Chi tiết

Tăng trưởng bứt phá nhờ đẩy mạnh hội nhập thương mại quốc tế

Chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để nắm giữ thị phần đang ngày càng tăng trong sản xuất và xuất khẩu toàn cầu, nhờ hội nhập tốt với thương mại quốc tế sau khi ký kết nhiều FTA. Nhờ đó, GDP Việt Nam năm 2025 sẽ tăng trưởng mạnh mẽ.

Thị phần trong sản xuất và xuất khẩu toàn cầu của Việt Nam gia tăng

Việt Nam đang hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030. Mặc dù Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 từ 7-7,5%, nhưng để bù đắp cho tăng trưởng kinh tế thấp trong thời kỳ dịch Covid 19, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu phấn đấu tăng trưởng kỳ vọng cả năm lên 2 con số.

Thành phố Hồ Chí Minh được xác định là hạt nhân, cực tăng trưởng của vùng Đông Nam Bộ. (Ảnh: TTXVN)

Thị phần trong sản xuất và xuất khẩu toàn cầu của Việt Nam gia tăng. (Ảnh: TTXVN)

Về vấn đề này, ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á Việt Nam (ADB) cho rằng, mức tăng trưởng kỳ vọng này mang tính định hướng nhiều hơn và nên tập trung vào chất lượng tăng trưởng kinh tế hơn là số lượng.

“Tăng trưởng kinh tế cần được mở rộng một cách toàn diện và chú trọng vào củng cố nền tảng cũng như các trụ cột hỗ trợ nền kinh tế. Hiện tại ADB đang dự báo mức tăng trưởng khoảng 6% cho Việt Nam vào năm 2025”, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á Việt Nam chia sẻ.

Đồng thời, ông Shantanu Chakraborty cho rằng, nếu Việt Nam tiếp túc đẩy mạnh đầu tư công và triển khai các chính sách hiện tại sẽ tác động sâu rộng đến sự phát triển và tăng trưởng kinh tế.

Bàn về các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025, bà Hạnh cho rằng, các hoạt động kinh doanh sẽ tăng mạnh trong năm 2025 và những năm tiếp theo, với sự hỗ trợ từ nguồn đầu tư từ nước ngoài và nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng GDP đạt 7-7,5% vào năm 2025 của Chính phủ thông qua động lực kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và chuyển đối xanh.

Đặc biệt, vị chuyên gia này nhấn mạnh, Việt Nam cũng đang ở vị thế thuận lợi để nắm giữ thị phần đang ngày càng tăng trong sản xuất và xuất khẩu toàn cầu, nhờ hội nhập tốt với thương mại quốc tế sau khi ký kết nhiều FTA.

Nhờ đó, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam dự báo GDP của Việt Nam nửa đầu năm 2025 sẽ tăng mạnh ở mức 7,5%, nửa cuối năm là 6,1% và cả năm là sẽ ở mức 6,7%.

Cẩn trọng với những yếu tố vĩ mô

Mặt khác, theo bà Hạnh, Việt nam vẫn gặp phải một số thách thức nhất định trong phát triển kinh tế năm 2025. Cụ thể, dù lạm phát đã chậm lại trong thời gian gần đây và có thể ở mức 3,1% trong quý IV/2024 và cả năm ở mức 3,7%.

Song, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hàng tháng có thể bắt đầu tăng trở lại vào giữa năm 2025 và báo ở mức 3,8% cho năm 2025. Điều này sẽ làm phức tạp quá trình phục hồi trong nước và tạo ra thách thức cho ngân hàng trung ương.

Kinh tế Việt Nam kiên cường, đạt mức tăng trưởng cao nhất trong số các nền kinh tế Đông Á

Cẩn trọng với những yếu tố vĩ mô.

Trong ngắn hạn, lạm phát cùng các vấn đề nội tại như năng suất lao động còn tiếp diễn sẽ ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối, trong đó tác động chính đến từ chênh lệch lãi suất.

Về lâu dài, tính bền vững của các biện pháp kích thích vĩ mô sẽ ảnh hưởng đến sức mạnh của đồng USD. Các nhà đầu tư trong và ngoài nước có thể chuyển sang các tài sản có khả năng phòng ngừa lạm phát nếu tình trạng bất ổn vẫn tiếp diễn.

Cũng theo ông Shantanu Chakraborty, một trong những rủi ro lớn mà kinh tế Việt Nam gặp phải trong năm 2025 đó là những chính sách từ Chính phủ Mỹ và các bước đi mà họ sẽ thực hiện.

“Những chính sách này sẽ thực sự tác động đến kinh tế Việt Nam vào nửa cuối năm 2025. Vì vậy, ở thời điểm hiện tại, thương mại đầu tư, dòng vốn FDI cũng như khả năng thực hiện cải cách nhanh chóng của Chính phủ theo cách tiếp cận phối hợp sẽ là những yếu tố quyết định cho nền kinh tế Việt Nam 2025”, ông Shantanu Chakraborty nói.

Để thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong trung hạn, bà Hạnh cho rằng, sự rõ ràng trong triển vọng chính sách và quá trình chuyển giao chính trị sẽ củng cố thêm niềm tin cho các nhà đầu tư. Song, Việt Nam cũng cần tăng cường các biện pháp ứng phó với thiên tai, đa dạng hóa nền kinh tế ngoài sản xuất và tìm kiếm thêm nguồn FDI khác ngoài châu Á.

“Việc đa dạng hóa nguồn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh sẽ đóng vai trò quan trọng giúp Việt Nam phát huy tiềm năng và đẩy nhanh phát triển kinh tế trong năm 2025”, bà Hạnh cho hay.



Nguồn tin