Tháng 7/2018, thời điểm giữa nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã áp mức thuế từ 7,5 – 25% đối với hàng hóa từ Trung Quốc. Đến nay, ông đe dọa nâng mức thuế lên đến 60% trên diện rộng.
Chỉ tính riêng mối đe dọa về thuế quan cũng đủ khiến ngành công nghiệp của Trung Quốc lo lắng, bởi vì họ đang xuất khẩu hơn 400 tỷ USD hàng hóa mỗi năm đến Mỹ và hàng trăm tỷ USD khác dưới dạng linh kiện, phụ tùng.
Doanh nghiệp lo ngại
Theo một bài báo từ Reuters, trong số 27 nhà xuất khẩu Trung Quốc (với ít nhất 15% doanh thu từ Mỹ) mà họ phỏng vấn, có 12 công ty dự kiến chuyển dời dây chuyền đến những quốc gia khác nếu ông Trump tái đắc cử. Bốn công ty (hoạt động 100% ở Trung Quốc) dự kiến mở nhà máy ở nước ngoài nếu Trump quyết định tăng thuế. 11 công ty còn lại chưa có kế hoạch cụ thể liên quan đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới, nhưng hầu hết đều lo ngại rằng họ sẽ gặp rào cản lớn nếu muốn tiếp cận thị trường Mỹ.
KidKraft, công ty chuyên sản xuất thiết bị vui chơi ngoài trời, cho biết sẽ giảm một nửa việc nhập hàng từ Trung Quốc nếu ông Trump thắng cử. Trước đó, khi thuế suất đối với hàng Trung Quốc tăng, họ cũng đã chuyển 20% sản lượng sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tìm đến các nước khác như Việt Nam hay Ấn Độ. Tuy nhiên họ cho biết chi phí sản xuất bên ngoài Trung Quốc cao hơn khoảng 10% và điều quan trọng là chất lượng không bằng phía Trung Quốc.
Trong khi đó, công ty Furniture Design là một công ty chưa có ý định chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, vì các thống kê cho thấy họ cần phải nhập ít nhất 60% linh kiện nội thất từ nước này. Mặc dù không chuyển dịch, nhưng họ bày tỏ mình đang ở vị thế dễ bị tổn thương. Nếu ông Trump thực sự lên nắm quyền, họ sẽ cố gắng nhập càng nhiều hàng càng tốt trước khi mức thuế cao ngất có hiệu lực. Đồng thời, họ vẫn không phủ nhận khả năng chuyển sản xuất sang Malaysia hoặc Việt Nam.
Các nhà sản xuất dự đoán việc tăng thuế đối với Trung Quốc, nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới, sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến việc làm, đầu tư và sự tăng trưởng. Khi Mỹ – Trung rơi vào cuộc chiến thương mại, chi phí sản xuất và giá tiêu dùng ở Mỹ sẽ tăng, ngay cả khi nhà máy đã chuyển ra khỏi Trung Quốc.
Việc Mỹ tăng thuế đối với hàng Trung Quốc năm 2018 giúp Đông Nam Á hưởng lợi, vì đây là khu vực có tiềm năng trở thành thế lực chia sẻ chuỗi cung ứng với Trung Quốc. Thế nhưng, biện pháp đó không gây tổn hại nhiều đến tăng trưởng của Trung Quốc. Nền kinh tế toàn cầu vẫn sẽ phụ thuộc nhiều vào tiêu thụ của Mỹ và sản xuất của Trung Quốc. Sự thật là từ khi thuế quan được áp đặt, thị phần sản xuất toàn cầu của Trung Quốc lại tăng trưởng vì tín dụng được chuyển từ ngành bất động sản sang ngành sản xuất. Thậm chí, mức thuế này còn không khiến thương mại hai bên thâm hụt bằng đợt đóng cửa vì dịch năm 2022 của Trung Quốc. Đây chính là bằng chứng về sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế của hai nước.
Tuy nhiên, một cuộc chiến thương mại 2.0 là điều mà các nhà xuất khẩu Trung Quốc không hề mong muốn, vì họ còn đang phải đối mặt với áp lực giảm phát nặng nề.
Rời khỏi Trung Quốc và tìm đường đến những quốc gia khác là điều các doanh nghiệp hay làm để tránh mức thuế suất cao. Thế nhưng, các quốc gia khác cũng không ngồi yên. Công ty GL Wholesale Lance Ericson cho biết phía Ấn Độ đã tăng giá thêm 10%, khi doanh nghiệp này đang muốn tìm kiếm nhà cung cấp từ Ấn Độ, Việt Nam và Campuchia để thay thế 40% nguồn hàng từ Trung Quốc.
Mức thuế 60% là quá cao. Thế nhưng với những mặt hàng xuất khẩu mà Trung Quốc có lợi thế, chẳng hạn xe điện, ông Trump đe dọa áp đến 200% thuế.
Nếu Mỹ tăng thuế hàng Trung Quốc trong các mảng pin năng lượng mặt trời, xe điện… thì các quốc gia khác như Indonesia và Ấn Độ lại tăng thuế với hàng may mặc, gốm sứ hoặc thép sản xuất từ Trung Quốc.
Phản ứng phía Trung Quốc
Theo các nhà kinh tế học, mức thuế 60% có thể có hiệu lực vào giữa năm 2025, khiến tăng trưởng Trung Quốc giảm từ 0,4 đến 0,7 điểm phần trăm trong năm tiếp theo.
Bắc Kinh có thể giảm thiểu tác động bằng các biện pháp như tăng cường hỗ trợ, kiểm soát xuất khẩu và hạ giá đồng tiền. Thế nhưng, đây đều là con dao hai lưỡi, có thể dẫn đến những rủi ro như dòng vốn tháo chạy, nợ nần và xung đột thương mại.
Hầu hết các nhà sản xuất đều hy vọng ông Trump sẽ điều chỉnh quan điểm nếu thắng cử. Trong khi đó, ông Mark Williams, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Châu Á của Capital Economics, nhận định rằng ông Trump đắc cử sẽ khiến tăng trưởng Trung Quốc suy yếu trong ngắn hạn, còn nếu bà Harris nắm quyền, Trung Quốc sẽ bị siết chặt trong trung hạn.