Chi tiết

Tháng 9, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng cao nhất kể từ đầu năm

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 30/9/2024, vốn đầu tư đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn đạt hơn 24,78 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, đáng chú ý, riêng trong tháng 9/2024, có 3 dự án điều chỉnh vốn lớn từ hơn 200 triệu USD đến gần 1 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư tăng thêm của 3 dự án này đạt hơn 1,5 tỷ USD. Theo đó, vốn đăng ký điều chỉnh của gần 1.027 lượt dự án đăng ký tăng vốn kể từ đầu năm tới nay đạt hơn 7,64 tỷ USD, tăng 48,1% so với cùng kỳ.

Ngoài vốn điều chỉnh tăng, 9 tháng, vốn đăng ký mới từ 2.492 dự án mới cũng tăng 11,3% so với cùng kỳ với số vốn đầu tư đạt hơn 13,55 tỷ USD.

Trái ngược với đà tăng của hai dòng vốn trên, phần góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài lại giảm đáng kể. Cụ thể, trong 9 tháng, có 2.471 giao dịch góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp đạt gần 3,59 tỷ USD, giảm 26,2% so với cùng kỳ.  

Với đà tăng liên tục từ đầu năm, quy mô vốn đầu tư của các dự án mới tăng từ 4,68 triệu USD/dự án trong tháng 9 năm 2023 lên 5,44 triệu USD/dự án trong 9 tháng năm 2024. Cùng với đó, quy mô vốn đầu tư điều chỉnh cũng tăng từ 5,39 triệu USD/lượt điều chỉnh trong 9 tháng năm 2023 lên 7,44 triệu USD/lượt điều chỉnh trong 9 tháng năm 2024.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, đây là tín hiệu tích cực cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục coi Việt Nam là cứ điểm đầu tư hấp dẫn để “rót vốn” trong dài hạn.

Riêng tháng 9 năm 2024, tổng lượng vốn đầu tư mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần đạt mức cao nhất trong các tháng từ đầu năm đến nay, với gần 4,26 tỷ USD, chiếm 17,2% tổng vốn đầu tư cả nước trong 9 tháng. Vốn đầu tư tăng thêm cũng đạt mức cao nhất từ đầu năm với các dự án được mở rộng vốn lớn.

Cùng với đó, vốn đầu tư tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài (cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư,…) như: Bắc Ninh, Tp. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai, Bắc Giang, Ninh Thuận. Riêng 10 địa phương này đã 80,1% số dự án mới và 72,9% số vốn đầu tư của cả nước trong 9 tháng.

Đặc biệt, nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng được đầu tư mới và mở rộng vốn trong 9 tháng.

Vốn đầu tư nước ngoài phân theo địa bàn đầu tư.
Vốn đầu tư nước ngoài phân theo địa bàn đầu tư.

Trong tháng 9, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 15,64 tỷ USD, chiếm gần 63,1% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm nhẹ 0,4% so với cùng kỳ.

Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 4,38 tỷ USD, chiếm gần 17,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, gấp hơn 2,2 lần cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là các ngành sản xuất, phân phối điện; bán buôn bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt gần 1,12 tỷ USD và hơn 920 triệu USD. Còn lại là các ngành khác.

Xét về số lượng dự án, bán buôn, bán lẻ là ngành dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 35%) và số lượt giao dịch góp vốn mua cổ phần (chiếm 41,7%). Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu về số lượt giao dịch góp vốn mua cổ phần cao nhất (chiếm 66,8%).

Hiện, đã có 98 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 9 tháng năm 2024; trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 7,35 tỷ USD, chiếm gần 29,7% tổng vốn đầu tư, tăng 69% so với cùng kỳ 2023 Trung Quốc đứng thứ hai với hơn 3,2 tỷ USD, chiếm 13% tổng vốn đầu tư, giảm 4,5% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Hàn Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản…

Xét về số dự án, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới (chiếm 29,3%); Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 23,9%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 25,6%).

Nguồn