Sáng 8/10, Ủy ban chứng khoán nhà nước (UBCKNN) đã tổ chức Hội thảo đóng góp ý kiến về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán với sự tham dự của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 22/9/2024 của Chính phủ về Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 9/2024, Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 01/9/2024 về Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8/2024, căn cứ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ngày 22/9/2024, Chính phủ đã có Tờ trình số 501/TTr-CP trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Trong quá trình lập đề nghị và soạn thảo dự án Luật nêu trên, dự án Luật đã được gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp.
Hội thảo đóng góp ý kiến về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán chính là nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, huy động trí tuệ của các cơ quan, tổ chức có liên quan, các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán (TTCK) trong xây dựng chính sách pháp luật,
Theo lãnh đạo UBCKNN, qua hơn 03 năm thực thi, Luật Chứng khoán năm 2019 và các văn bản quy định chi tiết thi hành đã tạo khuôn khổ pháp lý tương đối đầy đủ, đồng bộ, thống nhất điều chỉnh toàn diện hoạt động chứng khoán và TTCK; thể chế hóa kịp thời đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển TTCK; góp phần bảo đảm TTCK hoạt động công bằng, công khai, minh bạch, an toàn, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, giữ vai trò là kênh huy động vốn quan trọng cho Chính phủ, doanh nghiệp và là kênh đầu tư hấp dẫn cho công chúng.
Bên cạnh các kết quả tích cực, trước sự phát triển nhanh chóng của thị trường đã phát sinh một số bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật cần được xem xét, sớm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhằm kịp thời khắc phục hạn chế, rủi ro trong hoạt động của thị trường, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về chứng khoán và TTCK, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia thị trường và huy động vốn để phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh.
Để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán; kịp thời tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc mang tính cấp bách trong thực tiễn; thực hiện các đề xuất, kiến nghị của cơ quan có thẩm quyền; bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia TTCK, nội dung cơ bản được sửa đổi, bổ sung tại Luật Chứng khoán tập trung vào một số vấn đề bao gồm:
Một là, sửa đổi, bổ sung nhóm các quy định để nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán.
Hai là, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định để tăng cường công tác giám sát và xử lý nghiêm các hành vi gian lận, lừa đảo trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán, quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, bảo đảm hiệu quả phòng ngừa, xử lý vi phạm trên TTCK.
Ba là, sửa đổi, bổ sung nhóm các quy định để tháo gỡ các vướng mắc trên thực tiễn, thúc đẩy sự phát triển của TTCK với mục tiêu nâng hạng TTCK, cụ thể là hoàn thiện cơ sở pháp lý để thực hiện được hoạt động bù trừ, thanh toán các giao dịch chứng khoán trên thị trường theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP) trên TTCK Việt Nam.
Lãnh đạo UBCKNN cho biết, những nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán đã bám sát theo các nhóm chính sách tại hồ sơ lập đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia, chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 01/9/2024 về Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8/2024, bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước, Hiến pháp năm 2013 và không có quy định trái các điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Phạm vi sửa đổi bổ sung Luật Chứng khoán:
Sửa đổi, bổ sung các điều Điều 11 (Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp), Điều 12 (Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và TTCK), Điều 15 (Điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng), Điều 28 (Hủy bỏ chào bán chứng khoán ra công chúng), Điều 31 (Chào bán chứng khoán riêng lẻ của công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán), Điều 32 (Công ty đại chúng), Điều 33 (Hồ sơ đăng ký công ty đại chúng), Điều 37 (Báo cáo mua lại cổ phiếu, công bố thông tin và thực hiện việc mua lại cổ phiếu), Điều 38 (Hủy tư cách công ty đại chúng), Điều 39 (Hồ sơ hủy tư cách công ty đại chúng), Điều 52 (Thành lập và hoạt động của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam), Điều 56 (Thành viên của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam), Điều 63 (Bừ trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán); bổ sung các Điều 11a, Điều 31a và bổ sung quy định điều khoản chuyển tiếp; bỏ Điều 23 (Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng), bỏ khoản 3 Điều 48 (Niêm yết, đăng ký giao dịch chứng khoán).