Các sản phẩm trên thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian tới sẽ đa dạng hơn.
(ĐTCK) Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) cho hay, đa dạng hóa sản phẩm là một trong những công tác được chú trọng trong Chiến lược phát triển giai đoạn 2023 – 2027, định hướng đến 2030 của Sở. Hải Vân thực hiện.
‘Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 nhấn mạnh đến việc tăng cung hàng hóa cho thị trường và cải thiện chất lượng nguồn cung. Ông có thể chia sẻ thêm về kế hoạch phát triển đa dạng cơ sở hàng hóa trên thị trường chứng khoán trong giai đoạn tới?
Ngày 29/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1726/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030. Theo đó, việc tăng cung hàng hóa cho thị trường và cải thiện chất lượng nguồn cung là một trong những giải pháp được Chính phủ đưa ra để định hướng phát triển thị trường ổn định, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững hội nhập.
Để đi theo đúng định hướng chiến lược phát triển của ngành, việc đa dạng hóa sản phẩm là một trong những công tác được chú trọng trong Chiến lược phát triển giai đoạn 2023 – 2027, định hướng đến năm 2030 của VNX. Việc đa dạng hóa sản phẩm được đề cập tại tất cả các thị trường, từ thị trường cổ phiếu, trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, đến thị trường chứng khoán phái sinh và các sản phẩm khác.
Đối với thị trường cổ phiếu, VNX và các công ty con tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính để đẩy mạnh việc tiếp nhận cổ phiếu của các doanh nghiệp cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước.
Đối với thị trường chứng khoán phái sinh, VNX sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan sớm triển khai sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số khác ngoài VN30.
Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, phát triển các sản phẩm phái sinh khác, như hợp đồng quyền chọn, sản phẩm phái sinh trên cổ phiếu đơn lẻ sau khi có thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính nhằm đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường chứng khoán phái sinh, giúp nhà đầu tư có thêm công cụ phòng vệ rủi ro, thêm sản phẩm để đầu tư, từ đó thu hút các nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, Sở cũng tập trung nghiên cứu và đề xuất phát triển thị trường giao dịch các sản phẩm chứng khoán khác. Cụ thể hơn, trong giai đoạn hiện nay, chúng tôi đang phối hợp cùng với các đơn vị liên quan nghiên cứu và sớm triển khai sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số VN100.
Hiện tại, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã chấp thuận mẫu hợp đồng tương lai chỉ số VN100. VNX đang tiếp tục phối hợp với các bên liên quan để thống nhất kế hoạch tổng thể triển khai sản phẩm, thực hiện các công tác phối hợp nội bộ, kiểm thử giữa các đơn vị và dự kiến ra mắt sản phẩm trong quý I/2025.
Chúng tôi hy vọng rằng sản phẩm mới này sẽ đón nhận được sự quan tâm, thu hút đầu tư, tăng tính đa dạng sản phẩm, tăng sự hấp dẫn cho các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.
VNX và các công ty con sẽ cải tiến và hoàn thiện chuẩn phân ngành, hệ thống chỉ số, quy hoạch lại các bộ chỉ số trên thị trường chứng khoán để xây dựng hệ thống chỉ báo nhất quán cho toàn bộ thị trường. Lộ trình này đang được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Để tiếp tục nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường, việc hoàn thiện hệ thống chỉ số là một trong những hành động thiết thực được nêu cụ thể trong Chiến lược phát triển giai đoạn 2023 – 2027, định hướng đến năm 2030 của VNX.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX). |
Cụ thể, (1) Quy hoạch lại các bộ chỉ số trên thị trường chứng khoán trên cơ sở sắp xếp lại thị trường giao dịch cổ phiếu, phát triển các sản phẩm chỉ số mới theo lộ trình của các cơ quan có thẩm quyền và đáp ứng nhu cầu thị trường bao gồm các chỉ số chỉ báo cơ bản và các chỉ số chuyên biệt; (2) Thống nhất chuẩn phân ngành cổ phiếu niêm yết theo thông lệ quốc tế để làm cơ sở phát triển các bộ chỉ số ngành cho các doanh nghiệp niêm yết; (3) Xây dựng chỉ số chỉ báo cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp (bao gồm cả trái phiếu doanh nghiệp niêm yết và trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ).
Ngày 15/11/2023, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 69/2023/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 57/2021/TT-BTC ngày 12/7/2021.
Nhằm nâng cao tính minh bạch và chất lượng hàng hóa thực hiện việc sắp xếp, phân loại cổ phiếu niêm yết, cổ phiếu đăng ký giao dịch dựa trên quy mô, chất lượng, đồng thời nâng cao chất lượng điều kiện niêm yết và duy trì niêm yết đối với cổ phiếu, Sở sẽ thực hiện chuyển cổ phiếu từ Sở GDCK Hà Nội (HNX) sang Sở GDCK TP.HCM (HOSE).
Do vậy, việc quy hoạch lại các bộ chỉ số sẽ được triển khai sau khi lộ trình sắp xếp lại thị trường giao dịch cổ phiếu, thị trường giao dịch trái phiếu, thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh và thị trường giao dịch các loại chứng khoán khác được hoàn thành theo quy định tại Thông tư 69/2023/TT-BTC.
Ngoài ra, trong thời gian sắp tới, khi hệ thống công nghệ thông tin theo gói thầu 04 (KRX) được chính thức vận hành, đây sẽ là bước đệm để thống nhất áp dụng chuẩn phân ngành.
Bên cạnh thị trường cơ sở, việc phát triển các sản phẩm phái sinh khác như hợp đồng quyền chọn, sản phẩm phái sinh trên cổ phiếu đơn lẻ, giúp nhà đầu tư có công cụ phòng vệ rủi ro sẽ được thực hiện ra sao, thưa ông?
Như đã đề cập ở trên, việc phát triển và hướng tới phát triển đa dạng hóa các sản phẩm phái sinh dựa trên nhiều tài sản cơ sở khác nhau là một trong những mục tiêu cần chú trọng của VNX trong việc phát triển thị trường khoán theo đúng định hướng của Chính phủ đề ra.
Chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, phát triển các sản phẩm phái sinh khác như hợp đồng quyền chọn, sản phẩm phái sinh trên cổ phiếu đơn lẻ sau khi có thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính nhằm đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường chứng khoán phái sinh, giúp nhà đầu tư có thêm công cụ phòng vệ rủi ro, sản phẩm để đầu tư phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư, và từ đó thu hút các nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài.
Mặc dù phải đối mặt với nhiều biến động, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024 vẫn giữ vững hoạt động ổn định và tăng trưởng. Theo ông, đâu là những động lực thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển bền vững hơn trong giai đoạn tới?
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế thế giới cũng như tình hình kinh tế Việt Nam có nhiều biến động. Đơn cử là việc tăng trưởng kinh tế thế giới tiếp tục duy trì ở mức thấp, căng thẳng chính trị gia tăng ở nhiều khu vực, trong nước chênh lệch lãi suất USD – VND cao, tỷ giá gia tăng…
Thị trường chứng khoán Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024 cũng đứng trước nhiều biến động khi chứng kiến nhiều phiên giảm điểm sâu, chỉ số VN-Index vẫn gặp rào cản quanh mốc 1.300 điểm.
Tuy nhiên, trong giai đoạn 6 tháng đầu năm, thị trường chứng khoán nhìn chung vẫn có sự phát triển nhất định. Theo thông tin thống kê, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM cuối tháng 6/2024 đạt trên 7.066 nghìn tỷ đồng, tăng 19% so với cuối năm trước; tương đương 69,1% GDP ước tính năm 2023.
Đối với thị trường giao dịch trái phiếu, từ đầu năm tới nay, giá trị giao dịch bình quân đạt 10.701 tỷ đồng, tăng 64,2% so với bình quân năm trước.
Đối với sản phẩm chứng khoán phái sinh, tính đến cuối tháng 6/2024, khối lượng giao dịch sản phẩm chứng quyền có bảo đảm bình quân đạt 55.389.593 chứng quyền/phiên, tăng 69,1% so với bình quân năm trước, và giá trị giao dịch bình quân đạt 50,1 tỷ đồng/phiên, tăng 75,0% so với bình quân năm trước.
Trong suốt thời gian qua, VNX vẫn luôn phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan cũng như với UBCK rà soát, đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định tại Luật Chứng khoán, Thông tư… để phù hợp với tốc độ phát triển của thị trường; đồng thời, phối hợp với UBCK để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi; tăng cường các công tác hợp tác quốc tế, thúc đẩy hội nhập và thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài; định kỳ kiểm tra hoạt động các công ty chứng khoán thành viên, nâng cao tính tuân thủ của các tổ chức trung gian tham gia thị trường.
Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/se-phan-nganh-hang-hoa-tren-thi-truong-chung-khoan-post350866.html