Chi tiết

Thanh khoản mất hút, cổ phiếu chứng khoán vẫn đua nhau tăng tốc

(ĐTCK) Mặc dù thanh khoản rơi xuống mức thấp nhất khoảng 2,5 tháng, nhưng áp lực bán được tiết chế, đã giúp thị trường giao dịch khởi sắc với điểm sáng thuộc về nhóm cổ phiếu chứng khoán.

Không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích, thị trường đã hồi phục trong phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 22/4 sau chuỗi 4 phiên lao dốc mạnh vào tuần trước. Tuy nhiên, đà tăng của VN-Index chủ yếu xuất phát từ áp lực bán được tiết chế, trong khi lực cầu tham gia khá yếu bởi tâm lý giao dịch thận trọng của bên mua.

Chính vì diễn biến trên khiến chỉ số chung khó có thể tăng tốc mạnh, thậm chí VN-Index thu hẹp biên độ, chỉ tăng nhẹ vào cuối phiên sáng và lình xình đi ngang trong hơn 30 phút mở cửa phiên giao dịch chiều.

Tuy nhiên, thị trường đã nới nhẹ biên độ tăng về cuối phiên nhờ diễn biến khởi sắc hơn ở nhóm cổ phiếu chứng khoán khi các mã đua nhau tăng tốc và nhiều mã đã thử thách thành công mức giá trần. Chỉ số VN-Index khép lại phiên đầu tuần ở mốc 1.190 điểm với mức tăng hơn 15 điểm.

Dù thị trường tích cực với số mã tăng chiếm áp đảo, gấp 3 lần số mã giảm và chỉ số chung ghi nhận mức tăng khá tốt, nhưng thanh khoản rơi xuống mức thấp nhất trong khoảng 2,5 tháng qua, cho thấy tâm lý thận trọng vẫn bao trùm thị trường và đây có thể chỉ là nhịp hồi phục kỹ thuật sau chuỗi 4 phiên lao dốc mạnh trong tuần trước đó.

Chốt phiên, VN-Index tăng 15,37 điểm (+1,31%) lên 1.190,22 điểm với 374 mã tăng và 114 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 708,58 triệu đơn vị, giá trị 15.965,52 tỷ đồng, cùng giảm hơn 32% cả về khối lượng và giá trị so với phiên cuối tuần qua ngày 19/4. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 92,66 triệu đơn vị, giá trị 2.052,79 tỷ đồng.

Nhóm VN30 hỗ trợ tốt cho thị trường khi kết phiên tăng hơn 12 điểm. Bên cạnh mã chứng khoán SSI tăng tốt, thậm chí có thời điểm tăng kịch trần và đóng cửa tăng 5,7%, nhiều mã khác trong rổ này cũng nới rộng đà tăng như TPB tăng 5,4%, VRE tăng 5,2%, BID tăng 3,6%… Ngược lại, VIC giảm sâu nhất là 1,4%, cùng 3 mã là MBB, VNM, VHM giảm nhẹ chưa tới 0,5%.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, một số mã đã có pha quay xe ngoạn mục, điển hình như SMC, TNA đảo chiều khởi sắc và đóng cửa tăng kịch trần. Trái lại, PSH từ mức giá trần khi mở cửa đã quay đầu điều chỉnh giảm và đóng cửa tại mức giá sàn với khối lượng khớp lệnh hơn 8 triệu đơn vị, dư bán sàn 0,77 triệu đơn vị.

Ngoài ra, QCG cũng nằm sàn trước áp lực bán tháo mạnh. Kết phiên, QCG đứng tại mức giá 16.650 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 1,56 triệu đơn vị và dư bán sàn hơn nửa triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, như đã nói ở trên, nhóm cổ phiếu chứng khoán là điểm sáng của thị trường. Bộ 3 cổ phiếu VIX, VND và SSI đều thử thách mức giá trần, trong đó VIX và SSI đóng cửa đều tăng trên dưới 5,5%, còn VND tăng kịch trần với lượng dư mua trần hơn 2,1 triệu đơn vị; đồng thời thanh khoản cùng thuộc top 5 dẫn đầu thị trường, tương ứng đạt 27,93 triệu đơn vị, hơn 21,9 triệu đơn vị và 19,5 triệu đơn vị.

Ngoài VND, nhiều mã chứng khoán khác cũng đã khoe sắc tím thành công như FTS, ORS, TVB; HCM tăng 6,6% lên sát trần, TVS tăng 6,3%, BSI tăng 5,8%…

Nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng cũng khởi sắc hơn khi chỉ còn duy nhất MBB giao dịch dưới mốc tham chiếu với mức giảm chưa tới 0,5%. Cổ phiếu BID và TCB có đóng góp lớn nhất, tương ứng hơn 1,6 và hơn 0,8 điểm cho chỉ số chung, lần lượt đóng cửa tăng 3,62% và 1,7%; còn cổ phiếu tăng mạnh nhất dòng bank là TPB với mức tăng hơn 5%.

Tất cả cả nhóm ngành đều đóng cửa trong sắc xanh, ngoại trừ duy nhất nhóm chăm sóc sức khỏe giảm nhẹ 0,7%.

Trên sàn HNX, sau nửa đầu phiên chiều đi ngang, nhận tín hiệu lạc quan ở sàn HOSE, chỉ số HNX-Index cũng nới rộng đà tăng và leo lên vùng giá cao nhất trong ngày.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 4,51 điểm (+2,04%) lên 225,31 điểm với 137 mã tăng (22 mã tăng trần) và 42 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 75 triệu đơn vị, giá trị 1.394,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp thêm 3,61 triệu đơn vị, giá trị 116,89 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 tăng tốc khi đóng cửa tăng gần 15 điểm, với sự ghi nhận 28 mã tăng, chỉ duy nhất LAS giảm 5,6% và DXP đứng giá tham chiếu. Trong đó, các mã khởi sắc nhất đều thuộc nhóm cổ phiếu chứng khoán, với điểm sáng là BVS đóng cửa tăng 9,9% lên mức giá trần 35.600 đồng/CP, MBS tăng 6,6%, VIG tăng 6,2%…

Cổ phiếu SHS cũng có thời điểm tăng sát trần và đóng cửa tăng 5,7% lên mức 18.400 đồng/CP, thanh khoản tiếp tục sôi động hơn với xấp xỉ 24,25 triệu đơn vị khớp lệnh.

Các mã có thanh khoản tiếp theo đó đều thuộc rổ HNX30, gồm CEO khớp 8,73 triệu đơn vị và đóng cửa tăng 3,4%; PVS tăng 1% và khớp 4,47 triệu đơn vị, MBS tăng 6,6% và khớp 3,81 triệu đơn vị, HUT tăng 1,2% và khớp 2,81 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, nhiều mã như TTH, AAV, DDG, IDJ đều đóng cửa trong sắc tím.

Trên UPCoM, thị trường vẫn giữ mức tăng nhẹ.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,87 điểm (+0,99%) lên 88,02 điểm với 184 mã tăng và 61 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 33,89 triệu đơn vị, giá trị 349 tỷ đồng.

Cổ phiếu AAH vẫn là mã có giao dịch vượt trội với khối lượng giao dịch đạt gần 11 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 5,6% lên mức 3.800 đồng/CP.

Tuy nhiên, các cổ phiếu chứng khoán cũng là tâm điểm đáng chú ý của thị trường UPCoM, với AAS đóng cửa tăng 3,8%, SBS tăng 6,3%, BMS tăng 4,2%, DSC tăng 5,4%.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng trong khoảng 10-15 điểm, trong đó VN30F2405 đáo hạn gần nhất là ngày 16/5, đóng cửa tăng tốt nhất là 13,6 điểm, tương ứng tăng 1,1% lên mức 1.205,3 điểm, với 276.424 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 47.547 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh cũng chiếm ưu thế, trong đó CSTB2322 giao dịch sôi động nhất với hơn 3,44 triệu đơn vị khớp lệnh, đã đóng cửa tăng 66,7% lên 50 đồng/cq. Đứng ở vị trí tiếp theo là CSTB2330 khớp 1,9 triệu đơn vị, đóng cửa đứng giá tham chiếu 20 đồng/cq.


Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/thanh-khoan-mat-hut-co-phieu-chung-khoan-van-dua-nhau-tang-toc-post343813.html