Chi tiết

Tan dần “cơn bão giá vàng”!

 

Vào ngày 30/5, giá vàng SJC còn giữ ở mức giá 90,3 triệu đồng/lượng bán ra nhưng đến chiều ngày 3/6, BIDV, Agribank, Vietcombank, VietinBank và Công ty SJC công bố giá bán vàng SJC cho khách hàng cá nhân là 79,98 triệu đồng/lượng. Giá bán ra của các ngân hàng và Công ty SJC cho người dân chỉ cao hơn giá mua từ Ngân hàng Nhà nước 1 triệu đồng/lượng. Ngay lập tức, các doanh nghiệp vàng bạc khác như: DOJI, Bảo Tín Minh Châu cũng điều chỉnh giảm giá vàng về sát mức bán ra của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước.

MẤT 10 TRIỆU ĐỒNG/LƯỢNG SAU 4 NGÀY

Theo ghi nhận của VnEconomy lúc 15h15 ngày 3/6 tại DOJI 25A Phan Đình Phùng, quận Ba Đình, Hà Nội, giá vàng SJC được doanh nghiệp này niêm yết là 77,5 – 79,5 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Như vậy, chỉ trong 4 ngày, từ 30/5 đến 3/6, giá vàng SJC đã giảm 10 triệu đồng/lượng. Những người tích trữ vàng ở lúc giá đỉnh 90 triệu đồng/lượng đang lỗ nặng nếu họ đầu cơ.

Bà Hoàng Hồng (Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: “Từ khi thấy giá vàng tụt xuống đầu 8 đầu 7, huyết áp của tôi cũng tụt theo. Tôi mua vào hôm 10/5, lúc này giá vàng 92 triệu đồng/lượng, xu hướng giá vàng trong nước đang đà tăng, mỗi ngày tăng thêm 1 triệu đồng/lượng, sức mua thị trường cho tôi cảm giác giá vàng miếng sẽ còn có thể lên ngưỡng 100 triệu đồng/lượng. Ngoan cố không chịu bán ra nên bây giờ vàng hạ nhiệt, tôi mới tiếc ngẩn người, lỗ nặng mà không biết làm sao”.

Không riêng gì trường hợp của bà Hồng, ông Quang (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng ôm vàng trong tình trạng tương tự khi mua vào với mức giá ngày 1/6 thì đến chiều hôm qua (ngày 3/6) đã lỗ 9 triệu đồng/lượng. “So với phiên giao dịch đầu tuần ngày 27/5, giá vàng SJC bán ra giảm 7 triệu đồng/lượng. Cộng thêm chênh lệch giá mua vào – bán ra, tôi lỗ đến 9 triệu đồng/lượng”, ông Quang nói với phóng viên.

Trên các hội nhóm, diễn đàn mua bán vàng, nhiều người nắm giữ vàng SJC cũng “tụt huyết áp” với đà tụt dốc của vàng. Hầu hết những người nắm giữ vàng đều lỗ nặng khi giá vàng liên tiếp giảm.

TS. Ngô Minh Hải, Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Kinh tế, Tài chính TP. Hồ Chí Minh, nhận định giá vàng thế giới diễn biến phức tạp từ đầu năm đến nay, liên tục phá đỉnh do rủi ro địa chính trị và triển vọng kinh tế vĩ mô toàn cầu không nhiều tín hiệu lạc quan nên vàng trở thành kênh phòng ngừa rủi ro. Còn ở trong nước, giá vàng tăng mạnh từ đầu năm, chênh lệch lớn với giá thế giới, chủ yếu do yếu tố đầu cơ chứ không xuất phát từ nhu cầu thực của xã hội.

“Một trong những lý do quan trọng khiến dòng tiền đầu cơ chảy vào kênh vàng là do lãi suất tiết kiệm thấp nên không đủ hấp dẫn; các cơ quan quản lý tiến hành nhiều biện pháp chấn chỉnh thị trường chứng khoán khiến dòng tiền đầu cơ rụt rè; còn thị trường bất động sản thì vẫn ảm đạm. Do đó, dòng tiền đầu cơ chỉ còn kênh trú ngụ duy nhất là vàng”, TS. Ngô Minh Hải nói.

 

TS. Ngô Minh Hải.
TS. Ngô Minh Hải.

“Trước năm 2012, có một giai đoạn vàng và đô la là phương tiện tích luỹ, cất giữ của cải của người dân; thậm chí trở thành phương tiện thanh toán trong nhiều giao dịch lớn, chẳng hạn mua bán bất động sản. Tuy nhiên, sau khi Nhà nước thực hiện nhiều biện pháp chống vàng hoá, đô la hoá, người dân đã dần dần hiểu rằng để tiền vào ngân hàng có lợi hơn tích trữ vàng. Niềm tin của người dân vào VNĐ đã được củng cố rất nhiều nên nguy cơ xảy ra tình trạng vàng hoá nền kinh tế không cao. Hiện nay, chức năng tích trữ của cải thông qua vàng dần mờ nhạt. Do đó, diễn biến phức tạp của giá vàng trong thời gian qua chủ yếu do đầu cơ bơm, thổi giá”.

Trước cơn sốt vàng như hiện nay, các chuyên gia khuyến cáo người dân nên thận trọng trong mọi giao dịch, nên nghiên cứu thị trường kỹ càng để tránh thua lỗ đáng tiếc.

Theo TS. Trương Văn Phước, Nguyên Quyền Chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia, khi Ngân hàng Nhà nước áp dụng phương thức bán vàng can thiệp trực tiếp, các ngân hàng thương mại như đại lý uỷ thác và Ngân hàng Nhà nước ấn định giá bán ra thị trường với một khoảng cách chênh lệch định trước với giá quốc tế. Như vậy, sau khoảng 10 phiên, chêch lệch sẽ sớm thu hẹp. Do đó người dân cần hết sức cẩn trọng trong các giao dịch vàng sắp tới.

HẠN CHẾ DẦN TẬP QUÁN MUA BÁN VÀNG VẬT CHẤT

Theo các chuyên gia, cùng với giải pháp tức thì như: phân phối vàng tới người dân thông qua hệ thống ngân hàng; quản lý chặt hoá đơn khi bán vàng; thanh tra, kiểm tra… thì cơ quan quản lý cần bổ sung những giải pháp khác để ổn định thị trường vàng trong dài hạn.

Trao đổi với VnEconomy, các chuyên gia đều cho rằng vàng không phải mặt hàng thiết yếu nên không cần bình ổn giá.

“Nếu nước ta giàu như Mỹ hay Trung Quốc thì không nói. Nhưng, trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia đang phát triển, ngoại tệ không dồi dào lại phải chi hàng tỷ USD mỗi năm để nhập khẩu vàng vật chất phục vụ nhu cầu của người dân mà đây không phải mặt hàng thiết yếu thì không đáng. Để thoả mãn nhu cầu sở hữu vàng vật chất này, chúng ta phải hy sinh ngoại tệ cho đầu tư, phát triển. Nên để dành ngoại tệ cho những việc quan trọng hơn”, PGS. TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh nói.

Còn theo TS. Ngô Minh Hải, việc quản lý thị trường vàng cần có lộ trình chặt chẽ, thận trọng và hướng tới 2 mục tiêu: (1) kiểm soát dòng tiền để phòng chống rửa tiền, chống chuyển giá và (2) kiểm soát ngoại tệ để ổn định tỷ giá. Nếu không kiểm soát tốt hai vấn đề này thì nguồn lực trong nước sẽ bị hao hụt rất lớn.

Theo các chuyên gia, cơ quan quản lý có thể tham khảo kinh nghiệm quốc tế để tìm ra những giải pháp nhằm giảm sức hấp dẫn của thị trường vàng, thay đổi thói quen tích trữ vàng vật chất của người dân.

 

TS. Trương Văn Phước, Nguyên Quyền Chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia.
TS. Trương Văn Phước, Nguyên Quyền Chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia.

“Về dài hạn, để có một thị trường vàng hiệu quả, tôi nghĩ rằng phải xây dựng một thị trường vàng chuyên nghiệp theo các chuẩn mực quốc tế. Ở đó, thị trường được tiếp nhận các công cụ, các dịch vụ theo quy luật cung cầu và rời xa dần tập quán mua bán vàng dưới dạng vật chất. Một thị trường với các chứng chỉ vàng, các giao dịch vàng tài khoản… sẽ cho thấy các tiện ích vượt trội so với vàng vật chất mà người dân tiếp nhận. Các chứng chỉ vàng hay giao dịch vàng tài khoản thì mức giá chính là giá quốc tế rồi. Cho nên, cần chỉnh sửa ngay Nghị định 24 để có một khuôn khổ pháp lý hội nhập quốc tế sâu hơn, để có một thị trường chuyên nghiệp hơn”.

PGS. TS Nguyễn Hữu Huân cho biết trên thế giới, mọi quốc gia đều muốn hạn chế việc đầu tư tích trữ vàng và ở những thời điểm nhất định, họ có thể đưa ra các biện pháp cực mạnh.

“Tại  Mỹ, từ năm 1933 tới năm 1971, Chính phủ cấm người dân sở hữu vàng nguyên chất 99,99%. Fed chỉ bán chứng chỉ vàng ETF cho người dân. Sau 38 năm, Mỹ xoá bỏ được chế độ bản vị vàng”, chuyên gia Nguyễn Hữu Huân dẫn chứng.

Vị chuyên gia cho biết tại Anh, vào năm 1966, đồng bảng Anh lao dốc và các nhà đầu tư chuyển sang trú ẩn vào vàng, tạo nên những nguy cơ cho nền kinh tế. Điều đó khiến các nhà quản lý đưa ra một số sửa đổi về luật, giới hạn lượng vàng người dân có thể được nắm giữ. Hạn chế này bị xóa bỏ vào năm 1971. Đạo luật kiểm soát vàng năm 1965 của Ấn Độ cấm công dân sở hữu vàng miếng và tiền xu nhưng được bãi bỏ vào năm 1990.

Ông Nguyễn Hữu Huân khuyến nghị Việt Nam có thể nghiên cứu, rút kinh nghiệm để lựa chọn biện pháp tối ưu phù hợp với điều kiện thực tế để ổn định thị trường. Đồng thời, hạn chế việc người dân đầu tư vào vàng, tiêu tốn nguồn lực của nền kinh tế.

Chẳng hạn, thay vì tích trữ vàng miếng, có thể thiết lập và hướng người dân đầu tư sang quỹ đầu tư vàng ETFs dưới sự quản lý trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước. Các chứng chỉ vàng được phát hành thay cho vàng vật chất và Ngân hàng Nhà nước là đơn vị phát hành, đảm bảo việc giao dịch, mua bán các chứng chỉ vàng này thông suốt tại các địa điểm được Ngân hàng Nhà nước chỉ định.

Source link