Lo ngại thị trường ngập hàng giá rẻ Trung Quốc, một số nước nâng hàng rào thuế quan nhưng hiệu quả đến nay không như kỳ vọng.
Cuối tuần trước, quyết định tăng thuế nhập khẩu một loạt sản phẩm từ Trung Quốc của Mỹ bắt đầu hiệu lực. Cụ thể, thuế áp lên xe điện và pin mặt trời lần lượt nâng lên 100% và 50% (thuế trước đó là 27,5% và 25%). Pin lithium, thép và nhôm cùng chịu mức 25% (mức cũ 7,5%).
Sang 2025, chất bán dẫn sẽ bị tăng thuế lên 50%, còn than chì – loại khoáng sản được săn đón nhiều vì độ dẫn điện – chịu thuế 25% vào 2026.
Lộ trình này được ban bố hồi tháng 5, với lý do đáp trả “các hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc liên quan đến chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ và đổi mới”, theo Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ông cũng cáo buộc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới “làm tràn ngập thị trường toàn cầu bằng hàng xuất khẩu có giá thấp một cách giả tạo”.
Trong nhiệm kỳ của mình, ông Biden không chỉ giữ nguyên mức thuế quan được người tiền nhiệm Donald Trump áp dụng từ năm 2018 mà còn nâng chúng lên. Trước thềm cuộc bầu cử tổng thống ngày 5/11, Trump tuyên bố rằng “thuế quan là thứ tuyệt vời nhất từng được phát minh”.
Theo Le Monde, có xu hướng toàn cầu về chủ nghĩa bảo hộ chống lại hoạt động thương mại của Trung Quốc. Tháng trước, Canada công bố mức thuế 100% đối với xe điện; 25% với thép và nhôm từ Trung Quốc.
Các nước mới nổi, đặc biệt là ở châu Á, cũng đang dựng lên các rào cản thuế quan. Vào tháng 7, sau các cuộc biểu tình của công nhân tại Jakarta, Bộ trưởng Thương mại Indonesia Zulkifli Hasan nêu kế hoạch áp thuế 100-200% đối với hàng dệt may, đồ điện tử và quần áo nhập khẩu từ Trung Quốc.
Đồng thời, Thái Lan cũng áp thuế VAT 7% với tất cả hàng nhập khẩu, ít nhất là cho đến tháng 12, để bảo vệ ngành công nghiệp nội địa. Brazil và Chile đã tăng thuế nhập khẩu với thép Trung Quốc vào đầu năm 2024. Ấn Độ cũng đang có kế hoạch tăng thuế thép “made in China”.
Châu Âu do dự hơn. Vào ngày 20/8, Brussels công bố quyết định áp dụng thuế bổ sung trong 5 năm đối với ôtô điện từ Trung Quốc, cáo buộc nước này làm lệch hướng cạnh tranh thông qua các khoản trợ cấp lớn. 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) dự kiến bỏ phiếu về việc áp dụng mức thuế đến 45% với xe điện nhập khẩu sản xuất tại Trung Quốc vào ngày 4/10, theo Bloomberg.
Nếu thông qua, nó sẽ được áp dụng cuối tháng sau, trừ khi bị phản đối bởi 15 thành viên EU đại diện cho 65% dân số. Hiện Đức và Tây Ban Nha không đồng ý trong khi Pháp ủng hộ.
Tính toán của Giáo sư kinh tế Sébastien Jean tại tổ chức giáo dục và nghiên cứu Conservatoire National des Arts et Métiers (Pháp) cho biết thặng dư sản xuất của Trung Quốc đã tăng hai phần ba kể từ năm 2019, đạt 1.744 tỷ USD vào năm 2023.
Theo ông, đây là kết quả của chính sách ưu tiên cung hơn cầu của Bắc Kinh, đặc biệt là trong sản xuất, vì cơ sở hạ tầng của Trung Quốc đã bão hòa và lĩnh vực bất động sản của nước này đang trong tình trạng khủng hoảng. Nước này hiện chiếm 10% sản lượng sản xuất của thế giới.
Thêm vào tình trạng dư thừa năng lực sản xuất của Trung Quốc là tác động của tình hình toàn cầu. Xuất khẩu của nước này tăng trong Covid-19 để đáp ứng nhu cầu của thế giới về các sản phẩm điện tử và y tế. Sau đó, họ tiếp tục được hưởng lợi từ mức tiêu dùng tăng của người Mỹ, những người đã tích lũy tiền tiết kiệm trong thời gian phong tỏa.
“Sự mất cân bằng trong tăng trưởng của Trung Quốc, vốn chủ yếu dựa vào xuất khẩu, đang làm gia tăng căng thẳng thương mại với phần còn lại của thế giới”, Jean bình luận. Bắc Kinh đã đưa ra một số biện pháp để thúc đẩy tiêu dùng trong nước và các biện pháp khác để kích thích việc làm.
Trong lúc này, hiệu quả của các rào cản thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc về cơ bản chỉ là chính trị, theo các chuyên gia. Oxford Economics đánh giá các biện pháp này chủ yếu làm tăng lạm phát ở Mỹ và giảm tăng trưởng GDP 0,2 đến 0,4 điểm phần trăm.
Dù Mỹ đã cắt giảm 18% khối lượng nhập khẩu từ Trung Quốc trong giai đoạn 2017-2023, các rào cản thuế quan vẫn không làm giảm thâm hụt thương mại. Thực tế, nó còn tăng từ 621 tỷ USD lên 773 tỷ USD giai đoạn 2018-2023.
Suy xét kỹ hơn, mức suy giảm trong thương mại giữa hai siêu cường thực chất cũng là “cú lừa”, theo Le Monde. Các sản phẩm của Trung Quốc vào Mỹ chủ yếu thông qua các nước thứ ba, chẳng hạn như Mexico. Láng giềng này đã thay thế Trung Quốc trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ năm 2023. Đó là lý do mà Trump hứa sẽ áp thuế 200% đối với các loại xe Trung Quốc đi vào Mỹ từ ngõ Mexico, nếu đắc cử vào tháng 11.
Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho biết kim ngạch xuất khẩu của nước này vào tháng 8 tăng 8,7% so với cùng kỳ 2023, mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 3/2023, vượt qua dự báo 6,5% trong cuộc thăm dò của Reuters.
Một số nhà phân tích dự báo xuất khẩu của Trung Quốc vẫn sẽ vượt qua các rào cản thương mại nhờ đồng nhân dân tệ tương đối rẻ và khả năng linh hoạt của các nhà xuất khẩu trong việc chuyển hướng hàng hóa để tránh thuế “Xuất khẩu có khả năng duy trì ở mức cao trong những tháng tới dù ngày càng có nhiều rào cản được dựng lên,” Zichun Huang, nhà kinh tế tại Capital Economics, cho biết.
Các rào cản thậm chí đang thúc đẩy Trung Quốc tăng đầu tư ra nước ngoài để không phải chịu thuế cao. Báo cáo của tổ chức nghiên cứu và tư vấn Rhodium (Mỹ) cho biết đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc đã phục hồi trong hai năm qua, sau khi chạm đáy vào 2021 và tập trung nhiều vào các thị trường mới nổi hơn là các nền kinh tế G7, với sự chuyển dịch đáng kể sang châu Á. Ví dụ, nhà sản xuất ôtô điện BYD đã đồng ý xây dựng các nhà máy ở Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ sau khi cả hai nước này đe dọa sẽ áp thuế cao hơn.
Vào tháng 4, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) bày tỏ lo ngại về nguy cơ phân mảnh trong bối cảnh thương mại và đầu tư quốc tế bị ảnh hưởng bởi các đường lối địa chính trị. Họ cảnh báo về sự sụt giảm trong dòng chảy thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài giữa các quốc gia thuộc các khối địa chính trị khác nhau.
Tuy nhiên, không phải chuyên gia nào cũng nghĩ vậy. Ông Sébastien Jean đồng ý rằng có những gián đoạn nghiêm trọng nhưng cục bộ khi một quốc gia áp đặt các hạn chế xuất khẩu hoặc trừng phạt. “Căng thẳng địa chính trị chưa thay đổi một cách cơ bản các mô hình thương mại quốc tế,”, ông nói.
Bởi lẽ, các quốc gia mới nổi và đang phát triển có vai trò, vị thế ngày càng tăng trong nền kinh tế toàn cầu và đã từ chối chọn phe giữa hai khối.
Phiên An (theo Le Monde, Reuters)
Nguồn tin: https://vnexpress.net/rao-can-thue-quan-chua-lam-kho-duoc-hang-trung-quoc-4798568.html