Chi tiết

Start-up vào đường đua phát triển bền vững

Đến nay, vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp (start-up) nhận thức đủ và khai thác tốt các lợi thế để theo đuổi, xây dựng mô hình phát triển bền vững.

Nhiều dự án “khát” vốn

Tham gia một cuộc thi về phát triển bền vững được tổ chức tại TP HCM gần đây, bạn trẻ Nguyễn Thị Thanh Vân (Sóc Trăng) đặt mục tiêu kêu gọi vốn cho dự án làm nhựa từ vỏ xoài của mình.

Thanh Vân cho biết 2 sản phẩm của dự án này là da thuần chay từ vỏ xoài và nhựa làm từ vỏ xoài đã ra mắt thị trường từ năm 2023. Trong đó, 80% bán cho các nhà sản xuất, 20% bán trực tiếp đến người tiêu dùng. “Nhóm gặp khó khăn về tài chính để phát triển dự án nên đang kêu gọi đầu tư” – Thanh Vân thừa nhận.

Anh Bùi Thế Bảo, đồng sáng lập ứng dụng ve chai công nghệ VECA, thì gọi vốn 300.000 USD để phát triển dự án. Mục tiêu của dự án là giúp khoảng 2.000 người mua ve chai có thêm thu nhập, góp phần giảm thiểu 5.000 tấn nguyên liệu có khả năng tái chế.

Anh Phạm Văn Quân – sáng lập viên, Giám đốc Công ty Công nghệ Check.ee, cũng đang ráo riết tìm kiếm nhà đầu tư để cùng tăng tốc, hướng đến mục tiêu chiếm lĩnh thị trường trong nước và vươn ra khu vực. Check.ee cung cấp giải pháp hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế với tiêu chuẩn nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, hàng tiêu dùng…

“Check.ee đã phát triển 6 năm, kết nối với cổng truy xuất hàng hóa quốc gia và đã có một số khách hàng là DN lớn. Công ty đã có doanh thu, lợi nhuận nhưng với chiến lược của Chính phủ và cơ hội thị trường rất lớn về chuyển đổi số, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc, chúng tôi cần có nhà đầu tư rót vốn thêm” – anh Quân bày tỏ.

3 start-up nêu trên dù quy mô, điều kiệu phát triển khác nhau nhưng đều phát triển các dự án liên quan kinh tế xanh, phát triển bền vững. Cả 3 đều có nhu cầu huy động thêm nguồn tài chính bên ngoài để tăng tốc.

Trao đổi với các start-up tại một sự kiện ở TP HCM mới đây, bà Ellie Phương, đại diện quỹ đầu tư Quest Venture ở châu Á, cho biết không chỉ Quest Venture mà nhiều quỹ cũng đang đặc biệt quan tâm đến các mảng đầu tư vào phát triển bền vững. Tuy nhiên, các quỹ còn e ngại khi đầu tư vào các start-up lĩnh vực phát triển bền vững vì đa số start-up còn khá sớm, không đủ thời gian lẫn nguồn dữ liệu chứng minh hiệu quả của dự án để thuyết phục. Ngoài ra, nhiều start-up còn mơ hồ về việc mình đang làm, cần phát triển thế nào…

Anh Bùi Thế Bảo, đồng sáng lập ứng dụng ve chai công nghệ VECA, giới thiệu dự án tại một sự kiện ở TP HCM

Anh Bùi Thế Bảo, đồng sáng lập ứng dụng ve chai công nghệ VECA, giới thiệu dự án tại một sự kiện ở TP HCM

Hiểu đúng, làm đúng từ đầu

Các chuyên gia nhận định sự bền vững là cơ hội lớn cho start-up để có được nguồn tài chính, đào tạo, huấn luyện trong và ngoài nước và là xu hướng tất yếu để phát triển. Tuy nhiên, nhiều DN đang làm theo phong trào; nếu được đào tạo về phát triển bền vững thì họ mới biết để khai thác nguồn lực đó.

Chuyên gia Trần Anh Tuấn, CEO Công ty Tư vấn Người Mở Đường (The Pathfinder) – vốn nhiều năm gắn với phong trào start-up, chỉ ra những thách thức mà các nhà khởi nghiệp lĩnh vực phát triển bền vững đang gặp phải. Theo đó, đa số start-up chưa có kiến thức đúng về vấn đề bền vững, thậm chí chưa phân biệt được sự khác biệt giữa “xanh” và “bền vững”.

Chuyên gia này cho rằng start-up phải học về kinh tế tuần hoàn, về chuỗi giá trị tuần hoàn và cách tăng giá trị trong chuỗi, từ đó chào bán giá trị mà xã hội hay môi trường đang cần. DN cần học cách đưa phát triển bền vững vào chiến lược, mô hình kinh doanh của mình và chào mời các nhà đầu tư.

“Các start-up vẫn đang trong quá trình sơ khai, đòi hỏi phải học hành thường xuyên, cập nhật những kiến thức mới nhất để tiếp cận cách làm quốc tế, từ đó mới tiếp nhận được nguồn lực trong nước lẫn nước ngoài” – ông Tuấn nhấn mạnh.

Một số chuyên gia cho rằng làm theo hướng bền vững thì giá cả rất cao, công nghệ cũng đòi hỏi là những kiến thức mới (như công nghệ carbon, thịt thực vật…). Nếu không có kiến thức đúng, sản phẩm sẽ không đủ sức hấp dẫn thị trường lẫn nhà đầu tư.

“Nhìn từ khía cạnh nội tại, nhiều nhà khởi nghiệp chưa chuẩn bị sẵn sàng để có thể tiếp nhận khái niệm bền vững. Tối đa chỉ có khoảng 20% nhà khởi nghiệp tiếp cận những kiến thức về bền vững. Trong đó, các startup ở miền Bắc có điều kiện tiếp cận những chương trình, nguồn lực và kiến thức bền vững tốt hơn phía Nam. Đáng lưu ý, hầu hết start-up ở miền Tây có kiến thức về bền vững rất sơ khai” – một chuyên gia phân tích.

Theo chuyên gia này, startup phải đi vào các mục tiêu cụ thể trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc, tích hợp mục tiêu bền vững vào chiến lược của mình. Đơn cử, chọn mục tiêu 3 là sức khỏe, mục tiêu 2 về giảm đói thì sản phẩm phải đi vào 2 mục tiêu này; tránh nói bền vững chung chung, tạo sinh kế cho xã hội thì không có ý nghĩa và không thuyết phục được nhà đầu tư. 

Chuyên gia Trần Anh Tuấn thông tin hơn 70% quỹ đầu tư trên thế giới chỉ tiếp cận những start-up có báo cáo tác động ESG hoặc tác động xã hội nói chung. Nếu startup không tham gia và hoàn thiện những báo cáo tác động theo các chuẩn này thì cơ may khi gọi vốn sẽ ngày càng khó hơn so với đi theo hướng bền vững, nếu gọi được thì giá trị cũng không lớn.

“Nhà đầu tư hiện nay rất cẩn trọng, chỉ rót vốn cho những mô hình nào có lợi nhuận. Do đó, mô hình bền vững nhưng không bài bản sẽ không có cơ hội lớn. Việc phát triển bền vững đòi hỏi không chỉ sự sáng tạo và đổi mới mà còn là chiến lược dài hạn, quản lý hiệu quả nguồn lực và khả năng thích ứng linh hoạt với môi trường kinh doanh thay đổi. Chỉ khi nào tập trung vào những yếu tố này, DN khởi nghiệp mới có thể phát triển bền vững và tạo ra dấu ấn lâu dài trong thị trường cạnh tranh khốc liệt” – ông Trần Anh Tuấn khuyến nghị.

Source link