Trong chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV – Đợt 1 1 từ ngày 21/10 đến ngày 13/11/2024; nhiều nội dung quan trọng sẽ được các đại biểu Quốc hội xem xét. Trong đó, có nội dung về Chính phủ đề xuất bổ sung vốn cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).
Đây là một trong 4 ngân hàng thuộc nhóm Big 4, có vốn Nhà nước, đại diện vốn Nhà nước là NHNN, nắm sở hữu trên 50% (riêng Agribank là 100%).
Theo báo cáo Quốc hội, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, Vietcombank hiện có vốn điều lệ 55.891 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với VPBank (79.339 tỷ đồng), Techcombank (70.450 tỷ đồng). Mức vốn này khiến cho Vietcombank không có sự cách biệt lớn so với một số ngân hàng thương mại cổ phần như MB (52.871 tỷ đồng), ACB (44.667 tỷ đồng) và SHB (36.629 tỷ đồng).
Do đó, nếu VCB không được tăng vốn điều lệ thì sẽ không thể đảm bảo vai trò chủ lực, định hướng thị trường ngân hàng. Việc tăng vốn điều lệ cũng là cơ sở để VCB mở rộng hoạt động tín dụng, đặc biệt trong việc thực hiện cho vay các lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ nền kinh tế của đất nước.
Tại báo cáo, Chính phủ đề xuất bổ sung vốn cho Vietcombank gần 20.700 tỷ đồng, dự kiến lấy từ cổ tức bằng cổ phiếu được chia của cổ đông Nhà nước. Khoản tiền này gần bằng số lợi nhuận hợp nhất trước thuế nửa đầu năm nay của ngân hàng này.
Thực tế, trong các đợt tăng vốn thời gian qua, Vietcombank hay các ngân hàng nhóm Big 4 có vốn Nhà nước và đã niêm yết (ngoại trừ Agribank), đều thực hiện tăng vốn nhưng không làm tăng ngân sách, chưa kể các đợt chia cổ tức tiền mặt, giúp “nở nồi” trực tiếp vốn cổ đông Nhà nước, đặc biệt ở thời điểm cần tăng thu – bù chi. Lần tăng vốn gần nhất của Vietcombank vào năm 2023 thêm hơn 8.500 tỷ đồng, còn nhớ cũng là từ nguồn phát hành cổ phiếu chia cổ tức.
Bên cạnh đó, các ngân hàng Vietcombank, BIDV, VietinBank… liên tục là những doanh nghiệp dẫn đầu trong nhóm các doanh nghiệp đóng thuế lớn trong các năm gần đây.
Điều đó cho thấy rằng các ngân hàng này không chỉ đã và đang thực hiện các nhiệm vụ vai trò chủ lực, định hướng thị trường (bao gồm các chương trình hỗ trợ được giao), còn là những “sếu đầu đàn” của ngành ngân hàng – những “cỗ máy” kinh doanh hiệu quả. Việc bổ sung nguồn lực vì vậy càng cần thiết để các ngân hàng này tăng năng lực cạnh tranh, vừa đảm bảo an toàn vốn vừa thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ chính sách + kinh doanh, các mục tiêu phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến 2030.
Trên quỹ đạo đuổi bắt các thước đo tăng trưởng và hướng đến Việt Nam thịnh vượng vào 2025, theo các chuyên gia Nhóm Nghiên cứu Ngân hàng Thế giới (World Bank),Việt Nam phải tiếp tục thực hiện nhiều cải cách, trong đó có phát triển thị trường vốn, với việc nâng cao hiệu quả ngành ngân hàng, đảm bảo thực thi tốt hơn các quy chế đã được hoàn thiện cũng như giám sát rủi ro, nâng chuẩn kế toán của các ngân hàng.
Với mục tiêu đẩy vốn ra thị trường, tiếp đà tăng trưởng, giúp Việt Nam tăng tốc bước vào quỹ đạo mới, từ trường hợp Vietcombank, còn có thể kỳ vọng xa hơn cho cả VietinBank, BIDV về một quy mô, vị thế vốn mới…
Source link