Khảo sát ngày 28-10, sàn thương mại điện tử (TMĐT) Temu đã thay quảng cáo mừng khai trương giảm giá lên đến 90% bằng “Mừng khai trương tiết kiệm lớn”.
Trước đó, Temu đã đẩy mạnh chiến lược thu hút người tiêu dùng Việt Nam thông qua chiến lược siêu giảm giá với khuyến mãi lên tới 90%.
Tuy nhiên, Nghị định 81 quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại đã quy định mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mãi không được vượt quá 50% giá hàng hóa, dịch vụ đó ngay trước thời điểm khuyến mãi.
Dù bỏ chiến lược thu hút khách bằng quảng cáo giảm giá tới 90%, song thực tế nhiều sản phẩm trên Temu cũng đang được giảm giá nhiều hơn 50% mức quy định cho phép.
Có nhu cầu mua túi vải, chị N.Dung (Hà Nội), cho biết lên sàn Temu tìm kiếm và nhận được gợi ý về chiếc túi vải có giá 238.834 đồng, trong khi giá gốc 1.005.780 đồng, giảm tới 72,5%.
Tuy vậy, khi so sánh, chị Dung khá thất vọng khi sản phẩm này được bán trên các sàn TMĐT khác chỉ có giá 80 ngàn đồng.
“Như vậy, chẳng phải là Temu tự đẩy giá lên, song giảm xuống. Vì vậy, tôi quyết định không mua” – chị Dung cho biết. Nhiều người tiêu dùng Việt Nam đã nhanh chóng xem thử hàng hóa trên Temu và cũng bày tỏ khá thất vọng vì không “siêu rẻ” như quảng cáo.
Mới đây, Bộ Công Thương có văn bản chỉ đạo đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử (TMĐT). Trong đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Cục Xúc tiến thương mại đề xuất phương án xử lý đối với những hình thức khuyến mãi không tuân thủ quy định của pháp luật đối với các nền tảng TMĐT.
Trao đổi với Báo Người Lao Động chiều ngày 28-10, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, cho biết đối với các sàn TMĐT mà có đăng ký hiện diện tại Việt Nam, doanh nghiệp được phép khuyến mãi dưới 50% mà không phải không báo, khuyến mãi trên 50% chỉ được áp dụng khi doanh nghiệp tham gia vào chương trình khuyến mãi tập trung quốc gia như Tết, các dịp lễ lớn theo quy định.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các Sở Công Thương rà soát trên địa bàn, theo đó nếu phát hiện vi phạm có quyền phạt trực tiếp các sàn TMĐT vi phạm.
Liên quan tới các sàn TMĐT xuyên biên giới chưa đăng ký hoạt động ở Việt Nam, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết nếu chưa đăng ký sẽ rất khó xử lý vì họ chưa hiện diện ở Việt Nam, do vậy cần nghiên cứu các giải pháp xử lý mạnh hơn như gỡ app, chấm dứt hoạt động như cách mà một số quốc gia đã làm.
“Với cách làm như một số sàn TMĐT nước ngoài vừa qua sẽ khiến sản phẩm trong nước bị đè bẹp” – ông Phú bày tỏ nỗi lo.