Tổng công ty Thăng Long hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng công trình đường sắt và đường bộ.
(ĐTCK) Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thông báo sẽ thoái 25,09% vốn tại Tổng công ty Thăng Long – CTCP (mã chứng khoán TTL) vào cuối tháng 12/2024, tạo động lực cho giá cổ phiếu này tăng trần liên tiếp, dù đợt thoái vốn dự kiến trước đó “ế ẩm”.
Giá khởi điểm hơn 222 tỷ đồng, cao hơn nhiều thị giá
Cổ phiếu TTL đã có 6 phiên tăng trần, từ ngày 5/12 đến 13/12/2024, kéo thị giá từ 7.900 đồng/cổ phiếu lên 14.900 đồng/cổ phiếu, phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư ở “game” thoái vốn của SCIC tại doanh nghiệp.
Tổng công ty Thăng Long có vốn điều lệ 419,08 tỷ đồng, trong đó SCIC sở hữu 25%. SCIC đã quyết định sẽ bán đấu giá toàn bộ 10,5 triệu cổ phần TTL, với giá khởi điểm 222,611 tỷ đồng, tương đương 21.200 đồng/cổ phần. So với giá đóng cửa phiên giao dịch ngày 6/12/2024 (9.400 đồng/cổ phiếu, thời điểm công bố đấu giá), mức giá này gấp 2,26 lần.
Theo quy định, nhà đầu tư đặt cọc đấu giá lô cổ phần TTL trong khoảng thời gian từ ngày 6/12 – 19/12/2024. Phiên đấu giá chính thức sẽ diễn ra vào 9h00 ngày 26/12/2024. Sau phiên đấu giá, nhà đầu tư nộp tiền mua cổ phần trong khoảng thời gian từ 26/12/2024 – 2/1/2025.
Tổng công ty Thăng Long tiền thân là Xí nghiệp Liên hợp Cầu Thăng Long, được cổ phần hóa năm 2014. Đến ngày 18/1/2018, doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, với mã chứng khoán TTL.
Bên cạnh SCIC, cổ đông lớn nhất tại Tổng công ty Thăng Long là Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng TNG, tỷ lệ sở hữu 50,16%, tương ứng gần 21 triệu cổ phần. Đại diện pháp luật của Đầu tư và Xây dựng TNG là ông Vũ Anh Tuấn, đồng thời đang giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Thăng Long.
Hiện chưa có thông tin về các nhà đầu tư tham gia đấu giá cổ phần TTL do SCIC thoái vốn, nên thị trường đang dồn sự chú ý vào các cổ đông lớn còn lại tại Tổng công ty Thăng Long, xem liệu có động thái mua vào để nâng cao tỷ lệ sở hữu, dù trước đây không mặn mà.
Cụ thể, tháng 6/2022, SCIC thông báo bán đấu giá toàn bộ 10,5 triệu cổ phần tại Tổng công ty Thăng Long với giá khởi điểm 194,6 tỷ đồng, nhưng không có nhà đầu tư đăng ký tham gia. Sau đó, SCIC tổ chức phiên đấu giá lần hai, đồng thời đăng ký bán 10,5 triệu cổ phiếu TTL theo phương thức thực hiện ngoài hệ thống, nhưng việc thoái vốn vẫn chưa thực hiện được.
Trúng thầu nhiều dự án, nhưng áp lực chi phí tăng
Tổng công ty Thăng Long hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình đường sắt và đường bộ, xây dựng các công trình dân dụng, cho thuê nhà, văn phòng, cung cấp dịch vụ sửa chữa mặt đường, cho thuê máy móc, thiết bị…
Tính đến ngày 30/9/2024, doanh nghiệp có 3 công ty con gồm Tổng công ty cổ phần Cầu 1 Thăng Long (nắm giữ 82,65% vốn), Tổng công ty cổ phần Cầu 35 Thăng Long (nắm giữ 65% vốn), Tổng công ty TNHH BOT Cầu Yên Lệnh (Hưng Yên) và một công ty liên kết là Tổng công ty TNHH BOT Đường 188 (Hải Dương).
Giai đoạn 2020 – 2023, dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng Tổng công ty Thăng Long vẫn duy trì kết quả kinh doanh có lãi: lợi nhuận sau thuế năm 2020 đạt hơn 12,5 tỷ đồng, năm 2021 hơn 12,6 tỷ đồng, năm 2022 giảm còn 8,7 tỷ đồng, nhưng tăng mạnh trong năm 2023 với 29,1 tỷ đồng.
Năm 2024, Tổng công ty ghi nhận doanh thu khả quan, nhưng lợi nhuận sụt giảm do áp lực chi phí lớn. Tính đến hết tháng 9, doanh thu đạt 1.364 tỷ đồng, tăng 34%, so với cùng kỳ năm 2023.
Do giá vốn bán hàng cao hơn 40% so với cùng kỳ, cùng với đó là doanh thu hoạt động tài chính giảm 48,5% trong khi chi phí tài chính (chủ yếu là chi phí lãi vay) giảm 12,5% và chi phí bán hàng gia tăng, nên lợi nhuận thuần về bán hàng trong 9 tháng đầu năm nay giảm gần 40%, xuống 12,7 tỷ đồng.
Sau khi nộp các khoản thuế, doanh nghiệp còn lại 10,7 tỷ đồng lợi nhuận, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 18,5 tỷ đồng.
Báo cáo lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh của Tổng công ty Thăng Long ghi nhận dòng tiền kinh doanh tính đến 30/9/2024 âm 194 tỷ đồng, chủ yếu do tăng các khoản phải trả (345,8 tỷ đồng) và tiền lãi vay đã trả (45,7 tỷ đồng).
Nguồn vốn của Tổng công ty tính đến cuối tháng 9/2024 ghi nhận 2.488 tỷ đồng, giảm 11,7% so với đầu năm. Nợ phải trả chiếm 74,3% tổng nguồn vốn, với dư nợ 1.851 tỷ đồng, gấp 2,9 lần vốn chủ sở hữu (hơn 637 tỷ đồng). Trong đó, nợ ngắn hạn là 1.795 tỷ đồng (gồm 746 tỷ đồng các khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn), chiếm 97% tổng dư nợ.
Cũng tính đến cuối tháng 9/2024, doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế chưa phân phối gần 58 tỷ đồng, tăng gần 4 tỷ đồng so với đầu năm; khoản mục tiền mặt hơn 132 tỷ đồng.
Trong bối cảnh đầu tư công được đẩy mạnh, tập trung vào cơ sở hạ tầng, năm 2024, Tổng công ty Thăng Long trúng thêm nhiều gói thầu.
Mới đây, Tổng công ty công bố trúng gói thầu 08 (EC) của dự án thành phần xây lắp thuộc dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT 656 tỉnh Khánh Hòa, kết nối với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận.
Giá trị hợp đồng của gói thầu này hơn 365 tỷ đồng. Trước đó, doanh nghiệp trúng thầu gói trị giá hơn 94 tỷ đồng, thi công xây dựng nền, mặt đường, hệ thống thoát nước mưa dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Thaco – Thái Bình.
Một số dự án tiêu biểu mà Tổng công ty Thăng Long đã và đang tham gia xây dựng có thể kể đến như cầu Kiền, cầu Sông Gianh, cầu Phù Đổng, cầu Vĩnh Tuy, cầu Hoàng Long, cầu Pá Uôn, cao tốc Sài Gòn – Trung Lương, cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên – Quốc lộ 3, các nút giao cầu vượt thép tại Hà Nội và TP.HCM…
Năm 2024, Tổng công ty đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng, mục tiêu là doanh thu 1.632 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 10 tỷ đồng. Với kết quả đạt được trong 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp đã hoàn thành 84% mục tiêu doanh thu năm và vượt 7% mục tiêu lợi nhuận năm.
Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/sau-thoai-von-bat-thanh-scic-lai-tao-song-cho-co-phieu-ttl-post359969.html