(ĐTCK) Lực cầu bắt đáy ở các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã giúp VN-Index lấy lại sắc xanh, giải tỏa áp lực tâm lý cho các nhà đầu tư.
VN-Index có thể cần thêm thời gian để củng cố vùng đáy
Sau chuỗi ngày giảm sâu và dần đánh mất các mốc hỗ trợ quan trọng, thị trường chứng khoán tuần qua bắt đầu giao dịch với tâm thế thận trọng. VN-Index tiếp tục điều chỉnh với sự suy giảm đáng kể của thanh khoản trong phiên đầu tuần. Áp lực bán vẫn áp đảo, nhưng mức độ ảnh hưởng không còn đủ mạnh để ép thị trường giảm sâu hơn. Theo đó, đà giảm của thị trường tạm thời chững lại nhờ lực cầu bắt đáy trực chờ dưới mốc 1.200 điểm, chỉ số chung và nhiều nhóm ngành có diễn biến tích cực trong nửa cuối tuần. Điều này đã giải tỏa tâm lý cho rất nhiều nhà đầu tư đang thua lỗ trên thị trường.
Dẫn dắt nhịp hồi phục là các cổ phiếu thuộc nhóm vốn hóa lớn. Đáng kể tới nhất là sự “hồi sinh” của nhóm ngân hàng (TCB, CTG, BID, VPB), chứng khoán và bán lẻ. Nhóm bất động sản như VHM, NVL, DXG… cũng sớm tăng giá và hỗ trợ dòng tiền lan tỏa rộng hơn.
Về khía cạnh kỹ thuật, diễn biến hồi phục của thị trường xuất phát từ sự cạn kiệt tạm thời của áp lực cung, đặc biệt là sau một quá trình giảm giá kéo dài. Do vậy, nhiều khả năng nhịp hồi phục này chỉ mang yếu tố kỹ thuật và khó duy trì đủ lâu để tạo cơ hội chốt lời an toàn trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, nhiều cổ phiếu đã gãy “trend” tăng trung hạn nên quá trình tạo đáy có thể cần thêm thời gian. Vì vậy, rủi ro VN-Index điều chỉnh trở lại vùng hỗ trợ 1.200 vẫn hiện hữu.
Đầu tư công kỳ vọng tăng tốc vào cuối năm
Trong các giai đoạn trước, việc tăng tốc giải ngân đầu tư công của Chính phủ đã mang lại lợi ích đáng kể cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư công, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp hạ tầng. Nhờ vào các chính sách đẩy mạnh đầu tư, hoạt động kinh doanh của nhóm doanh nghiệp này không chỉ tăng trưởng mạnh, mà còn thu hút được sự quan tâm và dòng tiền từ thị trường. Đối với ngành hạ tầng, các chính sách đầu tư công có tác động trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh và khả năng phát triển dài hạn.
Tính đến cuối tháng 10/2024, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công cả nước ước đạt 52,29% kế hoạch năm được Thủ tướng Chính phủ giao, tức khối lượng công việc cần hoàn thành vẫn còn rất lớn. Tuy nhiên, đây không phải là tình huống chưa từng xảy ra. Năm 2023, tỷ lệ giải ngân đầu tư công chỉ đạt khoảng 52% vào cuối tháng 10. Thế nhưng, với sự tăng tốc trong 2 tháng cuối năm, tỷ lệ giải ngân cuối cùng đạt 93% kế hoạch.
Nhìn lại các năm trước đó, xu hướng giải ngân vốn đầu tư công thường diễn ra chậm ở nửa đầu năm và tăng tốc vào cuối năm. Chính phủ và các cơ quan liên quan thường áp dụng nhiều biện pháp như điều chuyển vốn từ các dự án chậm tiến độ sang các dự án có khả năng thực hiện nhanh hơn, đơn giản hóa thủ tục và áp dụng cơ chế đặc thù để thúc đẩy tiến độ. Năm nay, khả năng đạt được mức giải ngân trên 85% kế hoạch là cao, nếu xu hướng cũ lặp lại.
Đối với các doanh nghiệp hạ tầng, đây là một cơ hội lớn. Nhiều dự án trọng điểm như đường ven biển, cao tốc Bắc – Nam và các công trình kết cấu hạ tầng khác đang nằm trong danh sách ưu tiên triển khai của Chính phủ. Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025 nhấn mạnh việc phát triển hạ tầng giao thông với nguồn vốn lớn, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và các khu vực trọng điểm.
Mặt bằng định giá của các doanh nghiệp trong nhóm ngành này hiện đã giảm đáng kể sau giai đoạn thị trường trầm lắng, tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn. Mặc dù vậy, nhà đầu tư cần thận trọng trong việc lựa chọn doanh nghiệp phù hợp, đánh giá kỹ lưỡng năng lực tài chính, khả năng thực hiện dự án, cũng như mức độ rủi ro liên quan. Các yếu tố như nguồn cung vật liệu, giải phóng mặt bằng và tính minh bạch trong các dự án cần được xem xét kỹ để đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/tam-ly-thi-truong-duoc-giai-toa-co-hoi-dau-tu-hap-dan-voi-nhom-co-phieu-dau-tu-cong-post358622.html