EU chịu áp lực tăng mua năng lượng Mỹ để tránh thương chiến nhưng không dễ thực hiện do thực tế cung – cầu thị trường.
“Tôi đã nói với Liên minh châu Âu rằng họ phải bù đắp khoản thâm hụt khổng lồ của mình với Mỹ bằng cách mua dầu khí của chúng ta với số lượng lớn. Nếu không, đó sẽ là thuế quan hoàn toàn!”, Tổng thống đắc cử Donald Trump viết trên mạng xã hội Truth Social hôm 20/12, một tháng trước khi tuyên thệ nhậm chức.
Thâm hụt thương mại giữa Mỹ với Liên minh châu Âu (EU) gồm 27 quốc gia thành viên là 151 tỷ euro năm 2022. Theo ông Trump, nếu người châu Âu không giải quyết thì sẽ phải đối mặt với việc hàng xuất khẩu vào Mỹ bị tăng thuế. Theo lời hứa của ông lúc tranh cử là 10%.
Giới chức châu Âu đã lường trước được các đe dọa này. Tháng 11/2024, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đề cập khả năng mua thêm khí hóa lỏng (LNG) của Mỹ để thay thế hàng nhập khẩu từ Nga. Nhập khẩu khí đốt Nga đã giảm kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra vào 2022 nhưng chưa bao giờ ngừng lại.
“Chúng ta vẫn nhận một lượng lớn LNG từ Nga. Vậy tại sao không thay thế bằng LNG của Mỹ, rẻ hơn và giúp giảm giá năng lượng của chúng ta”, bà von der Leyen nói khi ấy.
Andreas Guth, Tổng thư ký Eurogas, nhóm vận động hành lang khí đốt của châu Âu cho biết rõ ràng là cần thêm LNG Mỹ để tiếp tục đa dạng hóa nguồn cung. LNG được giao từ Mỹ đã tăng vọt 3 năm qua. Mỹ cung cấp khoảng 48% lượng LNG nhập khẩu của EU trong nửa đầu 2024, so với 16% đến từ Nga. Mỹ cũng chiếm 15% lượng dầu nhập khẩu của EU trong quý III/2024.
David Oxley, Kinh tế trưởng về khí hậu và hàng hóa tại Capital Economics nhận định rằng yêu cầu của ông Trump phù hợp với chiến lược nhập khẩu năng lượng của EU, không phải là điều khiến Brussels “mất ngủ”.
“Các quan chức EU có thể khó chịu nếu bị thúc ép mua thêm hàng loạt nước hoa hay đồng hồ của ông Trump, còn việc mua LNG lại hoàn toàn phù hợp với lợi ích của khối trong việc tiếp tục chuyển đổi khỏi nguồn khí đốt của Nga”, Oxley nói.
Ngoài ra, việc LNG từ Mỹ đang tiến gần mức 50% sản lượng nhập khẩu của châu Âu báo trước các cuộc đàm phán êm ả hơn, gia tăng cơ hội tránh thương chiến cho EU.
Tuy nhiên, thực tế thị trường thách thức hơn. Thứ nhất, Ủy ban châu Âu (EC) không có thẩm quyền đặt mua khí đốt. Ở khối này, luật cung cầu giữa các nhà khai thác tư nhân chiếm ưu thế. Bằng cách đến Washington để đàm phán, bà von der Leyen có thể ký một ghi nhớ thiện chí nhưng không có giá trị pháp lý ràng buộc doanh nghiệp. “Có sự cường điệu về mặt chính trị”, một nhà phân tích thị trường cho biết.
Năm 2018, người tiền nhiệm của bà là Jean-Claude Juncker từng ký thỏa thuận như vậy với ông Trump, hứa mua thêm khí đốt và đậu nành Mỹ để tránh thuế trừng phạt gia tăng đối với ôtô. Trong 3 năm sau đó, LNG nhập khẩu từ Mỹ có tăng nhưng không nhiều, cho đến khi xung đột Ukraine nổ ra.
Laurent Ruseckas, Giám đốc thị trường khí đốt tại S&P Global, nói bất kỳ thỏa thuận nào giữa giới chức hai nền kinh tế về nhiên liệu hóa thạch ký được cũng thiên nhiều hơn đến chính trị, vì EU không trực tiếp mua LNG, trong một thị trường toàn cầu, các nhà mua LNG đều có hợp đồng riêng của họ.
“Việc ký một bản ghi nhớ (MoU) để thảo luận về việc tăng mua là điều có thể, nhưng thực tế trước đây, nó thường chỉ là một cách mang tính chính trị để bao bọc một thỏa thuận vốn được thúc đẩy bởi thị trường”, ông cho biết.
Hơn nữa, theo Laurent Ruseckas, EU hiện mua lượng LNG đủ với nhu cầu. Thậm chí, theo cơ quan giám sát năng lượng EU là ACER, tiêu thụ LNG của khối đã “có khả năng đạt đỉnh vào năm 2024” khi năng lượng xanh ngày càng phát triển.
Rào cản thứ hai là năng lực xuất khẩu của Mỹ không thể mở rộng trong ngắn hạn. Đặc biệt, chính quyền Joe Biden đã áp đặt lệnh tạm hoãn phê duyệt thêm xuất khẩu với lý do đảm bảo an ninh năng lượng và ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngay cả khi có thay đổi đột ngột về chính sách sau khi ông Trump lên, tình hình cũng không thể cải thiện ngay lập tức.
Xây dựng kho cảng xuất khẩu mới là công việc khổng lồ, tốn thời gian và chi phí. Dự án Plaquemine ở Louisiana tiêu tốn khoảng 22 tỷ USD và sẽ không đi vào hoạt động chính thức trước 2027. Các công ty châu Âu có thể tham gia tài chính để giúp các dự án được khởi động. Nhưng việc này cần theo đuổi dài hạn, đến sau năm 2030, khó dung hòa với tham vọng khí hậu của EU.
Ngành xuất khẩu LNG của Mỹ tăng trưởng chưa từng có trong vòng một thập kỷ, với lô LNG đầu tiên năm 2016. DOE đã phê duyệt xuất khẩu 1,36 tỷ m3 mỗi ngày, tương đương gần một nửa sản lượng nội địa hiện tại. Trong số này, gần 400 triệu m3 đã vận hành, đưa Mỹ thành nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới.
Năng lực sản xuất của Mỹ có giới hạn nhất định, việc tăng xuất khẩu có thể đẩy giá cả trong nước lên cao, điều mà ông Trump không muốn. Phân tích của Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) cảnh báo việc tăng xuất khẩu khí đốt có thể khiến tăng giá tại Mỹ ở 3 nhóm: giá khí đốt trong nước, giá điện (do khí đốt là đầu vào chính) và giá hàng hóa khi nhà sản xuất trong nước chịu giá khí đốt đầu vào tăng.
Lựa chọn khác cho châu Âu là mua thêm dầu mỏ. Nhưng yếu tố giá cả cũng sẽ là điểm khó. Ông Scott Bessent, ứng cử viên Bộ trưởng Tài chính của ông Trump, nói muốn tăng sản lượng thêm tương đương 3 triệu thùng mỗi ngày. Nhưng nếu không có sự gia tăng song song về nhu cầu toàn cầu, lượng dầu này sẽ khiến giá lao dốc.
Samantha Gross, chuyên gia an ninh năng lượng tại viện nghiên cứu Brookings ở Washington, nhận định các nhà đầu tư dầu đá phiến hiện thận trọng hơn và ưu tiên lợi nhuận thay vì tăng trưởng bằng mọi giá. Vì vậy, họ ít có động lực bơm thêm dầu để xuất khẩu.
Cuối cùng, tất cả phụ thuộc vào ý định thực sự của ông Trump, theo André Sapir, chuyên gia Viện Bruegel tại Brussels. “Nếu mục tiêu của ông ấy là khiến mọi người đến Washington tìm cách hòa giải, thì thỏa thuận có thể xảy ra”, nhà kinh tế học cho biết.
Nhưng nếu ông Trump thực sự muốn xóa bỏ thâm hụt thương mại với EU, việc bán thêm khí đốt và dầu sẽ không đủ. “Động cơ của ông ấy rất khó hiểu”, Sapir nói thêm. Đó là một phần trong phong cách của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Phiên An (theo Le Monde, Politico, Guardian)
Nguồn tin: https://vnexpress.net/thach-thuc-cua-eu-khi-muon-tang-mua-khi-dot-my-4836112.html