Khẩu vị lựa chọn cổ phiếu năm 2024 tiên quyết là doanh nghiệp phải tăng trưởng lợi nhuận tốt
(ĐTCK) Cổ phiếu của những doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh, duy trì tăng trưởng tốt trong thời gian dài đã tạo được sức hút bền bỉ trên thị trường chứng khoán. Giá cổ phiếu vì vậy cũng mang đến hiệu suất rất tốt so với chỉ số chung.
Dòng tiền ưu tiên doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận tốt
Diễn biến nhiều cổ phiếu trên thị trường trong năm 2024 cho thấy, dòng tiền ưu tiên tìm đến các nhóm ngành có nền lợi nhuận thấp trong quý II và quý III/2023 đi kèm với xu hướng phục hồi lợi nhuận như ngân hàng, công nghệ, bán lẻ, du lịch và giải trí, hàng tiêu dùng và gia dụng, hóa chất… Hiệu suất đầu tư cổ phiếu cho thấy tính liên kết chặt chẽ đến kết quả và tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp giai đoạn 2024 – 2025. Trong đó, các cổ phiếu đầu ngành thường được hưởng lợi trước so với cổ phiếu của các doanh nghiệp nhóm dưới nhờ các lợi thế kể trên.
Ghi nhận ý kiến từ nhà đầu tư, chuyên gia phân tích đều cho thấy khẩu vị lựa chọn cổ phiếu 2024 – 2025 tiên quyết là phải có tăng trưởng (tương đối chắn chắn) – đi từ thực tế kinh doanh hơn là đầu tư dựa vào kỳ vọng. Theo đó, diễn biến phục hồi lợi nhuận qua các quý được giới đầu tư quan tâm sát sao và dòng tiền ưu tiên doanh nghiệp có tăng trưởng tốt lợi nhuận.
Theo các chuyên gia phân tích thực tế, tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp là tác nhân thúc đẩy thu hẹp chênh lệch giữa E/P của chỉ số VN-Index và lãi suất tiền gửi. Nếu lợi nhuận hồi phục tốt và tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ sẽ tiếp tục tạo ra mức chênh lệch tỷ suất sinh lời thị trường E/P so với kênh huy động tiết kiệm, từ đó thu hút dòng tiền tiếp tục chuyển dịch vào kênh chứng khoán.
Trên thị trường chứng khoán từ đầu năm tới nay, nhiều cổ phiếu đã chứng minh hiệu suất tốt nếu dựa trên nền tảng tăng trưởng lợi nhuận bền bỉ. Cùng với xu hướng cổ phiếu công nghệ toàn cầu, giá cổ phiếu FPT tính từ đầu năm tới đầu tháng 11 tăng trưởng trên 64%, có thể xem là mã tăng mạnh nhất trong VN30 và liên tục vượt đỉnh lịch sử. Vốn hoá FPT đạt 200.000 tỷ đồng, chỉ xếp sau vài cổ phiếu trên sàn như VCB, VHM. Sự tăng trưởng bền bỉ này được trợ lực bởi lịch sử tăng trưởng trên 20%/năm, điều mà hiếm có doanh nghiệp nào duy trì được như FPT.
VTP cũng là cổ phiếu hiện tượng của năm, khi ghi nhận mức tăng 150% trong một năm gần nhất nhờ kết quả kinh doanh tăng trưởng, triển vọng kinh doanh được giới đầu tư đánh giá khả thi với các dự án cũng như thị trường logistics đang rất tốt.
Và nhiều cổ phiếu khác có mức tăng trưởng nhờ nền kinh doanh tích cực như BMP tăng gần 59% trong 1 năm gần nhất; MWG tăng hơn 65%; CTR hơn 71%… trong cùng thời gian.
Theo ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Thành Công, bản chất thị trường chứng khoán là thị trường vốn, cung cấp vốn cho doanh nghiệp, doanh nghiệp lấy vốn đi đầu tư, tạo ra giá trị cho cổ đông hoặc những người liên quan.
Làm sao để tìm kiếm cổ phiếu tốt?
VTP là cổ phiếu hiện tượng của năm, ghi nhận mức tăng 150% trong một năm gần nhất nhờ kết quả kinh doanh tăng trưởng, triển vọng kinh doanh được giới đầu tư đánh giá khả thi.
Để đầu tư vào một doanh nghiệp, ông Trung cho rằng cần căn cứ trên hai yếu tố: Thứ nhất, yếu tố mang tính khoa học, là những con số có thể nhìn thấy: báo cáo tài chính và định giá như P/E, P/B. Có những nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư theo trường phái đầu tư giá trị, họ rất quan tâm tới các con số tài chính. Ví dụ, có nhà đầu tư đi tìm doanh nghiệp có giá trị sổ sách (BV) cao hơn giá trị thị trường. Nhưng giai đoạn thị trường bùng nổ, đặc biệt là những doanh nghiệp công nghệ nổi lên, nếu chỉ bám phương pháp này thì khi thị trường tăng lên thì không có cơ hội.
Nếu doanh nghiệp có tài sản chất lượng, tài chính tốt, nhưng định giá chưa tốt lắm thì phải phân tích thêm 2 yếu tố mang tính chất nghệ thuật. Cụ thể là tầm nhìn và năng lực của hội đồng quản trị, ban điều hành có thể giúp doanh nghiệp đi lên và mô hình kinh doanh của doanh nghiệp có tăng trưởng trong tương lai. Nếu phân tích doanh nghiệp đủ sâu thì đầu tư sẽ tránh được nhiều rủi ro.
Trên thị trường, cũng nhiều người theo trường phái tăng trưởng, không quan tâm đến các yếu tố tài chính, định giá của cổ phiếu thì phương pháp này sẽ giúp kìm lại, lựa chọn doanh nghiệp tăng trưởng nhưng phải định giá thấp sẽ an toàn hơn.
“Hay có những người mua cổ phiếu P/B dưới 1. Nếu tìm được doanh nghiệp có sổ sách tốt, định giá hấp dẫn, quản lý tốt, triển vọng tốt thì chắc chắn tốt. Mình không cần nhiều cổ phiếu, không cần lựa chọn nhiều. Tôi kiếm được tiền trên thị trường, hiệu suất tốt chỉ quanh 10 cổ phiếu”, ông Trung chia sẻ.
Còn theo ông Huỳnh Hoàng Phương, Cố vấn Quản lý gia sản FIDT, tăng trưởng VN-Index bản chất là nhìn vào Earning (E-lợi nhuận) tăng trưởng và mức P/E thị trường chấp nhận được. Nếu trong 1 năm tới, E tăng, tức là những yếu tố khiến thị trường chấp nhận mức P/E cao hơn thì thị giá cổ phiếu sẽ tăng.
Chẳng hạn, với câu chuyện VN-Index mãi chưa vượt được 1.300 điểm, theo ông Phương, bức tranh định giá VN-Index rất phân hoá. Định giá nhóm sản xuất (loại trừ bất động sản và ngân hàng) đang ở mức tương đương VN-Index vùng 1.500 điểm. Bản chất, định giá thị trường không rẻ. Điều khiến thị trường rẻ là từ hai nhóm ngân hàng và bất động sản.
Vậy điều gì giúp nâng đỡ được thị trường? Trừ khi có động lực rất lớn khiến thị trường thấy được tiềm năng, hoặc thị trường cần giải quyết được các rủi ro hiện tại; đồng nghĩa, nhóm ngân hàng, bất động sản phải giảm rủi ro thực sự.
Do đó, các nhóm rẻ cần được định giá lại thì VN-Index mới đi lên, thị trường không thể được dẫn dắt bởi nhóm có định giá quá cao. Dòng tiền, đặc biệt là các dòng tiền lớn rất đắn đo khi ở mức này. Khi VN-Index ở mức 1.300 điểm, cùng với các nhóm ngành dẫn dắt rất rủi ro thì không thể đẩy thị trường tăng quá mạnh về mặt ngắn hạn.
Theo ông Phương, để đầu tư trong giai đoạn hiện nay, cần dự báo được ít nhất triển vọng lợi nhuận quý I và quý II năm sau của doanh nghiệp. Nhóm ngành nào, cổ phiếu nào thực sự tăng trưởng trên bối cảnh vĩ mô tốt lên thì có thể đầu tư.
Về định giá hiện tại, ông Trung cho rằng, không phải quá rẻ như trước, khi P/E quanh mức 14 lần. Nhìn lại quá khứ, trung bình VN-Index từ 2012 đến nay là khoảng 17 – 18 lần thì mức hiện tại dưới trung bình. Vùng này chưa phải quá nóng, chưa quá đắt. Dĩ nhiên, trong nhóm cấu thành định giá, VN-Index chỉ có nhóm ngân hàng hấp dẫn, P/E dưới 10 lần. P/B Việt Nam đang ở vùng thấp nhất lịch sử, ở mức 1,7 – 1,8 lần, vì mấy năm nay, các doanh nghiệp tăng trưởng âm.
Đối với ông Trung, định giá hiện tại vẫn tốt, vẫn đầu tư được, nhưng cần chọn lọc nhóm ngành, doanh nghiệp để giúp an toàn hơn. Ngoài ra, vẫn còn một vài góc nhìn khác nhau như với mức định giá hiện tại, dù dưới trung bình nhưng sắp tới rủi ro nhiều hơn thì định giá khó quay lại trung bình ngay lập tức. Hoặc ngược lại, thị trường có thể có tin về nâng hạng hay EPS tăng thì định giá tiếp tục thấp hơn nữa. Định giá càng thấp thì mức độ an toàn càng lớn.
“Đầu tư có những lúc chán nản mới có doanh nghiệp tốt để tham gia, còn khi tất cả mọi người cùng hưng phấn sẽ cơ hội sẽ khó khăn hơn, rủi ro hơn. Do đó, hiện tại, có thể đầu tư được”, ông Trung chia sẻ.
Chất lượng hàng hóa là điều quan trọng nhất
Ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc SGI Capital
Có sự phân hóa rõ nét giữa các doanh nghiệp niêm yết sau 2 năm kể từ cuộc khủng hoảng thanh khoản cuối năm 2022. Những chính sách hỗ trợ mạnh của Chính phủ ở cả hai mặt trận tài khóa và tiền tệ đã giúp nhiều doanh nghiệp quản trị tốt vượt qua khó khăn, ổn định hoạt động và quay lại tăng trưởng. Tuy nhiên, cũng có không ít doanh nghiệp đã vay nợ quá nhiều và mắc kẹt thanh khoản trong những dự án không hiệu quả, dẫn tới kiệt quệ dòng tiền và tiếp tục chìm trong khó khăn.
Quy mô vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng nhanh và có sự hiện diện của nhiều đại diện các ngành nghề niêm yết trên 3 sàn. Số lượng doanh nghiệp cũng như quy mô vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam là không nhỏ, nhưng có sự tập trung quá lớn vào ngành tài chính, bất động sản và ngân hàng. Những ngành có triển vọng hoặc được dòng tiền dài hạn ưa thích như công nghệ, bán lẻ, tiêu dùng, dịch vụ… chưa có nhiều lựa chọn.
Với SGI Capital, ngoài yêu cầu về định giá và triển vọng tăng trưởng, chúng tôi chú ý nhiều tới chất lượng đội ngũ lãnh đạo và lịch sử bảo vệ lợi ích cổ đông khi lựa chọn các cơ hội dài hạn.
Đồng hành cùng thị trường chứng khoán nhiều năm, chúng tôi vui khi thấy các tiêu chuẩn niêm yết cũng như phát hành huy động vốn gần đây được nâng lên. Chất lượng hàng hóa là điều quan trọng nhất giúp thị trường chứng khoán có sức hút và trở thành kênh đầu tư và huy động vốn hiệu quả. Khi hàng hóa niêm yết đa dạng và có chất lượng cao, dòng tiền lớn và dài hạn sẽ tự tìm đến mà không cần chờ được nâng hạng.
Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/suc-hut-cua-co-phieu-co-hieu-qua-kinh-doanh-tot-post357711.html