Cụ thể, theo Thông báo gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE), PNJ cho biết, doanh nghiệp mới nhận được Quyết định số 648 ngày 02/10/2024 của Cơ quan Thanh tra, Giám sát ngân hàng về việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng với số tiền 1,34 tỷ đồng.
Lãnh đạo PNJ cho rằng, lý do bị phạt là do doanh nghiệp này đã ban hành quy định nội bộ, các thực hành phân loại khách hàng theo rủi ro, báo cáo giao dịch giá trị lớn và kiểm toán nội bộ chưa đủ chặt chẽ và đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật về phòng chống rửa tiền.
Bên cạnh đó, PNJ cũng có một số sai sót như chưa cung cấp đầy đủ dữ liệu trong quá trình báo cáo và cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý. Đồng thời cho biết, doanh nghiệp đã chấp hành nghiêm chỉnh, đầy đủ các quyết định của cơ quan Thanh tra, Giám sát ngân hàng và đã tự nguyện, chủ động khắc phục các thiếu sót và hậu quả.
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thanh tra, kiểm tra thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo và đề xuất thành lập đoàn thanh tra liên ngành với thành phần tham gia gồm có của Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công thương và Bộ Tài chính.
Theo đó, 04 công ty vàng nằm trong danh sách thanh tra là SJC, PNJ, DOJI, Bảo Tín Minh Châu, cùng 02 ngân hàng là ngân hàng Tiên Phong và ngân hàng Eximbank.
Nội dung thanh tra tập trung vào việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng, về phòng, chống rửa tiền, thanh tra việc chấp hành nghĩa vụ thuế, các quy định pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ. Thời kỳ thanh tra từ ngày 01/01/2020 đến ngày 15/05/2024, khi cần thiết có thể thanh tra trước hoặc sau thời kỳ nêu trên.
Về kết quả kinh doanh, theo Chứng khoán ABS, lũy kế 8 tháng đầu năm 2024, PNJ ghi nhận doanh thu thuần đạt 26.866 tỷ đồng, tăng 27,2% so với cùng kỳ; Lợi nhuận sau thuế đạt 1.281 tỷ đồng, tăng 2,8% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp của công ty lại giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 16,6% do khách hàng ưu tiên mua vàng 24K là mảng vốn có biên lợi nhuận thấp.
ABS đánh giá, tình hình kinh doanh 2 tháng đầu quý III/2024 của PNJ đang chậm lại, khi tổng doanh thu chỉ đạt 4.773 tỷ đồng, bằng 50% doanh thu quý II, biên lợi nhuận gộp tăng lên mức 17,5% (gần bằng mức 17,6% của quý I và cao hơn mức 15,6% của quý II) nhưng biên lợi nhuận ròng chỉ còn 2,4%, thấp hơn mức bình quân 3,54% của quý III trong giai đoạn 2022-2023 trở lại đây.
“Điều này cho thấy công ty không những gặp khó khăn trong việc bán hàng mà còn đối mặt với vấn đề giá vốn cao và chi phí tăng cao do cố gắng đẩy mạnh việc mở rộng mạng lưới cửa hàng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, công ty chỉ tăng được tổng cộng 5 cửa hàng nhưng trong 2 tháng quý III/2024, PNJ đã tăng thêm 9 cửa hàng, nâng tổng số cửa hàng hiện có lên 414 cửa hàng”, ABS đánh giá.
Về tài sản và nguồn vốn, ABS cho biết, PNJ tăng lượng tiền mặt nắm giữ lên 1.544 tỷ đồng, tăng 72% so với thời điểm cuối năm 2023 và đáo hạn gần như toàn bộ lượng tiền gửi ngắn hạn tại ngân hàng, khiến con số này giảm từ 810 tỷ đồng hồi cuối năm 2023, xuống chỉ còn 170 triệu đồng vào cuối quý II/2024. Trong khi đó, công ty cũng đã thanh toán phần lớn các khoản vay ngắn hạn trong kỳ, giảm từ mức 2.384 tỷ đồng cuối năm 2023 xuống còn 260 tỷ đồng cuối quý II/2024.
Hàng tồn kho chiếm tỷ trọng trên 75% trong cơ cấu tài sản của PNJ. Theo đó, giá trị hàng tồn kho của công ty giảm 11,2% so với đầu năm xuống còn chỉ còn 9.713 tỷ đồng vào thời điểm cuối quý II/2024. Xét theo cơ cấu hàng tồn kho, sự sụt giảm này phần lớn đến từ nguyên vật liệu giảm 68,2% so với đầu năm và thành phẩm giảm 9,7% so với đầu năm.
“Khác với các doanh nghiệp khác trong ngành bán lẻ, nguyên vật liệu của PNJ chủ yếu là vàng với sự biến động giá mạnh, vì vậy PNJ cần tích trữ nhiều hàng tồn kho để tránh rủi ro biến động mạnh về giá vốn. Ngoài ra, PNJ làm chủ toàn bộ quy trình kinh doanh trang sức từ khâu nhập nguyên liệu, chế tác, phân phối… nên thời gian công ty lưu trữ nguyên liệu và thành phẩm sẽ lâu hơn, khiến cho vòng quay hàng tồn kho của PNJ thấp hơn nhiều so với các công ty bán lẻ khác vốn chỉ tập trung vào khâu phân phối”, ABS đánh giá.
Đánh giá về triển vọng của doanh nghiệp, ABS chỉ ra 04 yếu tố tích cực tác động đến triển vọng của doanh nghiệp này, bao gồm: Thứ nhất, tăng thị phần nhờ đẩy mạnh mở rộng mạng lưới cửa hàng. PNJ hiện đang chiếm 55% thị phần trang sức thương hiệu với tệp khách hàng trung đến cao cấp. Chỉ trong 2 tháng đầu quý III/2024, PNJ đã tăng thêm được 9 cửa hàng, nâng tổng số cửa hàng hiện có lên 414 cửa hàng, bao phủ 57/63 tỉnh thành, vượt trội hơn so với các công ty cùng ngành.
Thứ hai, tiếp tục ra mắt các bộ sưu tập mới. PNJ hiện đang sở hữu 2 nhà máy sản xuất tại Gò Vấp và Long Hậu với dây chuyền sản xuất hiện đại, thường xuyên thay đổi mẫu mã để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Hiện 2 nhà máy có 1.500 nhân viên đang làm việc với hiệu suất hơn 4 triệu sản phẩm/năm. PNJ có khả năng tăng tốc độ trong quá trình tung sản phẩm ra thị trường và ứng dụng nền tảng phân tích dữ liệu vào chuỗi cung ứng sản xuất tăng vòng quay hàng tồn kho.
Thứ ba, triển vọng nhu cầu tích cực nhờ thu nhập cải thiện. Sự bất ổn của kinh tế thế giới đã đẩy giá vàng thế giới nói riêng, và giá các kim loại quý nói chung, tăng mạnh từ đầu năm 2024. Giá vàng tăng cao khiến cho giá nguyên vật liệu đầu vào tăng theo, PNJ sẽ phải tăng giá bán. Điều này có thể ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng trang sức cũng như làm giảm biên lợi nhuận của sản phẩm.
Thứ tư, kỳ vọng chính sách giúp nguồn nguyên liệu nữ trang được cải thiện. Nguồn nguyên vật liệu chính để sản xuất của PNJ là vàng nguyên liệu, bạc nguyên liệu, vàng miếng, đá quý, kim cương… Các nguyên vật liệu này được nhập khẩu chủ yếu từ nước ngoài, còn lại vẫn mua trong nước…
Mặc dù vậy, Công ty Chứng khoán này cũng chỉ ra những rủi ro đối với doanh nghiệp như: Tốc độ mở cửa hàng và doanh thu trung bình/cửa hàng không được như kỳ vọng; Nguồn cung vàng nguyên liệu không được cải thiện; Tăng trưởng thu nhập người dân không được như kỳ vọng.
Source link