Chi tiết

Sắp diễn ra tọa đàm “Ngăn ngừa nguy cơ vàng hoá nền kinh tế”

Trước năm 2012, vàng là phương tiện thanh toán đối với các giao dịch tài sản có giá trị lớn trong nền kinh tế như mua nhà, xe và các tài sản khác.

Giai đoạn đó, hệ thống tổ chức tín dụng được phép huy động cho vay vàng vật chất. Song song, nhiều sàn vàng phi vật chất (giao dịch vàng tài khoản) trong nền kinh tế liên thông với thế giới hoạt động rầm rộ, không gặp bất cứ trở ngại nào. Ngay cả một số ngân hàng cũng trở thành những “trader” trên các sàn vàng này.

Mức độ biến động của vàng trong giai đoạn này rất lớn, kèm theo đó là tác động tiêu cực đến nhiều vấn đề đối với kinh tế – xã hội, tạo ra vòng xoáy hỗn hợp như lạm phát tăng cao, tỷ giá biến động phức tạp, dự trữ ngoại hối thấp kỷ lục, dòng tiền không chảy vào kinh tế thực nên tăng trưởng thấp. Đặc biệt, khá nhiều ngân hàng bị lâm vào trạng thái vàng âm, thanh khoản bị đe doạ.

Trước bối cảnh này, Ngân hàng Nhà nước đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực năm 2012, gồm 3 nội dung cơ bản.

Một là, Ngân hàng Nhà nước độc quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu, đồng thời “quốc gia hoá” thương hiệu vàng miếng SJC vốn chiếm trên 90% thị phần vàng miếng cả nước.

Hai là, chấm dứt huy động/cho vay vàng; cấm sàn vàng phi vật chất; loại bỏ vàng, kể cả vàng ảo ra khỏi nền kinh tế, đặc biệt là hệ thống tổ chức tín dụng.

Ba là, theo Thông tư 16/2012/TT-NHNN hướng dẫn thi hành Nghị định số 24/2012/NĐ-CP hiệu lực 10/1/2013, Ngân hàng Nhà nước cấp phép cho 21 ngân hàng và 16 doanh nghiệp kinh doanh vàng, với tổng cộng 2.497 điểm thay vì 12 nghìn điểm như trước đây.

Có thể thể thấy, Nghị định số 24/2012/NĐ-CP cùng với sự cộng hưởng của các chính sách khác như: đề án tái cơ cấu hệ thống/xử lý nợ xấu; nắn dòng vốn ngoại tệ để kiểm soát tỷ giá; hướng tín dụng trúng mục tiêu, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã thành công trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, khẳng định vị thế VND và thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong khoảng một thập kỷ. Thậm chí, trong thời kỳ 2019-2020 là giai đoạn sóng vàng thế giới diễn biến phức tạp, tăng mạnh 55% nhưng giá vàng trong nước tăng và chênh lệch không đáng kể.

Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, thế giới đương đầu với hậu quả nới lỏng tiền tệ phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, căng thẳng địa chính trị giữa các nước leo thang, biến đổi khí hậu, thiên tai…khiến giá vàng thế giới tăng cao và truyền dẫn vào Việt Nam. 

Khi giá vàng thế giới diễn biến phức tạp, nguồn cung trong nước thiếu hụt do hơn 10 năm liền Ngân hàng Nhà nước không nhập khẩu vàng nên thị trường vàng trong nước thiếu cung. Cùng đó, một bộ phận “nhà cái” trên thị trường thừa cơ “té nước theo mưa” đẩy giá vàng lên cao. Có thời điểm mức giá vàng miếng SJC vọt lên 92,2 triệu đồng/lượng, cao hơn giá thế giới đã quy đổi gần 20 triệu đồng/lượng. 

Bởi vậy, Chính phủ liên tục chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các bộ/ngành phối hợp quản lý thị trường vàng hiệu quả, ngăn chặn nguy cơ “vàng hoá” nền kinh tế, tránh tác động tiêu cực đến lạm phát, tỷ giá và các cân đối vĩ mô quan trọng khác.

Theo đó, cùng với các giải pháp như đấu thầu vàng miếng, bán vàng ra thị trường thông qua 4 ngân hàng thương mại và Công ty SJC, đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới xuống còn khoảng 4-5 triệu đồng/lượng, giao dịch ở mức 76,98 triệu đồng/lượng từ mức đỉnh 92,2 triệu đồng/lượng. Mức giá này cũng ổn định suốt 1 tháng qua.

Tuy nhiên, đối với thị trường vàng, thứ hàng hoá xa xỉ nhưng không thiết yếu lại tác động rất lớn đến ổn định vĩ mô như tỷ giá, lạm phát thì chính sách quản lý một cách căn cơ, dài hạn thay vì các giải pháp xử lý tình thế là điều mà Chính phủ rất quan tâm. 

Sắp diễn ra tọa đàm "Ngăn ngừa nguy cơ vàng hoá nền kinh tế" - Ảnh 1

Để đóng góp thêm góc nhìn về quản lý thị trường vàng đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức toạ đàm “Ngăn ngừa nguy cơ vàng hoá nền kinh tế”.

Tọa đàm sẽ giải quyết ba nội dung chính.

Thứ nhất, đánh giá tổng thể thị trường vàng bao gồm: (i) vị trí vai trò của vàng trong nền kinh tế cũng như tác động tiêu cực khi nền kinh tế bị “vàng hoá”; (ii) loại hình doanh nghiệp hoạt động, (iii) cấu trúc sản phẩm, (iv) vai trò các cơ quản lý về các vấn đề: nhãn mác/quản lý thị trường, chất lượng sản phẩm, cấp phép xuất nhập khẩu, thuế, chống buôn lậu, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố…;

Thứ hai, vấn đề minh bạch trong kinh doanh vàng: hoá đơn, kê khai, định danh vàng…;

Thứ ba, gợi ý mô hình quản lý thị trường vàng trong thời gian tới: Sàn vàng vật chất và có thể tiến tới cơ chế trộn lẫn giao dịch chứng chỉ vàng; chính sách thuế; quy định về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Các chuyên gia tham dự toạ đàm cùng phân tích, mổ xẻ vấn đề lợi/hại khi vàng hoá nền kinh tế. Đồng thời, thảo luận các giải pháp căn cơ, dài hạn để quản lý thị trường vàng hiệu quả nhằm đảm bảo cân bằng “tam giác lợi ích” giữa các chủ thể: Nhà nước, doanh nghiệp và người dân cũng như lợi ích tổng thể của nền kinh tế.

Một số mô hình quản lý thị trường vàng từ các nước trên thế giới cũng được gợi mở nhằm các mục tiêu: (i) hài hoà lợi ích giữa các bên tham gia thị trường; (ii) khai mở nguồn lực phục vụ tái đầu tư thay vì tích tụ vàng trong két sắt; (iii) tạo tâm lý để người dân “bớt yêu vàng”…

Toạ đàm có sự tham dự của các chuyên gia:

– Ông Nguyễn Văn Phụng, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA); Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính).

– Ông Phạm Xuân Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam; Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước).

– PGS. TS Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên cao cấp, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.

– Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw.

Trân trọng kính mời quý độc giả theo dõi toạ đàm: “Ngăn ngừa nguy cơ vàng hoá nền kinh tế” sẽ được livestream trên nền tảng VnEconomy.vn, FanPage VnEconomy vào lúc 09h00 ngày 08/07/2024.

Source link