Chi tiết

S&P Global: Sản xuất Việt Nam tăng nhanh nhất 13 năm

Tốc độ tăng sản lượng sản xuất tháng 7 của Việt Nam đạt mức tăng cao nhất kể từ tháng 3/2011, theo khảo sát của S&P Global.

Thông tin được nêu tại Báo cáo chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) Việt Nam tháng 7 do tổ chức nghiên cứu S&P Global công bố. PMI – chỉ số đo sức khỏe lĩnh vực sản xuất – được thực hiện bằng cách khảo sát lãnh đạo các công ty tư nhân ngành sản xuất, dịch vụ, nhằm đánh giá sức khỏe chung của nền kinh tế.

PMI tháng 7 của ngành sản xuất Việt Nam đạt 54,7. Sản lượng tăng mạnh do số đơn đặt hàng mới đã tốt lên tháng thứ 4 liên tiếp. Các lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng, đầu tư cơ bản đều ghi nhận cải thiện đáng kể.

Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence đánh giá sản xuất tiếp đà đi lên cho thấy Việt Nam đang bắt đầu một giai đoạn tăng trưởng tốt. Điều này giúp thúc đẩy nền kinh tế tiến về phía trước.

Nguồn: S&P Global

Nguồn: S&P Global

Các doanh nghiệp tham gia khảo sát cho hay để kịp đáp ứng đơn hàng, họ tăng sản xuất và sử dụng hàng tồn kho hiện có. Tuy nhiên, vấn đề chính với các công ty hiện nay là theo kịp nhu cầu.

“Các nhà sản xuất cần tăng lực lượng lao động nhanh hơn và tiếp tục đảm bảo mua được nguyên liệu bổ sung, nếu xu hướng đơn hàng tăng vẫn duy trì trong những tháng tới”, ông Andrew Harker nhận định.

Trước đó, số liệu tháng 7 do Tổng cục Thống kê công bố cũng ghi nhận sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng tích cực. Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7 ước tính tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 11,2% so với cùng kỳ 2023. Tính chung 7 tháng, IIP tăng 8,5%, trong khi cùng kỳ giảm 0,8%.

Ở đầu tàu kinh tế TP HCM, sản xuất tháng 7 chứng kiến hồi phục ở cả ba chỉ số là IIP tăng 9,6%, tiêu thụ chế biến – chế tạo thêm 13,4% và tồn kho giảm 17,8%. Tại phiên họp kinh tế – xã hội của thành phố chiều 1/8, ông Nguyễn Ngọc Hòa – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (Huba) xác nhận tình hình doanh nghiệp trên địa bàn “đã ấm dần lên” trong tháng qua.

“Dệt may có đơn hàng lại và một số kéo dài đến cao điểm mua sắm cuối năm. Hoạt động chế biến – xuất khẩu nông sản tăng trưởng khá nhờ thị trường Trung Quốc tốt lên và thay đổi thị hiếu tiêu dùng”, ông Hòa nêu.

Nhà máy sản xuất thép Hoà Phát tại Dung Quất, Quảng Ngãi vào tháng 4/2024. Ảnh: Giang Huy

Nhà máy sản xuất thép Hòa Phát tại Dung Quất, Quảng Ngãi vào tháng 4/2024. Ảnh: Giang Huy

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất còn những thách thức. Khảo sát của S&P Global cho biết chi phí đầu vào vẫn tăng cao trong tháng 7, gần bằng mức kỷ lục hai năm qua được ghi nhận hồi tháng 6.

Chi phí nguyên vật liệu và vận chuyển logistics tăng khiến các nhà sản xuất phải điều chỉnh giá bán hàng tháng thứ ba liên tiếp. Đồng thời, một số công ty cho biết nhu cầu hàng xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi chi phí vận chuyển cao. Điều này khiến tâm lý kinh doanh giảm về mức thấp nhất kể từ tháng 1.

Tại TP HCM, Huba cho hay các doanh nghiệp phục hồi không đồng đều. “Doanh nghiệp FDI, có vốn lớn, lĩnh vực công nghệ cao, sản xuất điện – điện tử đang phục hồi sản xuất kinh doanh mạnh hơn. Trong khi đó, nhiều đơn vị vừa và nhỏ vẫn trong tình trạng cố gắng để duy trì hoạt động”, ông Hòa nói.

Viễn Thông


Nguồn tin: https://vnexpress.net/s-p-global-san-xuat-viet-nam-tang-nhanh-nhat-13-nam-4776628.html