh tế lớn của thế giới, bao gồm EU, Trung Quốc hay Đông Nam Á sẽ có lý do để lo lắng khi chứng kiến quan hệ thương mại với Mỹ gia tăng. Sự bất cân xứng trong cán cân thương mại dễ mang lại cho ông Trump lợi thế trong các cuộc đàm phán thương mại, theo các nhà kinh tế.
Điển hình, Đức xuất khẩu khoảng 7% tổng giá trị gia tăng sản xuất của mình sang Mỹ, nhưng chỉ nhập khẩu khoảng 0,8% giá trị gia tăng trong sản xuất của Mỹ, theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế Ifo của Đức vào tháng 9. Marcel Fratzscher, Chủ tịch Viện nghiên cứu kinh tế DIW Berlin có trụ sở tại Berlin, cho biết: “Doanh nghiệp Đức dễ tổn thương trước ông Trump”.
Các khu vực ở châu Á đã hưởng lợi từ sự thay đổi chuỗi cung ứng do cuộc chiến thương mại của Mỹ với Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump. Trong hai quý gần đây, xuất khẩu của Đông Nam Á sang Mỹ đã vượt qua xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, điều đó lại khiến họ dễ bị tổn thương hơn trước các loại thuế toàn diện tiềm tàng dưới thời ông Trump.
Trong khi đó, Trung Quốc được cho đang nghe ngóng tình hình và lên các phương án đáp trả nếu ông Trump thực sự đánh thuế 60% lên hàng hóa xuất khẩu của nước này vào Mỹ.
Tất nhiên, nếu các nước áp thuế trả đũa lên hàng hóa Mỹ, ông Trump có thể chứng kiến những tác động tiêu cực như giảm nhập khẩu hoặc chi phí tăng trong nước- những yếu tố có thể ảnh hưởng tới hiệu suất của nền kinh tế.
Joerg Kraemer, kinh tế trưởng tại Ngân hàng Commerzbank, cho biết: “Miễn là chủ nghĩa bảo hộ chỉ áp dụng đối với một quốc gia, Trung Quốc, thế giới có thể thích nghi với điều này. Vấn đề sẽ trở nên khó khăn hoặc nguy hiểm nếu áp thuế lên tất cả các quốc gia. Đây sẽ là một kỷ nguyên mới trong thương mại toàn cầu.”