Chỉ tính riêng Giải thưởng du lịch MICE thế giới (World MICE Awards) năm 2024, Việt Nam nhận tới 3 giải, gồm: Điểm đến di sản hàng đầu châu Á, Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á, Điểm đến hàng đầu châu Á.
TP HCM chiến thắng ở cả hạng mục Điểm đến du lịch MICE hàng đầu châu Á, Điểm đến về du lịch khen thưởng hàng đầu châu Á và Hội chợ ITE HCMC được vinh danh là Triển lãm thương mại tốt nhất châu Á. Một loạt thành phố, điểm đến, khách sạn, công ty du lịch, hãng hàng không cũng được vinh danh.
Cùng với giải thưởng World MICE Awards, nhiều điểm đến trên khắp cả nước và Việt Nam cũng được các tổ chức quốc tế, hãng truyền thông, tạp chí, chuyên trang du lịch như CNN, Tripadvisor, Travel&Leisure, The Travel… vinh danh về ẩm thực, điểm đến, cảnh quan.
Những giải thưởng này góp phần quảng bá du lịch của từng địa phương và cả nước tới bạn bè quốc tế. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy trong 9 tháng đầu năm 2024, cả nước đón hơn 12,7 triệu lượt khách quốc tế, tăng mạnh 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này đáng khích lệ so với nỗ lực phục hồi của ngành du lịch Việt Nam sau dịch COVID-19 nhưng nếu so với các nước trong khu vực thì vẫn còn kém xa.
Đơn cử, điểm đến cạnh tranh trực tiếp với du lịch Việt Nam là Thái Lan đặt mục tiêu đón 36 – 38 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay; Malaysia cũng muốn đón 26 triệu lượt…
Thu hút khách đến không chỉ là số lượng mà cần tập trung vào chất lượng, khách ở lại lâu hơn, chi tiêu cao. Muốn vậy, “cơn mưa” giải thưởng chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ là phải có những sản phẩm đặc trưng, độc đáo, tạo trải nghiệm ấn tượng để khách quốc tế đến và trở lại nhiều lần.
Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Du lịch Vòng Tròn Việt, nhìn nhận các giải thưởng sẽ giúp ngành du lịch, điểm đến quảng bá, xúc tiến, giới thiệu hình ảnh tới bạn bè quốc tế nhưng để khách hài lòng và trở lại thì cần nhiều yếu tố hơn.
“Một người bạn sống ở Thái Lan cho hay bạn bè của anh ta sang du lịch luôn hẹn năm sau sẽ quay lại, có người 4-5 lần. Trong khi đó, khách tới Việt Nam rồi thì rất ít trở lại” – ông Phan Đình Huê trăn trở.
Trong những lần chia sẻ về chuyện giữ chân du khách, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vietravel, đều cho rằng kéo khách đến thôi là chưa đủ, phải làm sao để họ trở lại. Tỉ lệ khách quay lại phụ thuộc vào thương hiệu, uy tín của điểm đến. Khách quay lại càng đông càng thể hiện dịch vụ của điểm đến có chất lượng tốt. Chi phí để có được 1 du khách mới tốn gấp 5 lần chi phí chăm sóc để 1 khách cũ trở lại.
“Ngành du lịch đang hạn chế về chi phí tiếp thị điểm đến thì phải tận dụng được tỉ lệ khách quay lại. Các chỉ số cần quan tâm là về độ sâu, độ rộng, độ lớn của sản phẩm, dịch vụ điểm đến. Ngoài ra, còn có chỉ số về thương hiệu, uy tín điểm đến, chất lượng hệ thống dịch vụ” – ông Nguyễn Quốc Kỳ nhấn mạnh.