Chi tiết

Tạo cơ hội cho người thu nhập thấp

Nguồn cung cải thiện

Với mục tiêu giải quyết bài toán thiếu hụt nhà ở cho người có thu nhập thấp, những thay đổi trong các quy định tín dụng và pháp lý liên quan sẽ mở ra cơ hội lớn cho cả nhà đầu tư và người dân.

Ảnh chụp Màn hình 2025-01-06 lúc 20.27.33
Thị trường nhà ở xã hội sẽ sôi động trong năm nay nhờ vào sự cải thiện mạnh mẽ về nguồn cung. Ảnh: Itn

Theo bà Phạm Thị Miền, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đánh giá Thị trường Bất động sản Việt Nam, thị trường nhà ở xã hội sẽ sôi động trong năm nay nhờ vào sự cải thiện mạnh mẽ về nguồn cung. Những thay đổi trong quy định pháp luật giúp tháo gỡ nhiều khó khăn cho các chủ đầu tư đối với việc phát triển dự án.

Cụ thể, một số quy định mới đã giảm bớt thủ tục hành chính như chủ đầu tư không phải thực hiện việc xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất hay tiền thuê đất đối với các dự án nhà ở xã hội. Ngoài ra, các chủ đầu tư còn được hưởng ưu đãi về thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu nhập doanh nghiệp, giúp giảm gánh nặng chi phí, đồng thời khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này.

“Điều đáng chú ý là một số dự án nhà ở xã hội có thể dành tối đa 20% diện tích đất để xây dựng các công trình kinh doanh, dịch vụ hoặc nhà ở thương mại, từ đó tạo ra thêm nguồn thu cho chủ đầu tư và góp phần giảm bớt rủi ro tài chính. Các quỹ đất này sẽ được UBND tỉnh, thành phố quyết định cách thức phân bổ sao cho hợp lý, bảo đảm hiệu quả đầu tư”, bà Miền cho biết.

Cần tạo điều kiện cho người vay

Một yếu tố quan trọng không thể thiếu trong việc thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội chính là tín dụng hỗ trợ từ các ngân hàng thương mại. Vừa qua, NHNN đã ban hành Quyết định số 2690/QĐ-NHNN về mức lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở trong năm 2025. Theo đó, lãi suất cho vay đối với dư nợ các khoản tín dụng hỗ trợ nhà ở sẽ giảm xuống 4,7%/năm, thấp hơn 0,1% so với mức 4,8% trong năm 2024.

Thông thường vào cuối năm lãi suất thường cao hơn ở dịp giáp Tết
Thông thường vào cuối năm lãi suất thường cao hơn ở dịp giáp Tết

Đây là mức lãi suất khá ưu đãi, nhằm tạo điều kiện cho người dân, đặc biệt là các hộ gia đình thu nhập thấp, có thể tiếp cận với nguồn vốn vay để mua, thuê hoặc cải tạo nhà ở xã hội.

Một bước đi quan trọng trong việc triển khai chính sách tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội là sự tham gia của các ngân hàng thương mại. NHNN đã gửi công văn đến 9 ngân hàng lớn, bao gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank, TPBank, Techcombank, VPBank, MB và HDBank, tham gia chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ.

Các ngân hàng này đang tham gia chương trình, nâng quy mô tín dụng của chương trình lên tới 145.000 tỷ đồng. NHNN thông tin việc giải ngân và dư nợ cho vay theo chương trình, sẽ không tính vào chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm của các ngân hàng, giúp các ngân hàng có thêm dư địa để hỗ trợ các dự án nhà ở xã hội.

Mặc dù các chính sách tín dụng và pháp lý đã được cải thiện, nhưng người thu nhập thấp vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng.

Một số nguyên nhân có thể kể đến như: Thứ nhất, nhiều người có nhu cầu mua nhà ở xã hội thường có thu nhập không ổn định. Các ngân hàng và tổ chức tài chính yêu cầu người vay có thu nhập đủ để trả nợ, bảo đảm khả năng thanh toán trong suốt thời gian vay. Khi thu nhập không đủ, việc tiếp cận vốn vay trở nên khó khăn.

Thứ hai, quá trình vay vốn có thể phức tạp, yêu cầu người vay cung cấp nhiều giấy tờ, chứng từ, bảo lãnh và phải đáp ứng các yêu cầu từ ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng. Điều này có thể khiến người dân cảm thấy khó khăn, tốn thời gian và chi phí để hoàn tất thủ tục vay.

Thứ ba, một bộ phận lớn người dân, đặc biệt là những người có thu nhập thấp, thường có tâm lý e ngại vay nợ, vì sợ không đủ khả năng trả nợ, lo lắng về rủi ro tài chính trong tương lai, hoặc thiếu kiến thức về các sản phẩm tài chính và không hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ khi tham gia chương trình vay vốn. Điều này khiến họ không dám tiếp cận các nguồn vốn vay hỗ trợ dù có điều kiện vay hợp lý.

Về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, trước hết, lãi suất vay mua nhà ở xã hội cho người dân nên được cố định trong một thời gian dài, giúp người vay có thể sắp xếp được kế hoạch tài chính dài hạn và yên tâm trả nợ, không lo rủi ro biến động lãi suất.

Sau đó, Chính phủ cần tạo điều kiện nâng cao thu nhập của người lao động, thông qua việc khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ mới như công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo, sản xuất chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao, hoặc tham gia vào các nền tảng kinh tế số… Các ngành này không chỉ tạo ra nhiều cơ hội việc làm mà còn giúp người dân nâng cao kỹ năng và từ đó tăng thu nhập.

Như vậy, với các chính sách tín dụng và pháp lý ngày càng hoàn thiện, năm 2025 dự báo sẽ là năm có nhiều triển vọng đối với thị trường nhà ở xã hội. Tuy vẫn còn những khó khăn cần vượt qua, nhưng sự cải thiện này hứa hẹn sẽ mang lại những cơ hội lớn cho người dân có thu nhập thấp trong việc sở hữu nhà ở an cư, lập nghiệp.


Source link