>>> Chọn cổ phiếu bất động sản nào trong năm 2024?
Cụ thể HĐQT SCR mới đây đã có quyết định tạm ngừng kinh doanh CTCP Đầu tư Bất động sản TTC Land Hưng Điền trong vòng 12 tháng kể từ ngày 01/08/2024.
Hiện, SCR đang nắm 61% TTC Land Hưng Điền. Cuối năm 2018, SCR công bố góp vốn thành lập TTC Land Hưng Điền với vốn điều lệ gần 1,36 nghìn tỷ đồng.
Đầu năm 2019, sau khi rà soát và cân nhắc, SCR đã thay đổi phương án. Vốn điều lệ TTC Land Hưng Điền theo đó còn 300 tỷ đồng, SCR nắm 62%, tương đương giá trị góp vốn 186 tỷ đồng, đồng thời cử Tổng Giám đốc Bùi Tiến Thắng làm người đại diện vốn của công ty mẹ nhân danh SCR để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của cổ đông góp vốn theo quy định. Thời hạn ủy quyền là 3 năm.
Nếu tính từ đầu tháng 7/2024, SCR đã thông báo giải thể cùng lúc 2 công ty con (đều do SCR nắm 100% vốn) để tái cơ cấu lại nhóm công ty con nhằm tối ưu việc vận hành, gồm Công ty TNHH MTV TTC Land Retail Management – doanh nghiệp trùng địa chỉ trụ sở chính với TTC Land Hưng Điền. Công ty còn lại là Công ty TNHH MTV Đầu tư Bất động sản TTC Land Phú Quốc có địa chỉ tại thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Trước đó, theo báo cáo quý I tính đến ngày 31/3/2024, TTC Land sở hữu 11 công ty con trực tiếp và 2 công ty liên kết. Việc giải thể hai công ty con nói trên sẽ giúp TTC Land giảm bớt gánh nặng quản lý, đồng thời tái cơ cấu lại nhóm công ty con, tối ưu việc vận hành và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.
>>> Rủi ro và cơ hội đối với cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp
Cùng với quyết định giải thể công ty con, TTC Land cũng công bố danh sách các chủ nợ đã hoán đổi nợ thành cổ phiếu. Cụ thể, CTCP Đầu tư Thành Thành Công đã hoán đổi 289,34 tỷ đồng thành 28,9 triệu cổ phiếu, nâng sở hữu lên 22,7% vốn điều lệ; CTCP Khu công nghiệp Thành Thành Công đã hoán đổi 54,29 tỷ đồng nợ vay để lấy 5,4 triệu cổ phiếu, nâng sở hữu lên 1,26% vốn điều lệ; và CTCP Thành Thành Nam đã hoán đổi 5,69 tỷ đồng nợ vay lấy 568.958 cổ phiếu, nâng sở hữu lên 0,13% vốn điều lệ.
Đáng chú ý, theo Nghị quyết HĐQT ngày 21/6, TTC Land cũng thông báo nội dung sửa đổi Nghị quyết số 14 đã ban hành ngày 22/5 về “Hạn chế chuyển nhượng”. Theo đó, “cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành (ngày SCR xác định để hoán đổi cổ phiếu SCR với khoản nợ của SCR với chủ nợ), trừ trường hợp thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của Trọng tài hoặc thừa kế theo quy định pháp luật”.
Ngoài ra, Nghị quyết cũng sửa đổi thời gian thực hiện “Dự kiến trong năm 2024- quý I năm 2025”.
Việc thực hiện phương án phát hành cổ phiếu để hoán đổi nợ là theo kế hoạch đã được ĐHĐCĐ 2024 thông qua, với số lượng hơn 34,9 triệu cp, giá trị phát hành hơn 349,3 tỷ đồng tương đương với giá trị nợ hoán đổi. Số cổ phiếu này sẽ phân phối trực tiếp cho chủ nợ theo tỷ lệ 10.000 đồng nợ đổi lấy 1 cp phát hành mới. Tất cả chủ nợ như danh sách được SCR hé lộ đều là nhà đầu tư trong nước và việc phát hành không vi phạm quy định về sở hữu chéo.
Về kết quả kinh doanh, trong quý I/2024, TTC Land ghi nhận doanh thu đạt 68,97 tỷ đồng, giảm 14,9% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 4,8 tỷ đồng, tăng 142,9% so với cùng kỳ, nhờ cải thiện đáng kể biên lợi nhuận gộp, từ 26,1% lên 40,5%. Lợi nhuận gộp tăng 31,9% so với cùng kỳ, đạt 27,9 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng giảm đáng kể, góp phần vào kết quả kinh doanh tích cực.
Theo chỉ tiêu được giao năm 2024, SCR dự kiến doanh thu thuần hợp nhất 705 tỷ đồng, tăng 90% so với thực hiện 2023; còn lợi nhuận trước thuế đi ngang mức 16 tỷ đồng.
Đặt kỳ vọng trong dài hạn
Thông tin về hoạt động kinh doanh, mới đây SCR cho biết 6 tháng đầu năm 2024, mặc dù tình hình thị trường bất động sản (BĐS) vẫn còn nhiều khó khăn nhưng TTC Land vẫn ưu tiên tìm kiếm giải pháp mở rộng phát triển chuỗi giá trị khép kín ở các lĩnh vực trụ cột, gồm: BĐS dân dụng, BĐS thương mại và BĐS dịch vụ, bên cạnh là định hướng chiến lược kết hợp BĐS công nghiệp và BĐS kho vận tầm nhìn đến 2030. Nhờ vậy, đến nay, tình hình hoạt động chung của TTC Land đã ghi nhận nhiều bước tiến đáng kể trong bối cảnh thị trường khó khăn chung.
“Năm 2024, TTC Land bắt đầu triển khai dự án trọng điểm. Đơn cử như dự án cao ốc phức hợp TTC Plaza Đà Nẵng với vị trí vàng ngay thành phố biển, lợi thế 4 mặt tiền, đã được nhà thầu Coteccons khởi công vào ngày 10/1/2024. Đây là dự án sở hữu những loại hình sản phẩm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, bao gồm: Văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại,… được kỳ vọng sẽ mang lại nguồn thu ổn định cho TTC Land trong tương lai gần.
Cũng trong quý I/2024, TTC Land đã ký kết biên bản ghi nhớ với AEONMALL Việt Nam để triển khai TTTM Aeon Mall tại dự án TTC Plaza Đà Nẵng. TTC Land và AEONMALL Việt Nam cũng liên tục có những cuộc họp để đi đến thống nhất những điều khoản của Hợp đồng thuê tổng dự án TTC Plaza Đà Nẵng trước khi 2 bên tiến hành ký kết Hợp đồng chính thức, dự kiến trong năm nay”, TTC LAnd nêu.
Liên quan dự án TTC Plaza Đà Nẵng, bên cạnh hoạt động xúc tiến triển khai TTTM Aeon Mall với AEONMALL Việt Nam, Công ty cũng cho biết hiện Ban lãnh đạo TTC Land cũng đang làm việc với các đối tác, là các đơn vị quản lý khách sạn nổi tiếng trên thế giới để hợp tác khai thác, vận hành và quản lý sản phẩm Khách sạn thuộc dự án.
Được biết, trong chiến lược phát triển giai đoạn 5 năm 2021 – 2025, TTC Land chú trọng tối ưu hóa nguồn thu từ hoạt động cho thuê sàn thương mại và dịch vụ quản lý. Trong danh mục dự án tiềm năng sắp tới của TTC Land, TTC Plaza Đà Nẵng nổi bật với tỷ trọng nguồn thu từ hoạt động cho thuê. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành giai đoạn cuối năm 2025, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển bền vững cho thị trường bán lẻ Đà Nẵng.
Chiến lược đến 2025 và tầm nhìn 2030, TTC Land sẽ trở thành doanh nghiệp BĐS khép kín.
Bên cạnh dự án TTC Plaza Đà Nẵng, TTC Land cũng đang tập trung bán hàng và nghiên cứu chiến lược kinh doanh các dự án trọng điểm như: Panomax River Villa, Selavia Phú Quốc…
Về dài hạn, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn TTC từng khẳng định, định hướng chiến lược tầm nhìn đến năm 2030, TTC Land sẽ mở rộng thêm BĐS công nghiệp và BĐS kho vận tại khu vực thị trường phía Nam trong điều kiện thuận lợi. Đây sẽ là sự cộng hưởng để TTC Land tiếp tục mở rộng phát triển theo chu kỳ chiến lược một cách ổn định, bền vững.
Theo đó, với tầm nhìn phát triển BĐS dân dụng gắn liền với BĐS công nghiệp sẽ giúp rút ngắn thời gian tìm kiếm quỹ đất và mở rộng quỹ đất phục vụ phát triển trong tương lai khi các dự án khu công nghiệp luôn được bố trí tái định cư kèm theo.
“Bên cạnh, việc phát triển BĐS dân dụng kết hợp BĐS kho vận sẽ là sự kết hợp “hoàn chỉnh”, khi các dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện pháp lý, với nguồn khách hàng kho vận sẵn có, TTC Land sẽ tận dụng quỹ đất này cho thuê kho/bãi phù hợp với ngành nghề kinh doanh. Đây sẽ là nguồn thu ổn định bổ trợ cho TTC Land trong thời gian thực hiện các thủ tục pháp lý dự án”, TTC Land cho biết.
Được biết, theo mô hình hệ sinh thái, Tập đoàn TTC đang quản lý hiện đang bao gồm BĐS khu công nghiệp khoảng 1.300 ha, BĐS kho vận hơn 700.000 m2, mục tiêu tiến đến 2030 đạt hơn 2.000 ha đất khu công nghiệp và hơn 1 triệu m2 sàn kho vận.
“Trong chiến lược 2021-2025, TTC Land tập trung kiện toàn bộ máy lãnh đạo, chiến lược hết sức thận trọng, không mở rộng dự án, củng cố dự án cũng như không phát hành trái phiếu. Tính đến thời điểm hiện tại, TTC Land không có dư nợ trái phiếu”, doanh nghiệp nhấn mạnh.
Tại phiên giao dịch 12/7, SCR đang có thị giá giao dịch 6.790đ/cp. Đây là một trong những mã cổ phiếu BĐS có quãng thời giao dịch dưới mệnh giá tính bằng năm trong vòng 1 năm qua, cùng với nhiều doanh nghiệp BĐS có mặt ở cả 3 sàn khác. Việc tái cơ cấu công ty và đẩy mạnh các dự án BĐS của TTC Land, vì vậy, được nhà đầu tư kỳ vọng sẽ góp phần xoay chuyển vị thế công thế để phát triển theo đúng tiềm năng và tầm nhìn đặt ra.
Đánh giá của bạn: