Chi tiết

Thành công hay rủi ro cho Indonesia?

apple.jpg
Indonesia vừa đón nhận khoản vốn 1 tỷ USD từ Apple (Ảnh: Modern Diplomacy)

Từ 10 triệu USD lên 1 tỷ USD

Mới đây, Indonesia đã đạt được thỏa thuận khi tập đoàn Apple đồng ý nâng mức đầu tư lên 1 tỷ USD để chính phủ của Tổng thống Prabowo Subianto dỡ bỏ lệnh cấm bán iPhone 16 tại nước này.

Theo Bloomberg, Indonesia đã sử dụng các ràng buộc địa phương để buộc Apple tăng mức đầu tư từ 10 triệu USD ban đầu chỉ trong vòng một tháng nếu nhà sản xuất iPhone muốn bán các sản phẩm chủ lực tại thị trường này.

Theo đề xuất mới nhất, một nhà cung cấp của Apple sẽ xây dựng nhà máy sản xuất AirTags tại đảo Batam, tạo việc làm cho khoảng 1.000 lao động.

Dù thành công về mặt con số, nhưng các chuyên gia trong nước tại quốc gia vạn đảo lại lo lắng hơn về lợi ích từ thỏa thuận này.

Việc áp dụng chính sách bảo hộ để yêu cầu các công ty xây dựng nhà máy trong nước có thể làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, theo các chuyên gia. Điều này càng thêm nổi bật trong bối cảnh các nước láng giềng của Indonesia đang đưa ra nhiều ưu đãi hấp dẫn cho các nhà đầu tư thực hiện chiến lược Trung Quốc+1.

“Đây không phải thời điểm lý tưởng để áp dụng cách tiếp cận cứng rắn,” Krisna Gupta, nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Indonesia, nhận xét.

Ngành sản xuất là một khu vực quan trọng trong tạo việc làm và thúc đẩy kinh tế Indonesia, đóng góp lớn trong mục tiêu tăng trưởng 8% mỗi năm trong 5 năm tới của Tổng thống Prabowo. Indonesia cũng đang hướng tới trở thành nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045.

Tuy nhiên, kế hoạch này đang gặp khó khăn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy yếu. Nhiều nhà máy dệt may và giày dép ở nước này đã đóng cửa trong năm nay, dẫn đến hàng nghìn công nhân bị sa thải do doanh số giảm và thua lỗ gia tăng. Một công ty dược phẩm trong nước cũng dự kiến giảm một nửa số nhà máy trong vài năm tới.

Bởi vậy, chính phủ Indonesia coi đây là một cách để tăng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt từ các công ty có nhu cầu duy trì thị trường tại Indonesia với dân số 270 triệu người, theo David Sumual, nhà kinh tế trưởng tại PT Bank Central Asia.

“Tuy nhiên, chính sách này cũng có thể gây khó khăn cho FDI khi làm tăng chi phí, tạo ra những phức tạp về quy định và yêu cầu nội địa hóa trong các lĩnh vực mà nhà cung cấp nội địa không đáp ứng được tiêu chuẩn toàn cầu, nhất là các ngành công nghệ cao,” ông Sumual nói.

2020_08_03_101524_1596394297._large.jpg
Các chuyên gia lo ngại tính bền vững của chiến lược thu hút FDI này (Ảnh: The Jakarta Post)

Nhiều thách thức trong dài hạn

Apple đã đi theo chiến lược của Samsung Electronics và Xiaomi, những công ty đã đầu tư hàng tỷ USD vào xây dựng nhà máy để đáp ứng các quy định của Indonesia, bất chấp những khó khăn về chi phí và chuỗi cung ứng có thể gây cản trở.

Việc theo đuổi ngành sản xuất công nghệ cao nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu cơ sở hạ tầng và chuỗi cung ứng có thể là một rào cản lớn khiến nhà đầu tư quốc tế lo ngại tại Indonesia.

Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại nước này nhận định trong báo cáo tháng 11 rằng các quy định này có thể dẫn đến mức sản xuất thấp hơn. Các doanh nghiệp thường phải sử dụng nguyên liệu đắt đỏ hoặc kém chất lượng, trong khi linh kiện điện tử tiên tiến lại khan hiếm trong nước.

“Các yêu cầu khắt khe của Indonesia đối với đầu tư nước ngoài có thể trở thành rào cản lớn hơn. Chính phủ dự kiến tăng tỷ lệ nội địa hóa lên trên 35% đối với tất cả điện thoại và máy tính bảng được bán tại nước này”, Bộ trưởng Công nghiệp Indonesia Agus Gumiwang Kartasasmita thông báo.

Bộ này cũng đang cân nhắc loại bỏ hình thức đầu tư mà Apple từng áp dụng trước đây, đó là tài trợ cho các học viện phát triển. Điều này buộc các công ty chỉ còn hai lựa chọn: sản xuất linh kiện hoặc phát triển ứng dụng tại Indonesia.

Đây là một thách thức lớn trong bối cảnh công nghệ ngày càng hiện đại. Trước đây, các công ty có thể đáp ứng yêu cầu thông qua việc sản xuất bao bì hoặc phụ kiện như cáp sạc và tai nghe. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ không dây, các phụ kiện này ngày càng ít phù hợp, trong khi Indonesia lại thiếu năng lực sản xuất các sản phẩm thay thế như tai nghe không dây.

“Các nhà đầu tư có thể ưa chuộng các thị trường tự do hơn. Điều này có thể khiến họ cân nhắc lại các quyết định đầu tư, chuyển sang những quốc gia có ít rào cản hơn,” Jia Hui Tee, nhà phân tích chính sách thương mại cao cấp tại Hinrich Foundation, nhận xét.

Nguồn