Thanglong Invest Group vào cuộc “chơi lớn” với bất động sản sau kế hoạch chi hơn 1.8 ngàn tỷ
Những ngày gần đây, lãnh đạo CTCP Tập đoàn Đầu tư Thăng Long (Thanglong Invest Group, HNX: TIG) liên tục có quyết định nhằm cơ cấu các khoản đầu tư bao gồm cả thoái vốn, mua mới và tăng sở hữu công ty con hiện hữu.
* TIG sẽ thoái toàn bộ vốn tại 5 công ty liên kết, hoãn phát hành cổ phiếu trả cổ tức
Theo nghị quyết mới nhất ban hành ngày 18/12, TIG chi 840 tỷ đồng để mua 28 triệu cp CTCP Bất động sản Hoa Anh Đào từ phía các cổ đông của doanh nghiệp này, qua đó sở hữu 80% vốn cổ phần; tương đương mức giá 30,000 đồng/cp. HĐQT giao và ủy quyền cho quyền Tổng Giám đốc, ông Hồ Ngọc Hải thực hiện ký kết hợp đồng và các thủ tục pháp lý liên quan với đối tác ngay trong tháng 12 này.
Địa ốc Alpha Nam là thành viên trong Alphanam Group – Tập đoàn bất động sản, du lịch, khách sạn, thương mại, cơ điện của doanh nhân Nguyễn Tuấn Hải. Còn Công ty Hoàng Tử thành lập từ năm 1996, nổi tiếng với hệ sinh thái Hùng Túy (của 2 nhà sáng lập Nguyễn Văn Hùng và Cao Văn Túy góp vốn) chuyên đồ nội thất với các thương hiệu cao cấp từ châu Âu.
|
Bất động sản Hoa Anh thành lập vào năm 2009, hoạt động trong mảng bất động sản với trụ sở nằm ở quận Thanh Xuân, Hà Nội. Vốn điều lệ ban đầu 200 tỷ đồng; các cổ đông sáng lập gồm CTCP Địa ốc Alpha Nam, Công ty TNHH Hoàng Tử, ông Nguyễn Tuấn Hải. Doanh nghiệp là chủ tòa nhà hỗn hợp thương mại, dịch vụ, văn phòng, khách sạn căn hộ và nhà ở để bán – King Palace tại quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội.
Cập nhật mới nhất vào hôm 17/12 cho thấy, chức Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật Hoa Anh Đào vừa được thay thế từ ông Nguyễn Tuấn Hoàng sang ông Nguyễn Trọng Tâm. Ông Tâm cũng đang đại diện cho một công ty con khác của TIG là CTCP Đầu tư Thăng Long Phú Thọ. Trước đó vào tháng 7, vốn điều lệ Hoa Anh Đào được nâng từ 70 tỷ đồng lên 350 tỷ đồng. Như vậy, nhiều khả năng Doanh nghiệp đã có động thái tăng vốn trước khi TIG công bố nghị quyết HĐQT nói trên.
Trước đó, TIG đồng ý mua 20% vốn của Đầu tư Thăng Long Phú Thọ với giá gần 1 ngàn tỷ đồng để nâng tỷ lệ sở hữu lên 80%. Công ty này đang làm chủ đầu tư dự án khu du lịch, biệt thự sinh thái – nghỉ dưỡng Vườn Vua quy mô hơn 4.2 ngàn tỷ đồng.
Tiền đâu để mua?
Hai thương vụ trên ước tính “ngốn” của TIG hơn 1.8 ngàn tỷ đồng. Một phần nguồn lực có lẽ trông cậy vào việc thoái vốn loạt công ty khác. Nếu chuyển nhượng xong các đơn vị còn lại với giá tối thiểu 10,000 đồng/cp, TIG khả năng sẽ có thêm khoảng 639 tỷ đồng, tính cả các thương vụ hoàn tất từ đầu năm.
Sau đợt này, Đầu tư Thăng Long Phú Thọ trước mắt sẽ trở thành công ty con lớn nhất của TIG với khoảng 1.4 ngàn tỷ đồng được rót vào tính trên vốn gốc đầu tư. Theo sau là cái tên mới gia nhập Bất động sản Hoa Anh Đào.
Diễn biến liên tiếp thời gian qua cho thấy TIG đang có xu hướng tập trung vào mảng bất động sản, trong khi dần thoái lui khỏi các công ty trong lĩnh vực xây dựng, năng lượng tái tạo và cả phân phối hàng điện tử, được lãnh đạo đánh giá khó mang lại hiệu quả. Như 2 dự án điện gió Thăng Long Hướng Sơn 1 và Thăng Long Hướng Sơn 2 “chưa thể triển khai do nhiều yếu tố quy định về mặt pháp lý và đang xem xét đánh giá lại hiệu quả đầu tư” – theo báo cáo của Ban Tổng Giám đốc hồi đầu năm nay.
Tiền thân TIG là CTCP Văn hóa Thông tin Thăng Long, đi vào hoạt động từ năm 2001 ở Hà Nội với số vốn chỉ 700 triệu đồng của 3 cổ đông. Doanh nghiệp đa dạng hóa hoạt động kinh doanh ngay từ những ngày đầu tiên, bao gồm cả bất động sản. Sau 24 năm, vốn điều lệ TIG gần chạm 2 ngàn tỷ đồng và sắp tới sẽ tiếp tục tăng theo kế hoạch phát hành thêm cho cổ đông đã được thông qua.