Việc tham gia bán hàng trên các kênh online, nhất là sàn thương mại điện tử quốc tế, giúp doanh nghiệp (DN) Việt linh hoạt thích ứng, nắm bắt cơ hội kinh doanh trong dòng chảy thương mại toàn cầu.
Chinh phục doanh số triệu USD
Theo thống kê của các sàn thương mại điện tử quốc tế, số lượng sản phẩm do các đối tác bán hàng Việt Nam bán ra trên sàn đã tăng rất nhanh trong vòng 5 năm qua. Ngày càng có nhiều DN Việt, nhất là DN khởi nghiệp (start-up), chinh phục được thị hiếu tiêu dùng quốc tế.
Đơn cử, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu đồ thủ công mỹ nghệ Yêu Thiên Nhiên (Natural Love) đã thành công khi đưa ống hút cỏ lên sàn Alibaba vào năm 2019. Bà Lê Thị Tú Uyên, Giám đốc điều hành Natural Love, cho biết sản phẩm lên sàn đúng thời điểm nhiều nước trên thế giới đưa ra lộ trình cấm ống hút nhựa nên đã thắng lớn. Giai đoạn 2019-2021, có tháng DN lời cả trăm triệu đồng.
NewBam – thương hiệu hạt điều chế biến sẵn ra mắt chưa đầy 2 năm của Công ty Organic Viet Food (OVF) – cũng đã chinh phục được thị trường Mỹ trong thời gian ngắn. Tháng 11-2022, công ty xuất khẩu lô hàng thương hiệu NewBam đầu tiên sang Mỹ. Đến tháng 6-2023, các sản phẩm mới mang hương vị caramel, wasabi, tomyum… được lên kệ Amazon ở Mỹ, Canada.
“Chúng tôi mất 6 tháng để nghiên cứu sản phẩm, chỉ 3 tháng sau khi lên kệ đã được đánh giá 4,7 sao và sau 6 tháng đã có mặt trong tốp 100 sản phẩm bán chạy nhất trên sàn Amazon” – bà Nguyễn Huỳnh Thu Trúc, CEO OVF, tự hào. Trên cơ sở doanh thu xuất khẩu trực tuyến tăng đều 15%-20% mỗi tháng, OVF mạnh dạn đặt mục tiêu doanh thu xuất khẩu trực tuyến 2 triệu USD trong năm 2024.
Một thương hiệu của start-up Việt khác là Abera cũng đạt doanh số triệu USD chỉ sau chưa đầy 1 năm tham gia bán mỹ phẩm từ nguồn gốc tự nhiên xuyên biên giới, tỉ lệ review tích cực đến 95%.
Ông Phan Văn Hiệu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP CVI Pharma, cho biết mới tham gia sàn Amazon chưa đầy 1 năm, công ty này đạt doanh thu 20.000 USD/tháng. Sản phẩm đang bán chạy nhất trên sàn là CumarGold, được chiết xuất từ tinh nghệ nano curcumin. Đến nay, CVI đã bán hơn chục ngàn đơn hàng, được người dùng nước ngoài nhận xét tích cực về chất lượng, bao bì nhãn mác, công dụng sản phẩm.
Có thể chậm nhưng phải chắc
Ông Phan Thiện Nhân, Trưởng kênh Chi nhánh Kinh doanh quốc tế – Công ty TNHH Tập đoàn Á Châu, thông tin công ty đã đưa mũ bảo hiểm lên sàn Amazon từ tháng 2-2021. Có sản phẩm liên tục xếp tốp đầu trên sàn và doanh số năm đầu tiên đạt 600.000 USD. Sau dịch COVID-19 tăng trưởng chậm nhưng hiện tại hồi phục tốt nên công ty dự kiến doanh số năm 2024 ước đạt 2 triệu USD.
“Một mã mũ bảo hiểm của chúng tôi trên sàn Amazon có giá 110 USD, gấp 5 lần sản phẩm tương tự bán ở trong nước. Đây là yếu tố hấp dẫn để chúng tôi tham gia” – ông Nhân tiết lộ. Tuy vậy, ông thừa nhận thương mại điện tử xuyên biên giới là sân chơi khó, cần có sự đầu tư bài bản mới có lợi nhuận, nếu không thì khả năng thua lỗ sẽ lớn dù bán được giá cao.
“Trên sàn quốc tế, người tiêu dùng được trả hàng trong vòng 30 ngày mà không cần lý do. Tỉ lệ trả hàng của công ty tôi là 10%-12%. Công ty phải thành lập chi nhánh tại Mỹ, thuê kho và đội ngũ nhân sự chuyên xử lý hàng này. Khâu vận hành phải ngày càng tối ưu, hạn chế chi phí phát sinh thì mới có lãi” – ông Nhân nhìn nhận.
Từ thực tế hoạt động, các DN rút ra kinh nghiệm là nên ưu tiên các sản phẩm nhỏ, nhẹ vì sẽ tối ưu được chi phí vận chuyển, đóng gói. Bà Tú Uyên nêu kinh nghiệm: “Việc chọn sản phẩm có lợi thế cạnh tranh quyết định 60% thành công. Nên là hàng có giá trị cao, hàng có tính độc quyền và mẫu mã nhỏ gọn để giúp bên bán kiểm soát được chi phí vận chuyển dưới 8% giá trị đơn hàng, là chi phí số đông khách hàng có thể chấp nhận”.
Bà Tú Uyên cũng khuyến cáo nếu là DN nhỏ, chưa có kinh nghiệm thì không nên chọn ngành nông sản tươi, dù nhu cầu trên sàn rất lớn. Bởi lẽ, mặt hàng này vừa phải cạnh tranh mạnh về giá vừa khó bảo quản nên sản phẩm bị hư hỏng, đổi trả rất lớn, rất dễ dẫn đến thua lỗ.
Cũng khẳng định khâu nghiên cứu và phát triển (R&D) sản phẩm mang yếu tố quyết định ban đầu, bà Thu Trúc cho rằng với start-up, thà “đi” chậm mà chắc còn hơn là đi nhanh nhưng chọn sai sản phẩm.
“Khi R&D sản phẩm trên dữ liệu của Amazon về hạt điều rang muối, chúng tôi phải mua tất cả sản phẩm đang bán ở các siêu thị trong nước, đặt mua từ Mỹ tất cả sản phẩm hạt điều đang bán trên Amazon. Có sự khác biệt rất lớn: Những mã hàng bán chạy ở thị trường Mỹ có vị nhạt hơn sản phẩm phổ biến trên thị trường. Từ phát hiện này, chúng tôi đưa ra một công thức khác: Rang hạt điều bằng muối biển và gia vị nhạt hơn để bán cho người tiêu dùng Mỹ” – bà Thu Trúc nhớ lại.
Nhiều đại diện DN cho rằng kinh doanh quốc tế trong thời đại số đòi hỏi DN bên cạnh việc tập trung vào sản phẩm thì cần áp dụng hình thức kinh doanh mới, công nghệ mới, có chiến lược cụ thể, chặt chẽ để phát triển bền vững.
Phải “đọc vị” được nhu cầu khách hàng
Theo các DN, trong giai đoạn đầu, trải nghiệm của khách hàng là điều kiện tiên quyết để thành công. Những đánh giá của người tiêu dùng giúp DN nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, từ đó hoàn thiện sản phẩm. “Có khách hàng đánh giá hạt điều rang muối sẽ ngon hơn nếu giòn hơn. Tiếp thu góp ý này, chúng tôi tăng độ giòn cho sản phẩm để người tiêu dùng hài lòng hơn” – CEO OVF dẫn chứng.
Đại diện Abera thì tiết lộ tỉ lệ chuyển đổi của sản phẩm tăng đến 5-6 lần – thể hiện khả năng “đọc vị” nhu cầu để thuyết phục khách hàng quốc tế trên Amazon. “Thành công ban đầu của chúng tôi được hình thành từ việc xây dựng lợi thế bên trong từ sản phẩm, đổi mới liên tục” – đại diện Abera cho biết.