Năng lực của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong nước, cải thiện nhờ chính sách hỗ trợ của Chính phủ, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định cùng xu hướng phục hồi của thị trường thế giới.
Song, Thứ trưởng Phan Thị Thắng thừa nhận nền kinh tế, sản xuất công nghiệp còn nhiều thách thức phải đối mặt.
“Dù cải thiện nhiều, nội lực của các ngành sản xuất trong nước vẫn còn yếu”, bà nói. Theo đó, điểm nghẽn lớn của công nghiệp là phụ thuộc nhiều vào các yếu tố bên ngoài, khu vực FDI vẫn chưa được khắc phục. Chưa kể, giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp trong nước còn thấp, công nghiệp hỗ trợ kém phát triển. Các sản phẩm công nghiệp nội địa có hàm lượng công nghệ cao còn chưa nhiều.
Cũng theo bà Thắng, một số ngành sản xuất chủ lực vẫn giảm so với cùng kỳ, như điện thoại thông minh, tivi, ôtô, sắt thép thô, bia hơi. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như giày dép, gỗ, điện thoại các loại và linh kiện chưa về lại mức đỉnh của cùng kỳ năm 2022.
Ngoài ra, ngành sản xuất còn chịu rủi ro từ căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh nước lớn ngày càng tăng, sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn còn chậm, gián đoạn chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang các thị trường lớn (EU, Mỹ) tiếp tục đối mặt với áp lực bị điều tra phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật.
Thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết sẽ triển khai các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, gồm các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da – giày và các ngành nền tảng như ôtô, cơ khí, thép. Nhà chức trách cũng sẽ hoàn thiện thể chế, chính sách, chiến lược phát triển một số ngành nền tảng, tìm kiếm các thị trường mới cho các ngành hàng xuất khẩu chủ lực.
Phương Dung
Nguồn tin: https://vnexpress.net/san-xuat-phuc-hoi-o-hau-het-dia-phuong-4778067.html