(ĐTCK) Cơ quan quản lý cần có các giải pháp đồng bộ để thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển, trở thành một kênh huy động vốn lớn của nền kinh tế.
Bà Trịnh Quỳnh Giao, Tổng giám đốc Quỹ PVI A.M |
Cuộc khủng hoảng trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp xảy ra cuối năm 2022 khi các vụ việc vi phạm liên quan đến trái phiếu Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát bị phát hiện cho thấy, đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất là nhà đầu tư cá nhân. Các nhà đầu tư này nắm giữ hầu hết trái phiếu phát hành riêng lẻ của các doanh nghiệp chưa đại chúng, chưa niêm yết, thông tin kém minh bạch, tài sản đảm bảo không rõ ràng.
Trong cơ cấu sở hữu trái phiếu doanh nghiệp, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ do nhà đầu tư cá nhân nắm giữ sau đó giảm dần, nhưng tỷ trọng tính tới cuối năm 2023 vẫn ở mức cao, trên 30% so với mức 8 – 10% từ các nhà đầu tư chuyên nghiệp là tổ chức như quỹ đầu tư chứng khoán, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán.
Thời gian qua, chúng ta nói nhiều về việc cần gia tăng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng để tăng tính minh bạch, tăng lượng hàng hóa có chất lượng cao hơn cho các nhà đầu tư cá nhân, nhưng thực tế vì nhiều lý do, trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, dưới 10%, trong khi trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ chiếm tới hơn 90%.
Nguồn: FiinRatings, HNX, ThaiBMA, KSEI, CCDC & ABO. Ghi chú: Riêng của Việt Nam chỉ tính trái phiếu phát hành riêng lẻ. |
Luật Chứng khoán năm 2019 đang được sửa đổi, trong đó có đề xuất nhà đầu tư chuyên nghiệp cá nhân chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp được xếp hạng, có tài sản đảm bảo hoặc được bảo lãnh thanh toán. Theo tôi, đây là đề xuất hợp lý và hài hòa, vì cùng lúc hướng tới 2 mục tiêu của Chính phủ là bảo vệ lợi ích cho các nhà đầu tư cá nhân khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, nhưng vẫn đảm bảo không gây ra sự gián đoạn trong hoạt động phát hành và hấp thụ trái phiếu, tiếp tục phát triển thị trường.
Ngoài khía cạnh quy định rõ tiêu chuẩn nhà đầu tư được phép đầu tư vào trái phiếu riêng lẻ, tôi cho rằng, cơ quan quản lý cần có thêm các quy định, tập trung vào 3 nhóm nội dung sau.
Thứ nhất, quy định tiêu chuẩn đối với tổ chức phát hành trái phiếu. Hiện nay, các quy định công bố thông tin và xếp hạng tín nhiệm tập trung vào giai đoạn phát hành. Thực tế, thị trường giao dịch thứ cấp trái phiếu sau phát hành chưa phát triển, thanh khoản thấp nên cần có các quy định rõ ràng về công bố thông tin định kỳ hàng quý về tình hình tài chính tổ chức phát hành, dự án đầu tư, tiến độ giải ngân tiền thu được vào mục đích sử dụng vốn và các xếp hạng tín nhiệm, đánh giá lại tài sản đảm bảo định kỳ hàng năm. Các quy định này sẽ giúp nhà đầu tư quản lý được rủi ro sau đầu tư của trái phiếu và tạo sức ép cho tổ chức phát hành quản trị việc phát hành trái phiếu, sử dụng vốn thu được đúng mục đích và quản lý tài chính tốt hơn để không bị hạ mức tín nhiệm, dẫn đến phải huy động vốn với lãi suất cao hơn. Việc này cũng góp phần tạo ra chất lượng hàng hóa tốt hơn cho thị trường.
Nhà đầu tư chuyên nghiệp cá nhân chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp được xếp hạng, có tài sản đảm bảo hoặc được bảo lãnh thanh toán là đề xuất hợp lý |
Thứ hai, quy định đối với các đơn vị trung gian trong quá trình phát hành trái phiếu như tư vấn phát hành, đại lý phân phối, môi giới/bán lẻ trái phiếu theo hướng nâng cao trách nhiệm và kiến thức và đạo đức, đặc biệt là đối với đội ngũ môi giới/bán lẻ trái phiếu. Cuộc khủng hoảng trái phiếu năm 2022 khi các nhà đầu tư cá nhân được tư vấn mua trái phiếu trong khi đang hiểu là một sản phẩm tiết kiệm của ngân hàng chính là vấn đề của việc không có quy định chặt chẽ đối với việc phân phối, chuyển nhượng, tư vấn cho khách hàng mua trái phiếu.
Ở các thị trường phát triển, nhân viên ngân hàng, công ty chứng khoán tư vấn cho khách hàng đầu tư chứng khoán đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn chặt chẽ về đạo đức nghề nghiệp và trình độ chuyên môn, tương tự như quy định cấp chứng chỉ hành nghề của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đối với nhân viên nghiệp vụ của công ty quản lý quỹ và công ty chứng khoán. Đồng thời, tổ chức nơi các cá nhân này làm việc có quy trình, quy định rõ ràng về việc tư vấn đầu tư cho khách hàng, tùy thuộc vào khả năng tài chính, mức độ chấp nhận rủi ro, năng lực hiểu biết về tài chính cá nhân của từng khách hàng để có cách tư vấn phù hợp. Nhân viên hay tổ chức không tuân thủ các quy định đó sẽ bị tước giấy phép hành nghề.
Thứ ba, cơ quan quản lý cần có các giải pháp đồng bộ để thúc đẩy sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trở thành một kênh huy động vốn lớn của nền kinh tế.
Trong đó, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đơn giản hóa các thủ tục cấp phép phát hành và niêm yết các trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng để tăng cường tính minh bạch, rút ngắn thời gian, tạo điều kiện tăng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng, qua đó tạo hàng hóa cho các quỹ đầu tư trái phiếu gia tăng quy mô đầu tư, hạn chế bớt rủi ro khi nhà đầu tư cá nhân trực tiếp lựa chọn và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Thực tế, kể từ đầu năm 2024, tỷ trọng các khoản tiền và tiền gửi của các quỹ mở trái phiếu trên thị trường có xu hướng tăng và đến hết tháng 9/2024 đạt trên 40% cho thấy sự khan hiếm hàng đủ điều kiện giải ngân là trái phiếu doanh nghiệp niêm yết.
Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần phối hợp tháo gỡ vướng mắc về việc quản lý tài sản đảm bảo cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Bởi lẽ, sau khi Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, ngân hàng không thực hiện dịch vụ quản lý tài sản đảm bảo cho phát hành trái phiếu, trong khi chưa có các quy định về việc tổ chức nào được thực hiện nghiệp vụ này. Trong quý III/2024, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sơ cấp chỉ có các trái phiếu không có tài sản đảm bảo, hoặc chỉ được đảm bảo bằng cổ phiếu và một vài đợt phát hành có bảo lãnh thanh toán.
Liên quan đến sức cầu trên thị trường chứng khoán, đề xuất tăng thời gian hạn chế chuyển nhượng cổ phiếu phát hành riêng lẻ từ tối thiểu 1 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp lên thành tối thiểu 3 năm, tương tự như nhà đầu tư chiến lược, cần được xem xét kỹ.
Thực tế, đối tượng nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là hai đối tượng nhà đầu tư riêng biệt, có các kỳ vọng về lợi nhuận, thời gian nắm giữ, khẩu vị rủi ro, giá trị đóng góp mang lại cho doanh nghiệp khác nhau. Việc tăng thời gian bị hạn chế chuyển nhượng cổ phiếu phát hành riêng lẻ lên gấp 3 sẽ hạn chế sự tham gia của các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đối với việc huy động vốn của doanh nghiệp.
Hơn nữa, với các quỹ đầu tư, dù là quỹ thành viên hay đại chúng, nếu hạn chế chuyển nhượng cổ phiếu phát hành riêng lẻ tới 3 năm sẽ ảnh hưởng tới thanh khoản, không đáp ứng thời hạn hoạt động hoặc tính thanh khoản của tài sản để phục vụ nhu cầu rút tiền của nhà đầu tư.
Chính vì vậy, việc sửa luật/các văn bản dưới luật đối với hoạt động phát hành cổ phiếu riêng lẻ nên theo hướng khuyến khích doanh nghiệp thực hiện khi có nhu cầu đầu tư dài hạn nhằm huy động được vốn chủ sở hữu, thay vì quá phụ thuộc vào vốn nợ. Ngoài ra, cơ quan quản lý cần có các chính sách thúc đẩy phát triển các loại hình quỹ khác nhau, phù hợp với mỗi giai đoạn phát triển của doanh nghiệp như quỹ vốn cổ phần tư nhân, quỹ tín dụng riêng lẻ, quỹ đầu tư tín thác bất động sản để có các giải pháp đa dạng cho thị trường vốn doanh nghiệp, cũng như cung cấp các sản phẩm đầu tư đa dạng cho nhà đầu tư.
Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/tao-niem-tin-cho-thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-post357706.html