Đồng USD tăng so với các loại tiền tệ khác vào phiên giao dịch vừa qua, đạt mức cao nhất trong 2 năm, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra mức cắt giảm lãi suất đúng như kỳ vọng của thị trường, đồng thời cũng cho biết sẽ giảm tốc độ nới lỏng chính sách tiền tệ của mình.
Trên thị trường Mỹ, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tăng 1,28%, hiện ở mức 108,24.
Ở diễn biến liên quan, ngày 18/12, Fed quyết định hạ 25 điểm cơ bản (0,25%), đưa lãi suất tham chiếu của Mỹ về mức 4,25-4,5%. Đây là lần thứ ba liên tiếp Fed giảm lãi suất. Hai lần trước, các mức giảm lần lượt là 0,5% và 0,25%.
Các quan chức Fed cũng ra tín hiệu rằng họ có thể sẽ tạm dừng các đợt cắt giảm lãi suất trong tương lai vào năm tới do thị trường lao động và lạm phát hiện đang ổn định. Đây cũng là lý do khiến lợi suất trái phiếu chuẩn kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng 6,1 điểm cơ bản lên 4,446%, đạt mức cao nhất trong 4 tuần;
Đồng USD cũng tăng 0,89%, đạt mức 0,90020 so với đồng franc Thụy Sĩ, sau khi đạt mức 0,90150 – mức cao nhất kể từ tháng 7. Đồng EUR giảm 1,17% xuống còn 1,03695 USD, giảm xuống mức thấp nhất trong 3 tuần. Chỉ số DXY có thời điểm chạm mức cao nhất kể từ tháng 11/2022 là 108,26.
Trên thị trường trong nước, phiên giao dịch ngày 19/12, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD tăng 26 đồng so với phiên ngày hôm qua, hiện ở mức 24.278 đồng/USD.
Vietcombank niêm yết giá mua – bán USD ở mức 25.189 – 25.519 đồng/USD tăng kịch trần 28 đồng so với phiên liền trước.
Tỷ giá chợ đen cũng tăng mạnh 70 đồng/USD mỗi chiều, hiện mua – bán ở mức 25.620 – 25.720 đồng/USD.
Chia sẻ tại hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2025 mới đây, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, năm 2025 ngành ngân hàng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, đáng chú ý, mặt bằng lãi suất có nhiều sức ép tăng do áp lực từ tỷ giá, thị trường ngoại tệ do quan điểm chính sách khó lường từ Chính phủ mới của Mỹ.
Ông Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) nhận định, tỷ giá thời gian qua chủ yếu chịu ảnh hưởng từ thâm hụt thương mại và chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và thị trường quốc tế. Dù Việt Nam đã duy trì thặng dư thương mại tốt nhưng chênh lệch lãi suất năm 2024 đang tạo ra rủi ro lớn về tỷ giá, khi dòng vốn có thể bị rút khỏi thị trường.
Vị này cho rằng, ẩn số mới là chính sách thuế quan có thể được áp dụng dưới thời ông Donald Trump. Khi chính sách này được công bố, kỳ vọng giảm thâm hụt thương mại Mỹ sẽ khiến USD tăng giá do nguồn cung trên thị trường ngoại hối giảm. Tỷ giá USD/VND vì vậy có thể chịu áp lực căng thẳng, phụ thuộc vào chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Việt Nam cùng mức độ áp dụng thuế quan đối với hàng hóa từ Trung Quốc, Mexico và Canada.