Theo nhiều chuyên gia, dù ai đắc cử Tổng thống Mỹ, thì thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vẫn cần thời gian thẩm thấu các chính sách mới của Mỹ. Vì vậy, thị trường sẽ phản ánh rõ nét hơn các chính sách vào năm thứ 2 và 3 sau khi kết thúc bầu cử.
Những tác động trái chiều
Nếu cựu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử, sẽ tạo ra nhiều tác động và thay đổi mạnh mẽ chính sách. Việt Nam có thể hưởng lợi dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc, do Mỹ đánh thuế cao các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, Việt Nam cũng sẽ đối mặt rủi ro từ các chính sách bảo hộ hàng hóa trong nước và thỏa thuận thương mại từ Mỹ.
Ngoài ra, trong 9 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, ghi nhận đạt 104,81 tỷ USD, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó, Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng bất lợi nếu Mỹ đánh thuế lên sản phẩm nhập khẩu có nguồn gốc từ Trung Quốc được sản xuất tại nước thứ 3.
Trường hợp bà Kamala Harris thắng cử và tái gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam sẽ có lợi thế vì Việt Nam là thành viên trong khối này, từ đó thúc đẩy các hoạt động xuất khẩu.
Dù ông Trump hay bà Harris đắc cử Tổng thống Mỹ, cũng có khả năng làm tăng nợ công của Mỹ. Điều này hưởng đến tăng trưởng kinh tế Mỹ. Ngoài ra, rủi ro lạm phát hiện hữu tác động đến chính sách cắt giảm lãi suất của FED, kéo theo đồng USD mạnh lên và sự mất giá các đồng tiền khác trên toàn cầu…
Những hưởng lợi từ bầu cử
Nhóm ngành bất động sản công nghiệp sẽ hưởng lợi rõ rệt từ bầu cử Tổng thống Mỹ, bởi nhóm ngành này sẽ hưởng lợi từ sự dịch chuyển dòng vốn FDI rời khỏi Trung Quốc dù ai đắc cử Tổng thống Mỹ.
Với ngành dệt may, mặt hàng này của Việt Nam sẽ thay thế sản phẩm Trung Quốc, nhưng có thể chịu mức thuế cao khi nhập khẩu vào Mỹ nếu ông Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ.
Đối với ngành thuỷ sản, mặt hàng này có thể thay thế sản phẩm Trung Quốc nhưng có thể phải chịu mức thuế cao khi nhập khẩu vào Mỹ. Với ngành dầu khí, dù một trong 02 ứng cử Tổng thống đắc cử đều có xu hướng đầu tư mạnh vào năng lượng và khai thác dầu khí và mở cơ hội cho Việt Nam xuất khẩu khí tự nhiên hoá lỏng LNG và các sản phẩm dầu khí khác sang Mỹ…
Với ngành điện thoại, linh kiện, gỗ nội thất, các mặt hàng này có thể thay thế sản phẩm Trung Quốc nhưng có thể chịu mức thuế cao khi nhập khẩu vào Mỹ…
Triển vọng các nhóm cổ phiếu
Trước bối cảnh trên, các nhà đầu tư có thể xem xét cơ hội đầu tư vào một số cổ phiếu đại diện cho từng nhóm ngành nói trên.
Thứ nhất là cổ phiếu PVD của Tổng công ty CP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí. PVD ghi nhận doanh thu trong quý 3/2024 đạt 2.438 tỷ đồng, tăng 76,5% và lợi nhuận sau thuế đạt 179,7 tỷ đồng, tăng 35,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 09 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu của PVD đạt 6.447 tỷ đồng, tăng 60,5%, và lợi nhuận sau thuế đạt 458 tỷ đồng, tăng 33,7%. Theo đó, PVD lần lượt hoàn thành 104% và 121% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận ĐHĐCĐ đã đề ra trước đó. Kết quả kinh doanh tích cực của PVD nhờ đơn giá cho thuê giàn khoan của doanh nghiệp này tăng 14% so với cùng kỳ và hiệu suất các giàn khoan đạt mức cao.
Bên cạnh các giàn khoan đã ký hợp đồng năm 2025 với các đối tác trong khu vực, PVD có tiềm năng cho thuê 2 giàn khoan và có các hợp đồng dịch vụ giếng khoan cho Dự án Lô B – Ô Môn (tổng giá trị hợp đồng ước tính đạt 2 tỷ USD). Với triển vọng đó, các nhà đầu tư có thể xem xét cơ hội đầu tư cổ phiếu PVD khi cổ phiếu này ở quanh vùng 23.000 đồng/cp.
Thứ hai là cổ phiếu VGT của Tổng Công ty Dệt may Việt Nam. VGT vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2024 với doanh thu thuần đạt 4.588 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Sau khi khấu trừ các khoản chi phí, công ty báo lãi sau thuế 230 tỷ đồng, tăng 186% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất của doanh nghiệp này từ quý 3/2022 tới nay.
Theo giải trình từ phía công ty, lợi nhuận tăng trưởng mạnh là do sự phục hồi tốt của thị trường. Ngành may có sự cải thiện cả về giá và số lượng đơn hàng do tận dụng được sự dịch chuyển từ các thị trường Trung Quốc, Bangladesh và Myanmar. Ngành sợi Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, song các đơn vị sợi luôn bám sát thị trường, nhiều thời điểm chốt được giá bông, sợi tốt. Nhà đầu tư có thể xem xét cơ hội đầu tư khi cổ phiếu VGT ở vùng 12.000 đồng/cp.
Thứ ba là cổ phiếu VHC của Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn. VHC vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2024 với doanh thu thuần đạt 3.278 tỷ đồng, tăng gần 22% so với cùng kỳ năm 2023. Sau khi trừ đi giá vốn hàng bán, VHC đã lãi gộp gần 579 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng đầu năm, VHC ghi nhận doanh thu thuần đạt 9.329 tỷ đồng, tăng 22% và lợi nhuận sau thuế đạt 870 tỷ đồng, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, sau 9 tháng đầu năm nay, VHC đã hoàn thành 80,8% kế hoạch. Nhà đầu tư xem xét cơ hội đầu tư khi cổ phiếu VHC quanh vùng giá 65.000 đồng/cp.