Tháng 11 xuất hiện trái phiếu xanh, loạt trái phiếu công ty nước được nước ngoài bảo lãnh 100%
Hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tiếp tục chững lại trong tháng 11, ghi nhận khoảng 35 ngàn tỷ đồng (theo mệnh giá), tăng nhẹ so với tháng 10 trước đó.
Lượng chào bán chững lại trong các tháng 10 và 11 (Đvt: tỷ đồng)
Nguồn: Người viết tổng hợp
|
Các nhà băng vẫn là khu vực hút nhiều tiền nhất với tổng cộng khoảng 25 ngàn tỷ đồng, chiếm 70% giá trị toàn thị trường.
Tháng 11 đón sự trở lại của Vietcombank (HOSE: VCB) cùng lô trái phiếu xanh hiếm hoi trên thị trường, trị giá 2 ngàn tỷ đồng với lãi suất cố định 4.9%/năm. Trái phiếu là loại 3 không (không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không được bảo đảm) có kỳ hạn kéo dài đến tháng 11/2026.
Techcombank (HOSE: TCB) cũng nhận thêm 3.7 ngàn tỷ đồng và trả lãi 5%/năm – mức không đổi trong nhiều tháng trở lại đây, qua đó tiếp tục củng cố top đầu về giá trị phát hành với hơn 35 ngàn tỷ đồng.
Huy động số tiền lớn trong tháng 11 còn có ACB và HDB, lần lượt 4.3 ngàn tỷ đồng và 4.6 ngàn tỷ đồng. ACB trả lãi suất 5-6%/năm cho kỳ hạn từ 2-5 năm, còn HDB là 7.47%/năm cho các trái phiếu 8 năm. Suốt 11 tháng qua, mỗi ngân hàng này đã thu về không dưới 24 ngàn tỷ đồng.
Nhóm tài chính phi ngân hàng vẫn là những cái tên cũ, gồm Kinh doanh F88 và MB Shinsei (Mcredit), lần lượt chào bán 100 tỷ đồng và 450 tỷ đồng. Cùng mô hình cho vay tiêu dùng nhưng Kinh doanh F88 chịu lãi suất 10.5%/năm để huy động trái phiếu phục vụ hoạt động kinh doanh, trong khi MB Shinsei là 6.7%/năm.
Trái phiếu kỳ hạn đến 20 năm
Tháng 11 cũng nổi bật với các lô trái phiếu của các công ty ngành nước được bảo lãnh thanh toán 100% bởi tổ chức nước ngoài. Như 700 tỷ đồng trái phiếu của Nước Biwase – Long An, kỳ hạn 10 năm, lãi suất cố định 5.5%/năm, được bảo lãnh thanh toán bởi CGIF (Credit Guarantee and Investment Facility), một quỹ tín thác của Ngân Hàng Phát Triển Châu Á (ADB) với sự tư vấn bởi Công ty TNHH Chứng khoán Maybank.
Trong khi đó, 875 tỷ đồng trái phiếu của Nước sạch Hòa Bình – Xuân Mai của Shark Liên còn “khủng” hơn khi kỳ hạn đến 20 năm. Lãi suất cố định 5.75%/năm do được bảo lãnh thanh toán bởi GuarantCo, công ty dịch vụ bảo lãnh đa quốc gia tại Cộng hòa Mauritius – một “thiên đường thuế” châu Phi.
Xu hướng phát hành để đảo nợ
Năm 2024 xuất hiện nhiều đợt huy động trái phiếu nhằm cơ cấu các khoản nợ cũ. Động thái này không xa lạ đối với Tập đoàn Đầu tư I.P.A (HNX: IPA) khi tiếp tục phát hành 600 tỷ đồng để tất toán 2 khoản vay từ 3 năm trước, hiện đang cận kề ngày đáo hạn.
Đầu tư Nam Long (HOSE: NLG) thu thêm 1 ngàn tỷ đồng, dự kiến sẽ mua lại trước hạn gốc 2 lô trái phiếu năm 2022. Du lịch Thành Thành Công (TTC Hospitality, HOSE: VNG) phát hành 500 tỷ đồng để “đảo” nợ cũ cách đây 2 năm.
Hoàng Trúc My, công ty bất động sản do cá nhân 19 tuổi thành lập để thực hiện dự án Truc My Complex ở Bình Dương, hút thêm 880 tỷ đồng trái phiếu. Tính từ đầu năm tới nay, doanh nghiệp này huy động 1,080 tỷ đồng, cùng kỳ hạn 5 năm và lãi suất 12%/năm.
Danh mục TPDN phát hành trong tháng 11
|
Nguồn: Người viết tổng hợp
|