Nếu được thông qua và phê duyệt, đây sẽ là sân bay đầu tiên và duy nhất của Việt Nam sở hữu đường băng với thiết kế vô cùng đặc biệt.
Theo báo Dân trí, Cục Hàng không Việt Nam đang nghiên cứu phương án xây dựng các đường băng cho sân bay Vinh, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An.
Theo phương án được Cục trình lên Bộ Giao thông vận tải, sân bay Vinh sẽ kéo dài đường băng hiện hữu từ 2.400m lên 3.000m và xây thêm một đường băng mới cắt chéo đường băng cũ.
Sân bay Vinh sẽ xây thêm đường băng mới. Ảnh: Internet |
Về việc kéo dài đường băng thêm 600m, công việc này sẽ giúp sân bay đón được các dòng máy bay cỡ lớn như Airbus A350, Boeing B777, Boeing B787… Dự án thi công kéo dài đường băng sẽ được xúc tiến trước năm 2030.
Về xây mới đường băng thứ hai, công việc này sẽ được triển khai trong giai đoạn 2020-2050. Đường bay mới này sẽ có chiều dài 3.000m và được xây chéo với đường bay thứ nhất. Ý tưởng này nhằm hạn chế việc các chuyến bay cắt qua trung tâm thành phố trong quá trình cất hạ cánh.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Bách Tùng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng Bộ Giao thông vận tải, nếu như xây dựng đường băng thứ hai song song với đường băng thứ nhất như thông thường sẽ khiến sân bay Vinh có cả 2 đường bay đi thẳng vào trung tâm thành phố khi cất hạ cánh. Điều này sẽ dẫn đến hàng loạt công trình trong thành phố Vinh bị hạn chế chiều cao để đảm bảo tĩnh không cho sân bay. Việc thiết kế đường băng chéo nhau lúc này vì thế là phương án tối ưu nhất.
Đường băng thứ 2 của sân bay Vinh được thiết kế chéo so với đường băng cũ để hướng bay không cắt qua khu vực đông dân cư của TP. Vinh. Ảnh: Báo Dân trí |
Mặc dù Việt Nam chưa từng có sân bay nào có thiết kế đường băng như vậy, thế nhưng trên thế giới, đã có nhiều sân bay xây dựng đường băng theo phương án này như Chhatrapati Shivaji (Mumbai, Ấn Độ), sân bay Đại Hưng (Trung Quốc), sân bay Haneda (Nhật Bản)… Thiết kế này dù có những hạn chế nhất định, không tiện lợi bằng việc xây đường băng song song, thế nhưng đây lại là phương án tối ưu cho các sân bay có hướng gió thay đổi phức tạp và bị hạn chế về không gian xây dựng.
Theo điều chỉnh quy hoạch sân bay Vinh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, sân bay Vinh sẽ được xây thêm đường băng thứ 2, mở rộng nhà ga hành khách T1 hiện tại và xây mới nhà ga hành khách T2. Tổng mức đầu tư dự án là 230 tỷ đồng.
Thời kỳ 2021-2030, sân bay Vinh có cấp 4E và sân bay quân sự cấp I với công suất đạt 8 triệu hành khách/năm và 25.000 tấn hàng hóa/năm với tổng số vị trí đỗ tàu bay là 25 vị trí.
Hiện nay, sân bay Vinh chỉ có đường cất cánh dài 2.400m, đã được đầu tư sửa chữa từ năm 2003. Tuy nhiên đến nay, sân bay vẫn không thể tiếp nhận các loại máy bay cỡ lớn như A350, B777, B797, gây ra khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu phục vụ chặng bay quốc tế. Năm 2022, sân bay Vinh đã đón 2,6 triệu lượt hành khách, vượt quá công suất thiết kế hiện tại của nhà ga hành khách T1.
Cảng hàng không quốc tế Vinh (sân bay Vinh) do thực dân Pháp xây dựng vào năm 1937 với đường cất, hạ cánh dài 1400x30m bằng đất và một vài công trình phụ trợ khác: sân đỗ máy bay, kho xăng dầu… Từ năm 1993-2000, Cảng hàng không quốc tế Vinh được đầu tư sửa chữa và đưa vào khai thác với đường cất hạ cánh có kích thước 2.174x30m và là 1 trong 22 cảng hàng không do ACV quản lý đầu tư, khai thác.
Nghệ An nằm ở trung tâm khu vực Bắc Trung Bộ, có đường biên giới giáp Lào và phía Đông giáp Biển Đông. Với diện tích lớn nhất cả nước, đạt 16.490,25km2, chiếm 3,2% diện tích cả nước, tỉnh Nghệ An đang hướng đến việc phát triển mạnh mẽ và bền vững, tạo tiền đề cho các bước tiến xa hơn trong tương lai. |