Chi tiết

Tập trung mọi nguồn lực, phát triển Hải Phòng ngang tầm các thành phố lớn ở Châu Á

Chiều ngày 14/11, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có buổi làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hải Phòng về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố; quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị và tình hình triển khai thực hiện Kết luận số 96 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

HẢI PHÒNG ĐẠT NHIỀU THÀNH TỰU HƠN ĐỊA PHƯƠNG KHÁC 

Hải Phòng với tinh thần “Trung dũng – Quyết thắng, Dám nghĩ – Dám làm” đã và đang trở thành thành phố cảng quan trọng, trung tâm kinh tế công nghiệp, kinh tế biển, trung tâm văn hóa, y tế, giáo dục không chỉ của vùng Duyên hải Bắc Bộ mà còn là động lực quan trọng của cả nước.

Cụ thể, liên tục trong 9 năm qua, thành phố Hải Phòng luôn duy trì tăng trưởng ở mức 2 con số. Đặc biệt, trong giai đoạn thực hiện Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị (2019-2023) vừa qua, Hải Phòng đã đạt mức tăng trưởng kinh tế bình quân 12,6%/năm, gấp 2,44 lần bình quân chung cả nước và tăng gấp 1,74 lần giai đoạn 2014-2018.

Quy mô kinh tế của Hải Phòng không ngừng được mở rộng, duy trì vị trí thứ hai vùng Đồng bằng sông Hồng (sau Thủ đô Hà Nội) và đứng thứ năm cả nước. GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 7.960 USD, bằng 1,87 lần so với cả nước, đứng thứ hai trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Bên cạnh đó, Hải Phòng thuộc nhóm các địa phương có năng suất lao động cao nhất cả nước với năng suất lao động đạt hơn 392 triệu đồng/lao động trong năm 2023, gấp hai lần bình quân chung cả nước.

Thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2023 của thành phố đạt mức tăng trưởng bình quân 7,3%/năm, gấp 1,67 lần bình quân chung cả nước. Hải Phòng cũng luôn nằm trong nhóm những địa phương dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại; không gian đô thị được mở rộng; hạ tầng công nghiệp, du lịch, thương mại, công nghệ thông tin phát triển mạnh,…

Tại cuộc làm việc với Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hải Phòng, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, thời gian qua, Hải Phòng đã đạt được những thành tựu mà nhiều địa phương khác chưa làm được khi cùng chung một bối cảnh và thể chế. Nhiều mô hình hay, kinh nghiệm tốt trong nhiều lĩnh vực là sáng kiến của Hải Phòng, cần được tổng kết và có thể áp dụng với nhiều địa phương khác.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư đã biểu dương những cố gắng nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố trong suốt chiều dài lịch sử và nhất là sự phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây và đóng góp tích cực vào thành công chung của cả nước.

Tuy nhiên, với tinh thần xây dựng, nhìn thẳng, nói thẳng, thành phố Hải Phòng cũng cần nhìn nhận rõ những hạn chế, yếu kém như: tốc độ tăng trưởng GRDP đang chững lại và khó đạt mục tiêu đề ra; Chất lượng tăng trưởng chưa cao, chưa thật bền vững và nhất là chưa có những động lực tăng trưởng mới, mô hình kinh doanh mới, nhất là hạ tầng thông minh, hạ tầng số, chuyển đổi xanh, nhân lực chất lượng cao cho yêu cầu chuyển đổi số và công nghiệp 4.0.

Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số còn chậm và hạn chế; Việc gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp nội địa còn hạn chế; Còn sai phạm, thất thoát trong quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản; Chưa có biện pháp xử lý dứt điểm những dự án đầu tư kéo dài; Hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, đường sắt còn lạc hậu, chưa có hạ tầng giao thông đô thị ngầm, hiện đại,…

TẬP TRUNG MỌI NGUỒN LỰC ĐỂ HẢI PHÒNG PHÁT TRIỂN

Tại buổi làm việc, lãnh đạo thành phố Hải Phòng đã kiến nghị, đề xuất một số nội dung liên quan đến triển khai thực hiện Kết luận số 96-KL/TW, ngày 30/9/2024 của Bộ Chính trị, bao gồm: Xây dựng Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15; Đầu tư xây dựng cầu Tân Vũ-Lạch Huyện số 2; Thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam thành phố Hải Phòng; Phát triển huyện đảo Bạch Long Vĩ trở thành trung tâm kinh tế-quốc phòng; Đưa thành phố Hải Phòng trở thành trung tâm năng lượng sạch của khu vực phía Bắc; Xây dựng đường sắt tốc độ cao Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng; Khởi động đầu tư xây dựng Cảng biển Nam Đồ Sơn; Việc lấn biển để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển; Đầu tư xây dựng sân bay quốc tế Tiên Lãng; Phát triển công nghiệp; Việc xây mô hình xã hội chủ nghĩa gắn với con người xã hội chủ nghĩa.

Nhất trí với những đề xuất của thành phố, Tổng Bí thư đề nghị Hải Phòng phải quy hoạch và lập kế hoạch tốt hơn cho tương lai; quyết tâm theo đuổi mục tiêu. Thành phố muốn thành công phải có chiến lược phát triển sáng suốt; bộ máy công quyền xuất sắc và được người dân tin tưởng. Lòng tin của người dân là tài sản và là động lực lớn nhất.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, Hải Phòng cần nỗ lực phấn đấu phát triển thành phố ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở châu Á, trở thành thành phố cảng quốc tế hiện đại, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là một trung tâm quốc tế về kinh tế, giáo dục, đào tạo, khoa học – công nghệ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao như các mục tiêu mà Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra. Để phát triển ngang tầm các thành phố tiêu biểu ở Châu Á, Hải Phòng cần thực hiện tốt 6 vấn đề quan trọng hiện nay:

Một là, thành phố quan tâm công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, mạnh-hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; chăm lo, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, có khát vọng vươn lên vì sự phát triển của thành phố.

Hai là, Hải Phòng cần tiếp tục hoàn thiện công tác quy hoạch, trong đó có quy hoạch đô thị, công nghiệp, du lịch, kinh tế biển, quy hoạch hạ tầng ngầm, quy hoạch không gian; kết nối và đồng bộ các loại hình giao thông; quy hoạch tương lai thành phố cần được mô hình hóa, lấy ý kiến rộng rãi và công khai quy hoạch.

Thành phố cần phát huy lợi thế là “cửa chính ra biển” đối với cả miền bắc, quy hoạch xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, trung tâm kết nối kinh tế và động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả vùng Bắc Bộ.

Ba là, Hải Phòng hướng tới là đô thị đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp hấp dẫn không chỉ cho Việt Nam mà còn cho khu vực Đông Nam Á; thành phố cần tập trung xây dựng hạ tầng cứng và hạ tầng mềm trong chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ. Thành phố cần có chiến lược tốt trong lựa chọn thu hút FDI và thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp nội địa phát triển, tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế…

Bốn là, Hải Phòng phải phấn đấu trong nhiệm kỳ tới khơi thông và phát huy tối đa mọi nguồn lực xã hội, đẩy nhanh hiện đại hóa; tạo dựng một cách cơ bản, rõ nét các nền tảng vững chắc để trở thành trung tâm giáo dục-đào tạo, y tế và khoa học-công nghệ của vùng duyên hải Bắc Bộ…

Năm là, Hải Phòng cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tăng tốc phát triển kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiện đại và bền vững hơn với việc đột phá về cải cách hành chính và môi trường đầu tư, kinh doanh; cải cách, xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp, khắc phục tình trạng trì trệ, kém hiệu quả của đội ngũ cán bộ, công chức.

Sáu là, củng cố các nền tảng xã hội, nâng cao chất lượng, khả năng tiếp cận dịch vụ công, bảo đảm an sinh xã hội; xây dựng khu vực phòng thủ, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc; chủ động phòng ngừa, ứng phó trong mọi tình huống..

Thay mặt Đảng bộ thành phố Hải Phòng, Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và đoàn công tác. Ngay sau hội nghị, thành phố sẽ xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể. Đồng thời, tiếp thu vào dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 17 làm cơ sở để toàn hệ thống chính trị tập trung triển khai, nhất là những nội dung về xây dựng mô hình chủ nghĩa xã hội gắn với con người xã hội chủ nghĩa.

Nguồn