Dự án Tổ hợp Xút chất dẻo tại Nghi Sơn, Thanh Hóa được xem như “át chủ bài” của Hóa chất Đức Giang (HoSE: DGC) trong dài hạn khi hoạt động kinh doanh của nhà máy tại Lào Cai đã đến giai đoạn không thể phát triển thêm.
Theo kế hoạch, dự án được khởi công vào tháng 6/2024. Tuy nhiên, do gặp một số vướng mắc trong việc hoàn tất hồ sơ phòng cháy, chữa cháy và việc triển khai di dân, sắp xếp dân cư, tái định cư một số hộ dân chịu ảnh hưởng nên dự án lùi thời gian triển khai.
Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư cho dự án với thời gian khởi công xây dựng, lắp đặt thiết bị, chạy thử nghiệm và bàn giao từ quý IV/2024 đến quý I/2026, mục tiêu hoàn thành và đi vào hoạt động trong quý I/2026.
Đây là tổ hợp có mức đầu tư lớn nhất của Hóa chất Đức Giang với quy mô vốn 12.000 tỷ đồng, chia làm 3 giai đoạn. Riêng giai đoạn 1 có vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng với tỷ lệ 40% vốn góp từ nhà đầu tư và 60% vốn huy động.
Theo nhận định của Chứng khoán Vietcombank (VCBS), Hóa chất Đức Giang có thể thu về 1.500 – 2.000 tỷ đồng doanh thu và 200 – 250 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế từ giai đoạn 1. Câu chuyện tăng trưởng còn tiếp tục với giai đoạn 2 và giai đoạn 3 khi doanh nghiệp nâng công suất sản xuất Xút, PVC và các sản phẩm dẫn xuất giá trị cao với tổng vốn đầu tư lên tới 10.000 tỷ đồng.
Dự án sản xuất Alumina tại Đắk Nông của Hóa chất Đức Giang có thể được cấp phép trong năm 2026-2027 |
Ngoài ra, ban lãnh đạo cũng chia sẻ về khả năng vận hành dự án sản xuất Alumin tại Đắk Nông. Dự án dự kiến được cấp phép trong 2 – 3 năm tới và hoàn thành xây dựng sau 2 – 3 năm và sẽ đi vào hoạt động trong giai đoạn 2028 – 2030. Với công suất sản xuất 3 triệu tấn Alumin, Tập đoàn có thể đạt doanh thu khoảng 1,5 tỷ USD theo giá Alumin hiện tại, góp phần thúc đẩy tăng trưởng lớn.
Được biết, quy mô khai thác dự án này dự kiến khoảng 14,4 triệu tấn quặng bô xít/năm, 3 nhà máy tuyển quặng sẽ được xây dựng với công suất 5,8 triệu tấn quặng tinh/năm. Tổng mức đầu tư của cả 2 giai đoạn là 57.000 tỷ đồng (tương đương 2,3 tỷ USD). Ước tính dự án đóng góp hơn 4.800 tỷ đồng cho ngân sách tỉnh Đắk Nông hàng năm khi đi vào hoạt động.
Đắk Nông được ví như “mỏ vàng” quặng bô xít khi 1/3 diện tích tỉnh nằm trong quy hoạch bô xít. Theo quy hoạch khoáng sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 866 ngày 18/7/2023 (Quyết định 866), Đắk Nông có tổng trữ lượng quặng bô xít hơn 1,784 tỷ tấn (chiếm hơn 57% trữ lượng).
Diện tích bô xít được quy hoạch thăm dò, khai thác của Đắk Nông trong thời kỳ này là 179.597ha, chiếm 27% diện tích tự nhiên của tỉnh và rộng nhất cả nước. Quặng bô xít ở Đắk Nông trải rộng trên hầu hết diện tích tự nhiên của tỉnh, tập trung chủ yếu ở 5 địa bàn: TP. Gia Nghĩa, Đắk G’long, Đắk R’lấp, Tuy Đức và Đắk Song. Bô xít ở Đắk Nông được đánh giá có chất lượng cao hơn bô xít ở các địa phương khác. Hàm lượng bô xít nhôm đạt gần 40%.
>> Hóa chất Đức Giang (DGC) tiết lộ thời điểm siêu dự án Bauxite 2,3 tỷ USD được cấp phép