Sau 10 năm đặt chân vào thị trường Việt Nam, Giám đốc điều hành Grab nói họ “mạnh mẽ hơn bao giờ hết”, trong bối cảnh Gojek rút lui và đối đầu Be, Xanh SM.
“Chúng tôi có nhiều người dùng và đối tác trên nền tảng của mình hơn so với bất kỳ thời điểm nào trước đây”, ông Alejandro Osorio, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam nói trong dịp tròn 10 năm đặt chân vào thị trường, mới đây.
Trụ sở chính tại Singapore, Grab đến Việt Nam năm 2014 với dịch vụ GrabTaxi. Từ kiếm được khoảng 50 cuốc xe những ngày đầu, họ thành thế lực lớn nhất trên thị trường gọi xe sau một thập niên, với hơn 15 dịch vụ, có mặt ở 50 địa phương.
Không chia sẻ con số cụ thể, ông Alejandro nói công ty đã đạt hàng triệu đối tác, người dùng và chục triệu giao dịch mỗi tháng.
Thị trường gọi xe Việt Nam hình thành vào 2014, với bộ 3 mở đường là Easy Taxi, Grab và Uber. Những năm sau đó, nhất là khi Uber bán lại mảng kinh doanh tại Đông Nam Á, thị trường xuất hiện loạt ứng dụng xe công nghệ như FastGo, Tada, GoViet/Gojek, Be và Xanh SM.
Sau giai đoạn nở rộ như nấm mọc sau mưa, đến giữa 2024, thị trường còn lại 3 tên tuổi chính, theo khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường Q&Me. Grab nắm thị phần với 66% đặt xe máy. Be và Xanh SM đứng thứ 2 và 3, lần lượt là 32% và 19%. Tính chung dịch vụ gọi xe các loại, theo báo cáo của Mordor Intelligence đến quý IV/2023, Grab đứng đầu thị phần, kế tiếp là Xanh SM và Be.
Có nhiều dịch vụ nhưng “cuộc chiến” thực sự của các nền tảng lớn chủ yếu xoay quanh gọi xe và đồ ăn. Sau khi Baemin và Gojek lần lượt rút khỏi Việt Nam, hai mặt trận đều rơi vào thế chân vạc, với Grab – Be – Xanh SM trên thị trường gọi xe và Grab – ShopeeFood – Be ở lĩnh vực gọi đồ ăn.
“Nhiều đối thủ gia nhập thị trường, tiêu tốn nhiều nguồn lực và trợ giá nhưng không phát triển bền vững”, ông Alejandro trả lời khi được đề nghị bình luận về sự ra đi của các nền tảng gần đây.
Vậy công thức của Grab là gì? Đầu tiên là hệ sinh thái, theo Giám đốc điều hành hãng xe này tại Việt Nam. Họ cung cấp nhiều dịch vụ để người dùng luôn có lý do mở ứng dụng. Ví dụ ban đầu người dùng mở lên đặt xe nhưng sau đó tình cờ thấy ưu đãi đặt món hấp dẫn thì mua thêm đồ ăn.
Điều này mang đến 2 lợi ích, giữ chân khách và thu nhập tài xế. Trung bình trong năm 2024, tài xế 2 bánh có số chuyến xe tăng thêm 30% trong một giờ online so với 2014 nhờ chạy nhiều dịch vụ và nhận nhiều đơn trong cùng chuyến xe.
Ngoài ra, khi nền tảng thu hút được một người dùng mới, người đó sẽ đồng thời là khách hàng tiềm năng của đặt đồ ăn, đi chợ, gọi xe và nhiều dịch vụ khác, giúp giảm đáng kể chi phí thu hút người dùng so với các đối thủ, theo ông Alejandro.
“Mạng lưới dịch vụ phức tạp với tính phụ thuộc lẫn nhau này là yếu tố quan trọng tạo nên thành công, dù là khi đối đầu với đối thủ lĩnh vực giao đồ ăn, vận tải hay các siêu ứng dụng tham vọng khác. Tôi nghĩ rằng nó rất khó để sao chép”, ông nói.
Hai yếu tố tiếp theo là rẻ và thuận tiện. Theo Q&Me, dễ đặt xe, khuyến mãi hấp dẫn và giá cạnh tranh là 3 lý do chính để người dùng cân nhắc chọn ứng dụng. Từng thi “đốt tiền” với các đối thủ, Grab giờ bớt bạo tay.
Dẫu vậy, đặc thù của ngành này là không rẻ thì khó cạnh tranh, gần đây Grab vẫn tung ra lựa chọn “tiết kiệm” cho gọi xe và nhiều mã giảm giá đặt đồ ăn. “Không phải chúng tôi hết trợ giá mà áp dụng một cách thông minh và khi cần thiết”, ông nói thêm. Ngoài ra, các chương trình ưu đãi hiện thường đồng triển khai bởi nhiều bên. Ví dụ một đơn đồ ăn có thể ưu đãi từ chính nhà hàng, phương thức thanh toán và nền tảng. Cộng hưởng này giúp giữ được lợi thế giá rẻ.
Song song đó, tính thuận tiện là kiểu sức mạnh “nhỏ nhưng có võ”. Ông Alejandro tiết lộ, sự khác biệt giữa việc để bạn chờ 4 phút thay vì 5 phút để có một tài xế tưởng nhỏ nhặt nhưng ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động của toàn bộ nền tảng. Có rất nhiều yếu tố phức tạp đằng sau điều đó.
Khả năng cá nhân hóa hay tính năng đặt đơn đồ ăn theo nhóm gần đây là những ví dụ khác. Ông nói thường ít ai nhận ra và xem là điều thuận tiện hiển nhiên nhưng đằng sau ngốn “lượng đầu tư và nỗ lực khổng lồ” cho việc phát triển các giải pháp công nghệ.
Nhưng các lợi thế được Grab phát triển thập niên qua và sự vắng mặt Gojek, Baemin không đồng nghĩa thị trường bớt cạnh tranh thời gian tới. Bởi sự vươn lên ổn định của Be và Xanh SM trong mảng gọi xe, giao hàng và sức mạnh của ShopeeFood trong gọi đồ ăn khá rõ nét.
Dù là chân vạc trên mặt trận nào, ai cũng có câu chuyện riêng để hút người dùng. ShopeeFood có hệ sinh thái Shopee lớn trong khi Be và Xanh SM được ủng hộ với tinh thần “Make in Vietnam”. Xanh SM còn tiên phong về xe điện, phù hợp với xu hướng và chương trình nghị sự quốc gia.
Cập nhật đến giữa 2024, Xanh SM đã phục vụ hơn 50 triệu lượt khách hàng sau một năm ra mắt, giúp giảm 52.000 tấn CO2 – tương đương 2,6 triệu cây xanh quang hợp trong một năm – so với sử dụng xe động cơ đốt trong.
Nhận định trên truyền thông vào tháng 6, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, Nghiên cứu viên cao cấp và Điều phối viên Chương trình Nghiên cứu Việt Nam tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak Institute, Singapore), cho rằng Xanh SM có triển vọng “lật đổ” vị trí của hãng xe công nghệ đang đứng đầu thị trường.
“Nếu công ty tiếp tục duy trì đà phát triển hiện tại, rất có thể họ sẽ đe dọa vị thế của Grab tại thị trường Việt Nam”, ông nêu.
Không bình luận trực tiếp các đối thủ khác, ông Alejandro nói “cạnh tranh là tích cực và có lợi cho phát triển”. Đối đầu với thương hiệu bản địa, nền tảng cho biết sẽ nghiên cứu các quan hệ hợp tác nhằm hỗ trợ tài xế chuyển đổi phương tiện.
“Một chiếc xe lai (hybrid) hoặc xe điện (EV) là những lựa chọn thân thiện với môi trường nhưng chúng tôi xem xét khái niệm rộng hơn”, ông nói thêm. Nghĩa là có nhiều giải pháp được làm cùng lúc để xanh hóa. Ví dụ, tính năng gộp đơn đồ ăn từ những khách khác nhau cho một tài xế giúp quãng đường di chuyển sẽ ít hơn.
Hay như việc cung cấp lựa chọn dịch vụ di chuyển trung hòa carbon. Điều này có nghĩa là nền tảng sẽ bù đắp lượng khí thải cho các chuyến đi thông qua những dự án hợp tác về giảm phát thải và các chương trình trồng rừng.
Báo cáo e-Conomy SEA 2023 của Google, Temasek và Bain & Co cho biết quy mô thị trường gọi xe và đồ ăn Việt Nam năm ngoái đạt 3 tỷ USD, dự kiến đến 2025 và 2030 đạt lần lượt 4 tỷ USD và 10 tỷ USD.
Ông Alejandro Osorio dự báo nhu cầu của người dùng sẽ liên tục thay đổi theo sự phát triển của cơ sở hạ tầng giao thông và các chính sách vĩ mô. “Các dự án như hệ thống đường cao tốc, bến xe liên tỉnh và mạng lưới metro sẽ thay đổi cách người Việt Nam di chuyển hàng ngày. Đó là cơ hội để chúng tôi đóng vai trò hỗ trợ và kết nối”, ông nói. Tuy nhiên, ông từ chối tiết lộ về thời điểm có thể hòa vốn.
Viễn Thông
Nguồn tin: https://vnexpress.net/sep-grab-viet-nam-chung-toi-dang-manh-me-hon-bao-gio-het-4801736.html