Chi tiết

Thanh khoản sụt giảm mạnh, VN-Index quay đầu giảm

(ĐTCK) Một phiên giao dịch điển hình của thị trường trong nhiều tháng nay, khi thanh khoản thấp, các chỉ số cũng như nhiều nhóm ngành cổ phiếu không biến động đáng kể. Ảnh hưởng bởi tâm lý không chắc chắn về xu hướng, khi nhiều biến số rủi ro trên toàn cầu và tác động từ bên ngoài đến thị trường trong nước là chưa thể tính hết.

Những nghi ngờ về một phiên thanh khoản xuống thấp trong nhiều tháng đã xuất hiện ở nửa cuối phiên sáng, khi dòng tiền mất hút và khi tạm nghỉ giờ trưa chỉ hơn 3.300 tỷ đồng giá trị giao dịch trên sàn.

Điều này thực sự đã được ghi nhận khi đóng cửa phiên chiều nay, khi thanh khoản còn giảm mạnh hơn phiên hôm qua – phiên ghi nhận dòng tiền yếu nhất trong hơn 14 tháng.

Đây chưa hẳn là diễn biến “nghỉ tết sớm” của nhà đầu tư, mà nhiều khả năng do những biến số rủi ro lớn vẫn đang ở phía trước và khó đoán định, có tác động lớn đến thị trường và cả nền kinh tế nói chung.

Theo giới phân tích, rủi ro lớn nhất là chính sách bảo hộ thương mại, thuế quan phổ quát từ Mỹ có khả năng gây ra một cuộc chiến thương mại quy mô lớn trên thế giới, khiến dòng vốn đầu tư, chuỗi cung ứng toàn cầu trở nên rối loạn hơn. Càng khó đoán hơn, khi nhiệm kỳ đầu của Trump đã chỉ ra rằng vị tổng thống này thất thường và sẵn sàng cân nhắc mọi thứ đến thế nào…

Ảnh hưởng từ xung đột thương mại gần như sẽ tác động không nhỏ đến nền kinh tế trong nước, vốn có độ mở cao, trong đó, đáng kể nhất là áp lực đến tỷ giá tăng cao khiến Ngân hàng Nhà nước gặp khó khăn để duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng.

Trong khi đó, Fed cũng đã phát đi tín hiệu đầu tiên về việc chậm lại trong việc cắt giảm lãi suất, diễn biến này nếu xảy ra, dễ hiểu sẽ thúc đẩy đồng USD neo cao như thời kỳ siết chặt của Fed và gián tiếp khiến cho dòng vốn FII có lý do tiếp tục rời bỏ thị trường, đặc biệt là các thị trường mới nổi, cận biên, do chênh lệch lãi suất duy trì ở mức cao.

Trong khi đó, dấu hỏi về đà hồi phục của thị trường bất động sản trong nước cũng được đặt ra, khi tình hình chung trong năm 2024 chỉ ra rằng khi sự phục hồi là chưa đồng đều. Ngoại trừ mảng bất động sản khu công nghiệp và chung cư tại một số đô thị lớn sôi động trở lại (nhưng cũng chỉ ở những tháng cuối năm), thì các phân khúc khác như đất nền, biệt thự, nghỉ dưỡng vẫn trong cảnh ảm đạm.

Trong khi đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa hoàn toàn lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, hoạt động phát hành chủ yếu đến từ nhóm ngân hàng hoặc các doanh nghiệp đảo nợ.

Nhìn chung, sự không chắc chắn tiếp tục gia tăng. Con đường phía trước đầy sương mù. Vậy nên, phản ứng thận trọng, không vội vàng của nhà đầu tư tại thời điểm này là điều dễ hiểu.

Quay trở lại với phiên hôm nay, chỉ số VN-Index tiếp tục giảm trong phiên chiều và chỉ khi về gần 1.240 điểm mới bật hồi thu hẹp đà giảm một cách nhọc nhằn.

Chốt phiên, sàn HOSE có 126 mã tăng và 263 mã giảm, VN-Index giảm 5,25 điểm (-0,42%), xuống 1.245,77 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 336,2 triệu đơn vị, giá trị 7.512,2 tỷ đồng, giảm 25% về khối lượng và 26% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 45,8 triệu đơn vị, giá trị 869,9 tỷ đồng.

Các cổ phiếu riêng lẻ đáng kể nhất là HDB, khi nới đà giảm -4,1% xuống 22.350 đồng, khớp lệnh cao nhất sàn với hơn 18,3 triệu đơn vị.

Cổ phiếu APG duy trì mức giá trần và là cổ phiếu có sắc tím duy nhất trên sàn, +6,9% lên 6.680 đồng, khớp 0,27 triệu đơn vị.

Trái lại, cổ phiếu YEG bị bán mạnh và giảm sàn -6,8% xuống 15.850 đồng, khớp hơn 5,8 triệu đơn vị và còn dư bán sàn hơn 0,74 triệu đơn vị.

Cổ phiếu TMT thoát giá sàn, nhưng vẫn giảm sâu -6,6% xuống 12.700 đồng, khớp 0,42 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng đã thu hẹp đà giảm về cuối phiên và vượt nhẹ lên trên tham chiếu.

Chốt phiên, sàn HNX có 65 mã tăng và 73 mã giảm, HNX-Index tăng 0,07 điểm (+0,03%), lên 221,94 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 33,9 triệu đơn vị, giá trị 479,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,3 triệu đơn vị, giá trị 150,3 tỷ đồng.

Các cổ phiếu nhỏ cuối phiên sáng vẫn là những điểm hút dòng tiền, với KSQ, PCH PV2, MST khi đóng cửa ở mức giá trần. Trong đó, MST khớp lệnh cao nhất sàn khi có hơn 3,78 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu lớn như SHS, CEO, MBS giảm điểm nhẹ, trong khi PVS, HUT đóng cửa tăng không đáng kể.

Trên thị trường UpCoM, chỉ số UpCoM-Index nới thêm đà giảm trong phiên chiều và thu hẹp đôi chút đà giảm vào những phút cuối.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,5 điểm, tương đương -0,54% xuống 93,03 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 43,2 triệu đơn vị, giá trị 399,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 6,6 triệu đơn vị, giá trị 114,5 tỷ đồng.

Đáng chú ý nhất là cổ phiếu HNG, khi thanh khoản vượt trội với hơn 16,2 triệu đơn vị khớp lệnh, bỏ xa phần còn lại, nhưng giá cổ phiếu chỉ dừng lại ở tham chiếu 7.900 đồng.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm, với VN30F2501 giảm 8 điểm, tương đương 0,6% xuống 1.313,6 điểm, khớp lệnh hơn 186.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 51.300 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, giao dịch cũng ảm đạm, với CHPG2407 với thanh khoản tốt nhất cũng chỉ hơn 1,77 triệu đơn vị và giảm 5,7% xuống 660 đồng/cq.


Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/thanh-khoan-sut-giam-manh-vn-index-quay-dau-giam-post361490.html