Ngành nông nghiệp Việt Nam có tiềm năng thu hút nguồn vốn xanh rất lớn
(ĐTCK) Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 từ nhiều năm trước, thế nhưng đến nay, việc huy động nguồn lực cho lĩnh vực bảo vệ môi trường còn rất hạn chế, nhất là qua kênh trái phiếu xanh.
Cần huy động nguồn lực cho kinh tế xanh
Trong những năm qua, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để đẩy mạnh phát triển kinh tế bền vững. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược ngành tài chính đến năm 2030, trong đó nêu rõ quan điểm và giải pháp huy động nguồn lực trong và ngoài nước cho các hoạt động kinh tế xanh và bảo vệ môi trường. Quốc hội, Chính phủ cũng thường xuyên bố trí ngân sách cho sự nghiệp môi trường (không thấp hơn 1% tổng chi ngân sách nhà nước), góp phần phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường quốc gia…
Dù vậy, Việt Nam vẫn cần huy động nguồn lực tài chính xanh từ thị trường tài chính phục vụ công tác ứng phó biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và bền vững. Theo thông lệ và xu hướng quốc tế, việc huy động vốn trên thị trường tài chính xanh chủ yếu thông qua kênh trái phiếu xanh.
Báo cáo từ Vụ Tài chính – Ngân hàng, Bộ Tài chính cho biết, thị trường trái phiếu xanh đã được hình thành và phát triển mạnh mẽ tại nhiều quốc gia như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore… Trái phiếu xanh được phát hành với mục tiêu tập trung vào các ngành, lĩnh vực liên quan đến giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu như giao thông vận tải, năng lượng, tái chế, xây dựng và xử lý nước, rác thải…
Tại Việt Nam, khung pháp lý cho phát hành trái phiếu chính phủ xanh, trái phiếu chính quyền địa phương xanh và trái phiếu doanh nghiệp xanh đã được quy định tại văn bản cấp luật và nghị định. Nguồn tiền thu được từ phát hành trái phiếu xanh phải được hạch toán và theo dõi theo quy định của pháp luật về trái phiếu và sử dụng cho dự án đầu tư thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, dự án đầu tư mang lại lợi ích về môi trường. Theo đó, các chủ thể phát hành trái phiếu xanh phải cung cấp thông tin về đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường của dự án đầu tư và sử dụng nguồn vốn huy động từ phát hành trái phiếu xanh cho nhà đầu tư. Trên cơ sở đó, các chủ thể phát hành và nhà đầu tư mua trái phiếu xanh sẽ được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật.
Xử lý nước nhiễm mặn ở miền Tây – lĩnh vực thu hút sự quan tâm của nhiều tổ chức môi trường và tài chính |
Bộ Tài chính đã ban hành chính sách ưu đãi về giá dịch vụ trên thị trường chứng khoán đối với trái phiếu xanh. Cụ thể, giảm 50% giá dịch vụ đăng ký – quản lý niêm yết, giao dịch – đăng ký – hủy đăng ký một phần – lưu ký chứng khoán. Bên cạnh đó, các dự án đầu tư công sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu xanh do Chính phủ, chính quyền địa phương phát hành sẽ được ưu tiên bố trí đủ vốn theo tiến độ thực hiện dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm.
Lấy mô hình kinh tế xanh của Singapore làm dẫn chứng, TS. Hồ Quốc Tuấn – Đại học Bristol, Vương quốc Anh cho biết, theo Chỉ số Tài chính xanh toàn cầu (Global Green Finance Index), chỉ trong 3 năm, Singapore đã đứng đầu khu vực ASEAN và xếp thứ 11/86 trung tâm tài chính quốc tế trên thế giới. Từ năm 2019, Ngân hàng Trung ương Singapore (MAS) đã đưa ra Kế hoạch hành động tài chính xanh, định hướng cho việc phát triển hệ sinh thái tài chính xanh. MAS cũng thành lập Ủy ban Công nghiệp tài chính xanh (GFIT) để xây dựng Singapore thành trung tâm tài chính xanh hàng đầu châu Á, sử dụng tài chính xanh, bền vững như một cách tiếp cận chính để đạt các cam kết giảm phát thải.
Còn ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc FiinRatings cho hay, việc phát hành trái phiếu xanh đang là xu hướng trên thế giới, ước tính đã tăng gấp đôi trong 3 năm qua. Hiện tại, một số doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu tham gia các chương trình về trái phiếu xanh quốc tế.
Theo ông Thuân, mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam rất tham vọng nên nhu cầu vốn trong nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp hiện rất lớn. Do đó, tiến trình chuyển đổi xanh là cơ hội để các doanh nghiệp có thể tiếp cận được các nguồn vốn khác nhau, chẳng hạn thông qua tín dụng ngân hàng, trái phiếu và các tổ chức tài chính trong nước, nước ngoài và đặc biệt là vốn nước ngoài.
Hiện tại, quy mô trái phiếu bền vững, bao gồm cả trái phiếu xanh toàn cầu đạt hơn 3.000 tỷ USD và mục tiêu của Tổ chức Tín dụng khí hậu quốc tế là đến năm 2025, giá trị phát hành hàng năm sẽ đạt khoảng 5.000 tỷ USD. Vì vậy, ông Thuân hy vọng, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng khoảng 1% trong số này, tức khoảng 50 tỷ USD, cùng với việc Chính phủ sẽ có nhiều cơ chế hỗ trợ về lãi suất, thuế phí… để khuyến khích nhiều doanh nghiệp tham gia và hiện thực hóa cam kết giảm lượng phát thải về bằng 0 vào năm 2050.
Các chuyên gia kinh tế – tài chính cho rằng, giai đoạn hiện tại chính là cơ hội cho các doanh nghiệp định hướng hoạt động sản xuất – kinh doanh theo mô hình phát triển bền vững, đầu tư vào các ngành kinh tế xanh trong quá trình chuyển đổi của nền kinh tế.
Có dễ huy động vốn qua trái phiếu xanh?
Nếu còn chuyển động chậm như hiện tại thì 3-5 năm tới, trái phiếu xanh có lẽ vẫn chỉ là ‘nói cho vui’, chứ khó phát triển mạnh như kỳ vọng. Bởi lẽ, ngay cả thị trường trái phiếu thông thường cũng đang gặp khó khăn, chứ chưa nói tới thị trường trái phiếu xanh.
Dù được tạo điều kiện, song thực tế là sự phát triển của thị trường trái phiếu xanh thời gian qua ở Việt Nam còn rất khiêm tốn. Báo cáo của Vụ Tài chính – Ngân hàng cho biết, thị trường này bắt đầu hình thành vào năm 2016, khi TP.HCM phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương kỳ hạn 15 năm để huy động vốn cho các dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương (trong đó có 11 dự án mang tính chất bảo vệ môi trường). Cũng trong năm này, Bà Rịa – Vũng Tàu phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm huy động vốn cho các dự án thuộc nhiệm vụ (trong đó có 1 dự án mang tính chất bảo vệ môi trường).
Về trái phiếu doanh nghiệp xanh, Công ty Tài chính EVNFinance đã phát hành 73,7 triệu USD trái phiếu này vào tháng 7/2022 với lãi suất 6,7%/năm, kỳ hạn 10 năm. Sang năm 2023, đến lượt BIDV phát hành thành công 2.500 tỷ đồng trái phiếu xanh. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cũng bắt đầu huy động vốn trái phiếu xanh trên thị trường quốc tế trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, theo chuyên gia từ Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), hoạt động phát hành trái phiếu xanh của Việt Nam những năm gần đây không những không tăng trưởng, mà còn giảm mạnh, khi khối lượng phát hành năm 2021 đạt 37.000 tỷ đồng, nhưng trong 10 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt khoảng 3.000 tỷ đồng. Trong khi đó, theo Ngân hàng Thế giới (WB), với nhu cầu vốn xấp xỉ 70 tỷ USD cho các biện pháp giảm phát thải trong từng lĩnh vực đến năm 2030, Việt Nam cần phát huy cả lợi thế nội tại lẫn tăng cường huy động từ bên ngoài. Do đó, để trái phiếu xanh phát huy hiệu quả, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý cho loại hình trái phiếu này bởi các quy định hiện hành chưa thực sự nêu cụ thể về vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế – tài chính cho biết, năm 2021, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030. Tuy nhiên, vấn đề tài chính về bảo vệ môi trường tại Việt Nam còn nhiều hạn chế, đặc biệt là tín dụng xanh. Hiện các ngân hàng cho vay lĩnh vực bảo vệ môi trường và trái phiếu xanh về bảo vệ môi trường tại Việt Nam chưa nhiều.
Ông Hiếu cho biết, tính đến nay, có khoảng 2.400 tỷ USD trái phiếu xanh được phát hành trên toàn cầu, riêng tại Mỹ là khoảng 400 tỷ USD. Còn ở Việt Nam, mới có 3 doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh với số lượng phát hành rất khiêm tốn, trên thị trường chứng khoán cũng chưa xuất hiện trái phiếu xanh.
“Nếu còn chuyển động chậm như hiện tại thì 3-5 năm tới, trái phiếu xanh có lẽ vẫn chỉ là ‘nói cho vui’, chứ khó phát triển mạnh như kỳ vọng. Bởi lẽ, ngay cả thị trường trái phiếu thông thường cũng đang gặp khó khăn, chứ chưa nói tới thị trường trái phiếu xanh”, ông Hiếu nói.
Phát triển bền vững để “không ai bị bỏ lại phía sau” |
Còn TS. Hồ Quốc Tuấn cho hay, so với trái phiếu doanh nghiệp thông thường, trái phiếu xanh có rủi ro thanh khoản thấp hơn và hiệu ứng lan tỏa đến thị giá, thanh khoản cổ phiếu của doanh nghiệp tích cực hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh các công nghệ phát thải thấp có chi phí đắt đỏ, các dự án chuyển đổi xanh thường có thời gian hoàn vốn dài và không chắc chắn trong khả năng tạo ra dòng tiền tương lai.
Ngoài ra, với trái phiếu xanh, chi phí phát hành cũng là một thách thức, khi mà chi phí tư vấn, xếp hạng tín nhiệm và chứng nhận dự án xanh hiện còn cao, làm giảm động lực phát hành. Đồng thời, các vấn đề cấu trúc thị trường như thiếu dịch vụ xếp hạng tín dụng, sàn giao dịch chưa phát triển và thiếu bộ khung quy định cùng sự tham gia hạn chế của các nhà đầu tư tổ chức, dẫn đến hầu hết các đợt phát hành đều phải tìm đến nước ngoài hoặc có sự hỗ trợ tài chính từ tổ chức nước ngoài.
Do đó, để huy động vốn cho các giải pháp biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và bền vững, ông Tuấn cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về các công cụ nợ, trong đó chú trọng thúc đẩy trái phiếu xanh. Đồng thời, các chính sách thuế, phí… cần xây dựng theo hướng tăng cường các nỗ lực khí hậu, thúc đẩy đầu tư xanh, giảm dần hoặc loại bỏ ưu đãi thuế, phí đối với những ngành nghề, lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro môi trường…
Về các ưu đãi đối với trái phiếu xanh, đại diện Bộ Tài chính cho hay, cơ quan này đang nghiên cứu, trình các cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân đối với các nguồn thu nhập phát sinh từ trái phiếu xanh trong quá trình sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân và các văn bản hướng dẫn.
Để hoàn thiện khung khổ pháp lý, đại diện Vụ Tài chính – Ngân hàng cho biết, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về danh mục phân loại xanh theo nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP căn cứ vào thông lệ quốc tế và thực tế tại Việt Nam.
Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/thach-thuc-voi-trai-phieu-xanh-post347491.html