Thị trường tiềm năng
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong giai đoạn 2018-2023, tổng trao đổi thương mại giữa Việt Nam và UAE bình quân đạt khoảng 5 tỷ đô la Mỹ/năm. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang UAE gồm điện thoại di động, máy vi tính và linh kiện, sản phẩm điện, điện tử gia dụng, hạt tiêu, thủy sản, giày dép,… Trong khi đó, các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ UAE gồm chất dẻo nguyên liệu, khí đốt hóa lỏng (LPG), chế phẩm từ dầu mỏ,…
Có thể thấy, trao đổi thương mại song phương tăng trưởng đều đặn hàng năm, nhưng quy mô chưa lớn, cơ cấu mặt hàng chưa thực sự đa dạng, tương xứng với tiềm năng của Việt Nam.
Quốc gia này có dân số khoảng 10 triệu người, nhưng nhu cầu rất cao về thực phẩm cao cấp, hữu cơ và chuyên biệt, sở thích theo phong cách châu Âu. UAE đã xây dựng cảng hàng hóa Jebel Ali, và một loạt các khu thương mại tự do để thu hút các ngành sản xuất và dịch vụ.
Theo Hiệp định CEPA, UAE cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với nhiều ngành hàng chủ lực và có tiềm năng xuất khẩu lớn của Việt Nam, có thể kể đến các ngành hàng chính như:
Thứ nhất, các nông sản như hạt điều, hạt tiêu và mật ong sẽ có cơ hội thâm nhập sâu vào thị trường UAE và Trung Đông nhờ thuế giảm. Hơn nữa, đây là khu vực có nhu cầu lớn về nông sản chất lượng cao, đặc biệt là sản phẩm sạch và hữu cơ cũng như có chứng chỉ Halal.
Thứ hai, dệt may, da giày, điện tử… là những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh. Việc cắt giảm thuế quan theo Hiệp định CEPA sẽ giúp các sản phẩm này cạnh tranh tốt hơn về giá cả và mở rộng thị phần của Việt Nam tại UAE.
Thứ ba, với nhu cầu tiêu thụ thủy sản cao cấp tại UAE, đặc biệt là các sản phẩm tôm và cá, ngành thủy sản Việt Nam sẽ có thêm cơ hội tăng cường xuất khẩu và nâng cao giá trị sản phẩm nhờ vào ưu đãi từ Hiệp định CEPA.
Thứ tư, gỗ và các sản phẩm từ gỗ là mặt hàng cũng sẽ được hưởng lợi đáng kể từ Hiệp định CEPA. Với tốc độ đô thị hóa nhanh và các dự án bất động sản cao cấp tại UAE, nhu cầu đối với các sản phẩm gỗ, đặc biệt là đồ nội thất và vật liệu xây dựng là rất lớn.
Ông Bạch Hải Ngọc, chuyên gia Viện Tony Blair vì Sự thay đổi toàn cầu, cho rằng các doanh nghiệp sẽ phải đầu tư rất nhiều ngay tư ban đầu để hiểu rõ hơn thị trường và xây dựng mạng lưới phục vụ thực thi CEPA. Vì vậy, các doanh nghiệp cần phối hợp với nhau để giảm thiểu chi phí đầu tư ban đầu. Các cơ quan quản lý cần giúp doanh nghiệp sớm làm quen với các điều khoản của CEPA và yêu cầu mới từ thị trường UAE.
Yêu cầu khắt khe
UAE là một trong những nền kinh tế giàu có bậc nhất khu vực và thế giới, đặc biệt là giới trẻ theo phong cách thượng lưu xem chất lượng hàng hóa là tiêu chí hàng đầu trong tiêu dùng.
Chính phủ Dubai thường ký các thỏa thuận song phương với từng đối tác riêng biệt, ví dụ người tiêu dùng UAE coi thực phẩm của Australia là sản phẩm cao cấp có khả năng truy xuất nguồn gốc đáng tin cậy. Khuôn khổ pháp lý chặt chẽ và độ tin cậy của nguồn cung là điều kiện hàng đầu để xuất khẩu vào UAE.
UAE là quốc gia hồi giáo điển hình, trong đó thực phẩm và đồ uống được chế biến theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Luật ăn kiêng Hồi giáo được gọi là Halal. Trong những năm gần đây, các sản phẩm Halal đã trở nên phổ biến với ngay cả khách hàng không theo đạo Hồi vì chúng được phát triển triển từ biểu tượng của việc tuân thủ tôn giáo sang đảm bảo an toàn thực phẩm, thực hành vệ sinh và độ tin cậy.
Theo dự báo của nhiều tổ chức, chuyên gia, số lượng người Hồi giáo trên toàn thế giới sẽ tăng khoảng 50% vào năm 2050 lên 2,76 tỷ người. Hoạt động kinh doanh Halal toàn cầu dự kiến sẽ phát triển mạnh do các khoản đầu tư và tiến bộ công nghệ. Ví dụ, công nghệ xét nghiệm thịt lợn, công nghệ nhận diện Halal,…
Nếu hàng hóa Việt Nam vượt qua bài kiểm tra Halal tại UAE, sẽ mở ra “cánh cửa” lớn tiến vào thị trường thị trường rộng lớn, đặc biệt là các tiêu chuẩn Halal tương đồng với xu hướng tiêu dùng hiện đại, đó là chất lượng cao, nhân văn, bảo vệ môi trường, nguồn gốc rõ ràng.
Ví dụ, để trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu trong ngành công nghiệp Halal, chính phủ Malaysia đã lập Kế hoạch tổng thể về ngành công nghiệp Halal 2030. Đây cũng là hướng đi mà các nhà hoạch định thương mại quốc tế nước ta nên có chuẩn bị từ sớm để khỏi bị chậm chân.
Tuy nhiên, một trở ngại đáng kể đối với ngành công nghiệp thực phẩm Halal trên toàn thế giới là vấn đề thống nhất trong quy trình chứng nhận. Các quy trình chứng nhận Halal khác nhau của các quốc gia khác nhau có thể gây nhầm lẫn và cản trở nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam khi thâm nhập vào thị trường mới. Hơn nữa, các doanh nghiệp cần phải làm rõ hơn về các thành phần tạo nên thực phẩm Halal.