Từ khá lâu rồi, người dân Việt Nam quen thuộc với các sản phẩm của Samsung. Từ hồi đầu thời kỳ đổi mới, chiếc tivi Samsung (Tam Dương) 14 inch là biểu tượng cho sự giàu có của một gia đình. Sau này, ô tô của Hyundai, ti vi, tủ lạnh của LG cũng nổi tiếng, nhưng vẫn không phổ thông bằng thương hiệu Samsung, đặc biệt là điện thoại di động. Có lẽ, Samsung phổ biến chỉ sau mỗi iPhone về thị trường điện thoại tại Việt Nam.
Thành lập từ năm 1938 với quy mô chỉ là công ty thương mại nhỏ, Samsung phát triển mạnh mẽ thành tập đoàn lớn có quy mô và ảnh hưởng toàn cầu. Samsung Electronics, Samsung Heavy Industries, Samsung Life Insurance… là những công ty con nổi tiếng, chiếm lĩnh thị trường hàng điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông, tài chính, xây dựng, hóa chất…
Samsung chiếm tới 1/5 GDP của Hàn Quốc, cho nên mọi biến động của tập đoàn này không chỉ ảnh hưởng tới gần bốn trăm ngàn thành viên, nhân viên của tập đoàn trên toàn cầu, mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế của Hàn Quốc. Tại Việt Nam, Samsung đặt nhà máy lớn tại Bắc Ninh, Thái Nguyên với hàng trăm ngàn lao động, đóng góp tới 20% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Vì vậy, việc Samsung gặp khó khăn gây ra nỗi lo lắng cho không ít người đang làm việc, cũng như các nhà cung cấp hợp tác với Samsung.
Sau 10 năm tiếp nhận quyền điều hành từ cha ông, Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Yae – Yong đang đối mặt với tình trạng khó khăn nhất của tập đoàn, song song với những rắc rối pháp lý mà ông đang mắc phải.
Samsung đang tụt hậu trong cuộc đua sản xuất chip bán dẫn, cũng như việc cải tổ hàng ngũ lãnh đạo vì thường xuyên phải làm việc với tòa án, việc điều hành tập đoàn phải giao lại cho trợ lý cùng đội ngũ giúp việc. Do đó, việc đầu tư phát triển công nghệ mới không được thực hiện quyết liệt mà chỉ kinh doanh theo truyền thống, cùng với sự an toàn theo tư duy “chaebol” – tập đoàn gia đình, tập trung quyền lực.
Vì vậy, Samsung mất động lực phát triển và cạnh tranh. Việc tuyển dụng nhân viên trẻ, giỏi, năng động ngày càng khó khăn ở đất nước có 50 triệu dân và đang già hóa dân số nhanh chóng. Công nghệ về vật liệu mới, trí tuệ nhân tạo (AI), Samsung chưa có thành tựu mới, trong khi các mặt hàng truyền thống thì bị nhiều đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ. Điện thoại di động của Trung Quốc bây giờ có nhiều tính năng xử lý nhanh và bền bỉ hơn cả điện thoại Samsung. Thị trường chip nhớ và ổ cứng bị Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc cạnh tranh mạnh mẽ với giá thành thấp hơn. Đến điện thoại gập, là điểm nhấn của Samsung, lại bị Huawei của Trung Quốc đánh bại.
Thị trường tiêu thụ chip nhớ lớn nhất của Samsung là Trung Quốc lại bị mắc lệnh cấm của Mỹ, không được bán mặt hàng này vào Trung Quốc, dẫn đến dư thừa, ế ẩm. Trung Quốc do thiếu chip nhập từ Hàn Quốc thì tự nghiên cứu, phát triển và sản xuất chip, rồi khi cạnh tranh được về giá lại xuất ngược sang Hàn Quốc, làm cho khó khăn càng thêm khó đối với Samsung.
Nội bộ lãnh đạo lục đục, Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Yae – Yong vẫn chưa ra khỏi mớ bùng nhùng liên quan đến các cáo buộc giao dịch cổ phiếu bất hợp pháp, trốn thuế, hối lộ. Doanh số sụt giảm dẫn đến khủng hoảng về nhân sự trong tập đoàn. Công nhân viên Công ty Samsung Electronics đình công đòi quyền lợi về lương thưởng và cải thiện điều kiện làm việc. Giá cổ phiếu sụt giảm tới 32% trong một năm, làm mất niềm tin của nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu của Samsung.
Vị thế con át chủ bài của nền kinh tế Hàn Quốc đang mất dần và chìm sâu vào trong khủng hoảng. Mặt hàng sản phẩm bán dẫn – thu lợi nhiều nhất, là chủ lực nuôi sống tập đoàn – thì sụt giảm doanh số. Một phần cũng do thời kỳ Covid-19, mọi người không làm việc trực tuyến và sử dụng thiết bị điện tử, máy tính nhiều như trước. Đối thủ cạnh tranh SK Hynix thì tăng trưởng liên tục, đặc biệt trong lĩnh vực chip nhớ băng thông cao, cần thiết cho phần cứng trí tuệ nhân tạo (AI).
Điện thoại di động bị chia nhỏ thị phần và cạnh tranh bởi điện thoại Trung Quốc, nhất là Huawei đang nổi lên và được người dùng ưa chuộng. Thị trường tiêu thụ chip nhớ lớn nhất là Trung Quốc lại bị Mỹ cấm bán.
Minh chứng cho khủng hoảng rõ nét của Samsung là việc Samsung Electronics thông báo lợi nhuận quý III năm 2024 không đạt kế hoạch và xin lỗi về kết quả kinh doanh. Nếu cứ tiếp tục với tình trạng như hiện nay, Samsung sẽ không còn là nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới nữa mà phải nhường vị trí cho đối thủ cạnh tranh.
Đây chính là thời điểm mà Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Yae – Yong phải thể hiện bản lĩnh của mình. Liệu một người có bằng tiến sĩ tại trường kinh doanh Harvard có chèo lái được con thuyền Samsung vượt qua giông bão để tiếp tục phát triển hay không? Chúng ta hãy cùng chờ xem.