Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) của Trung Quốc tháng 5 là 51,7 điểm, tăng cao nhất từ giữa năm 2022, theo số liệu công bố của Caixin hôm 3/6.
Chỉ số PMI trên 50 điểm cho thấy sản xuất có sự tăng trưởng. Tuy nhiên, số liệu theo công bố của Caixin – trang tin tức tài chính hàng đầu Trung Quốc – trái ngược với PMI chính thức do giới chức nước này đưa ra cuối tuần trước. Theo đó, sản xuất tại nền kinh tế thứ hai thế giới bất ngờ đi xuống trong tháng 5.
Khảo sát của Caixin tập trung hơn vào nhóm doanh nghiệp nhỏ, định hướng xuất khẩu. Trong khi đó, báo cáo chính thức hướng vào công ty lớn và quốc doanh. Các số liệu trên cho thấy có sự phân hóa trong ngành sản xuất nước này.
Theo Caixin, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tháng trước tăng mạnh nhất kể từ tháng 6/2022. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực tiêu dùng ghi nhận mức tăng cao nhất.
Sản xuất được củng cố khi nhu cầu trong nước và quốc tế mạnh lên. Tuy nhiên, đơn hàng xuất khẩu mới lại tăng chậm hơn tháng 4. Nguyên nhân là tình hình kinh tế toàn cầu nhìn chung vẫn ảm đạm.
Để duy trì sản xuất, các nhà máy tại Trung Quốc phải tăng tốc mua nguyên vật liệu. Tuy nhiên, giá năng lượng, kim loại và nhựa tăng cao khiến chi phí đầu vào tăng theo.
“Sẽ phải mất thêm một thời gian nữa, các vấn đề này mới được giải quyết. Vì thế, Trung Quốc cần thống nhất và tăng cường hơn nữa những chính sách nhằm bình ổn nền kinh tế, thúc đẩy nhu cầu nội địa và việc làm”, Wang Zhe – nhà kinh tế học tại Caixin Insight Group nhận định.
Dù vậy, tâm lý của các hãng sản xuất đã cải thiện so với tháng 4. Họ kỳ vọng nhu cầu trong và ngoài nước sẽ tăng lên trong thời gian tới.
Kinh tế Trung Quốc hiện vẫn chịu tác động từ khủng hoảng bất động sản 3 năm qua. Việc này đang gây sức ép lên niềm tin tiêu dùng và doanh nghiệp.
Tuần trước, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nâng dự báo tăng trưởng của nền kinh tế thứ hai thế giới năm nay lên 5%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra trước đó.
Hà Thu (theo Reuters)
Nguồn tin: https://vnexpress.net/san-xuat-trung-quoc-tang-manh-nhat-2-nam-4753595.html