Khi Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư hợp nhất, dự kiến, bỏ cả 6 tổng cục gồm Hải quan, Thuế, Thống kê, Uỷ ban chứng khoán, Kho bạc và Dự trữ Nhà nước.
Theo kế hoạch định hướng, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính hợp nhất, lấy tên là Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển. Bộ này quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực đang giao cho Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Tại cuộc họp về sắp xếp bộ máy với Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc ngày 11/12, Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết tổng số đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của hai bộ trước khi sắp xếp là 56 đầu mối. Trong đó, mỗi bộ có 28 đầu mối, gồm 47 đầu mối hành chính (6 tổng cục, 14 cục, 27 vụ, văn phòng, thanh tra), 9 đơn vị sự nghiệp công lập.
Sau khi sắp xếp lại hai bộ thành Bộ Kinh tế, Tài chính sẽ có 35 đầu mối, giảm 22 so với hiện nay. Trong đó, 34 đầu mối được sắp xếp từ hợp nhất hai bộ (17 cục, 13 vụ, văn phòng, thanh tra, 4 đơn vị sự nghiệp công lập). Một đầu mối là đơn vị sự nghiệp công lập do sáp nhập Bảo hiểm xã hội.
Theo kế hoạch sắp xếp này, tất cả 6 tổng cục thuộc hai bộ sẽ không còn. Hiện, Bộ Tài chính có 5 đơn vị tổng cục và tương đương gồm Tổng cục Thuế, Hải quan, Dự trữ Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Bộ Kế hoạch & Đầu tư có một tổng cục là Tổng cục Thống kê.
Theo Kế hoạch sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, mô hình tổng cục thuộc bộ sẽ không còn. Trường hợp cần thiết, các bộ phải báo cáo để Ban Chỉ đạo Chính phủ xem xét, cho ý kiến. Hiện, Bộ Công Thương cũng đề xuất xoá bỏ Tổng cục Quản lý thị trường.
Ngoài ra, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia sẽ chuyển giao nhân sự về Bộ Kinh tế, Tài chính, theo kế hoạch sắp xếp. Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, Bộ sẽ rà soát cụ thể từng trường hợp gắn với nhiệm vụ được giao, phù hợp với vị trí việc làm và tình hình sắp xếp bộ máy.
Cùng đó, Bộ Tài chính cũng thống nhất chủ trương sáp nhập, tổ chức Bảo hiểm xã hội thành một đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Kinh tế, Tài chính. Tức là, mô hình Bảo hiểm xã hội thuộc Chính phủ như hiện nay sẽ được chấm dứt. Đơn vị mới sẽ có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng tổ chức, thực hiện các chế độ chính sách bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp, hưu trí bổ sung. Họ cũng quản lý các quỹ, đảm bảo thông suốt, liên kết toàn hệ thống.
Với 9 đơn vị sự nghiệp công lập ngoài cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan quản lý dự kiến giữ nguyên như hiện nay. Sau đó, họ sẽ sắp xếp theo chỉ tiêu chung, chỉ giữ lại các đơn vị thuộc bộ, ngành phục vụ nhiệm vụ chính trị ở các đơn vị đầu ngành gắn với chức năng, nhiệm vụ của bộ. Đồng thời, nhà điều hành sẽ rà soát, sắp xếp tổ chức bên trong của các đơn vị này để đảm bảo tiêu chí thành lập tổ chức và yêu cầu tinh gọn bộ máy.
Với các cơ sở giáo dục đại học, Bộ sẽ sắp xếp theo quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục, đào tạo. Việc này gắn với tăng mức độ tự chủ tài chính, phù hợp với lộ trình tính đủ giá dịch vụ công theo ngành, lĩnh vực. Với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cục, tổng cục, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục rà soát, sắp xếp nhằm nâng hiệu quả hoạt động, mức độ tự chủ tài chính.
Kết luận, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cho rằng, việc sắp xếp của Bộ Tài chính tương đối hợp lý. Ông gợi ý việc đặt tên mới cần nghiên cứu phù hợp với thông lệ quốc tế và vai trò đảm nhiệm định hướng tham mưu về mặt kinh tế vĩ mô.
Phó thủ tướng yêu cầu việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy phải “quyết liệt, nhanh gọn, nhưng phải đảm bảo bộ máy hoạt động bình thường”. Hai bộ phải hoàn thành việc hợp nhất trong tháng 12 và đi vào hoạt động ổn định trước 25/2/2025. Tháng 2/2025, Quốc hội sẽ họp cho ý kiến liên quan đến các quy định về bộ máy, để bộ máy mới đi hoạt động đúng theo quy định của pháp luật.
Phương Dung
Nguồn tin: https://vnexpress.net/se-xoa-bo-tong-cuc-thue-hai-quan-thong-ke-va-uy-ban-chung-khoan-4826723.html