Tái cấu trúc Công ty, Chứng khoán APG đóng cửa toàn bộ chi nhánh và phòng giao dịch
Ngày 05/12, HĐQT CTCP Chứng khoán APG (HOSE: APG) thông qua việc đóng cửa Chi nhánh (CN) TPHCM và Phòng giao dịch (PGD) 132 Mai Hắc Đế, Hà Nội, nằm trong kế hoạch tái cấu trúc Công ty.
Hình minh họa
|
Theo tìm hiểu, PGD 132 Mai Hắc Đế được UBCKNN chấp thuận thành lập vào tháng 1/2022, địa chỉ đặt tại tầng 3, tòa nhà 132 Mai Hắc Đế, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Còn CN TPHCM thành lập vào ngày 15/11/2021, ban đầu đặt tại tầng 8, tòa nhà Savico Invest Office, số 66-68 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, do bà Trần Thiên Hà làm Giám đốc.
Đến tháng 2/2022, vai trò Giám đốc được giao lại cho bà Lê Thị Trà. Mới đây nhất, vào ngày 09/07/2024, UBCKNN chấp thuận cho APG dời địa điểm đặt CN về tầng 1, khối B, chung cư Petro Vietnam Landmark, 65 Mai Chí Thọ, phường An Phú, TP Thủ Đức, TPHCM như hiện tại.
Với việc đóng cửa chi nhánh, Nghị quyết cũng thông qua việc miễn nhiệm chức danh Giám đốc CN TPHCM và chấm dứt hợp đồng lao động với bà Lê Thị Trà kể từ thời điểm APG được UBCKNN cấp văn bản chấp thuận việc đóng cửa.
Như vậy, hiện tại, APG chỉ còn hoạt động với một trụ sở chính đặt tại tầng 5, tòa nhà Grand Building, 32 Hòa Mã, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
APG từng lấy ký kiến cổ đông bằng văn bản vào tháng 12/2023 về việc chuyển trụ sở về tòa nhà 132 Mai Hắc Đế. Tuy nhiên, việc chưa thống nhất được chi phí thuê và các điều kiện liên quan chưa sẵn sàng để trụ sở đặt địa điểm chính thức làm việc. Do đó, HĐQT APG đã trình ĐHĐCĐ thường niên 2024 và được thông qua dừng đợt lấy ý kiến kể trên.
Ban lãnh đạo APG cũng cho biết kế hoạch tìm kiếm, đầu tư mặt bằng cơ sở hạ tầng làm trụ sở, văn phòng chi nhánh, hướng đến những địa điểm vị trí thuận tiện và dễ tiếp cận đối với khách hàng và nhân viên, tại các quận trung tâm thành phố – nơi có nhiều các đơn vị tài chính – ngân hàng khác. Nguồn lực được Công ty sử dụng từ vốn chủ sở hữu, vốn vay và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Về bức tranh kinh doanh, APG gây bất ngờ khi lỗ ròng đến 148 tỷ đồng trong quý 3/2024, gần bằng mức lỗ lịch sử thiết lập ở quý 4/2022. Chênh lệch giảm đánh giá lại các tài sản tài chính FVTPL tăng đột biến lên mức 160 tỷ đồng là tác nhân chính dẫn đến kết quả này.
Khoản lỗ quý 3 đã xóa sạch hoàn toàn thành quả đạt được trong nửa đầu năm, khiến APG lỗ lũy kế hơn 98 tỷ đồng trong 9 tháng. Cùng kỳ năm trước, Công ty lãi ròng gần 102 tỷ đồng.
Năm 2024, APG lên kế hoạch lãi ròng 239 tỷ đồng, tăng 43% so với thực hiện 2023. Kế hoạch được Công ty đưa ra trên giả định VN-Index dao động quanh vùng 1,300 điểm trong nửa cuối năm nay. Việc lỗ nặng trong quý 3 khiến cơ hội hoàn thành kế hoạch năm trở nên cực kỳ khó khăn.