Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây đã cho ý kiến về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.
Dự luật định nghĩa tài sản số là tài sản theo quy định tại Bộ luật Dân sự, được thể hiện dưới dạng dữ liệu số, được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực bởi công nghệ số trên môi trường điện tử.
Tài sản ảo là một loại tài sản số được giao dịch hoặc chuyển giao và có thể được dùng cho mục đích thanh toán hoặc đầu tư. Tài sản ảo không bao gồm chứng khoán, dạng số của tiền pháp định và tài sản tài chính khác theo quy định pháp luật.
Trong khi đó, tài sản mã hóa là tài sản số được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực bằng công nghệ chuỗi khối, công nghệ sổ cái phân tán hoặc công nghệ số khác tương tự.
Đánh giá tài sản số, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ Lê Quang Huy cho rằng, đây là vấn đề mới, phức tạp, phát triển, thay đổi nhanh chóng. Hiện trên thế giới, loại tài sản này cũng chưa có khung pháp lý đầy đủ và vẫn còn có những quan điểm khác nhau.
Do đó, dự luật hướng đến quy định khung về khái niệm, phân loại tài sản số dựa trên mục đích sử dụng, công nghệ và các tiêu chí khác. Bên cạnh đó, Chính phủ cần xem xét sửa Bộ luật Dân sự, Luật Giao dịch điện tử, Luật Chứng khoán để phù hợp với quy định về tài sản số trong dự thảo mới.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đồng tình đây là vấn đề phức tạp, quốc tế cũng chưa có quy định thống nhất. Ví dụ Bitcoin được Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp xây dựng cơ sở pháp lý cho vấn đề này. Thực tế, người dân đang sử dụng Bitcoin để giao dịch. Vì vậy, ông lưu ý quản lý các loại tài sản này cần phù hợp với quy định trong Luật Phòng chống rửa tiền đang được soạn thảo.
Giải trình thêm liên quan đến vấn đề trí tuệ nhân tạo, tài sản số, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương cho biết, các quốc gia thường xuyên có các điều chỉnh, thay đổi luật liên quan đến các nội dung này. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng tiếp cận theo nguyên tắc trong luật chỉ quy định những nguyên tắc chung, sau đó giao cho Chính phủ quy định chi tiết để đảm bảo sự linh hoạt.
Một số báo cáo thống kê cho thấy, Việt Nam đang đứng thứ hai thế giới về tỷ lệ người sở hữu tài sản số. Năm 2024, Việt Nam nhận về hơn 105 tỷ USD, giảm so với mức 120 tỷ USD của năm 2023 nhưng vẫn gấp khoảng 4 lần tổng số vốn đầu tư FDI và tương đương 1/4 so với tổng GDP cả nước.
Các loại tiền số như Bitcoin, Ethereum… được coi là tài sản ảo phổ biến. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có định nghĩa cụ thể. Các quy định hiện mới đề cập khái niệm tiền điện tử neo theo tiền pháp định, tồn tại dưới dạng thẻ trả trước ngân hàng, ví điện tử.
PGS.TS. Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, tài chính-ngân hàng là ngành sẽ chịu tác động đầu tiên khi tài sản số có hiệu lực, từ việc thay đổi những sản phẩm-dịch vụ đã có sẵn, đến việc tạo ra một lớp tài sản hoàn toàn mới đi cùng với những sản phẩm-dịch vụ cũng chưa từng có trước đây.
Đi cùng với sự bùng nổ của tài sản số, nhận thức về quản lý tài sản số, thể hiện trong các quy định pháp luật cũng cần phải được nhìn nhận đa chiều, không chỉ ở góc độ thúc đẩy mà còn phải cân nhắc đến việc quản trị rủi ro, đảm bảo các quy định pháp luật là phù hợp với thực tiễn và lâu bị thay đổi nhất để đảm bảo sự ổn định của môi trường pháp lý.
Hồi tháng 2/2024, Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản này, hoàn thành trong tháng 5. Việc này nhằm hạn chế rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố liên quan tới loại tài sản này.