Chi tiết

Thành phố giàu nhất Việt Nam đề xuất vận hành đường sắt đô thị theo mô hình Tổng công ty của Trung Quốc

Mới đây, Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TP. HCM (MAUR) đã báo cáo UBND TP.HCM về chuyến công tác nhằm trao đổi, học tập kinh nghiệm đầu tư, xây dựng, quản lý và vận hành đường sắt đô thị ở Quảng Châu (Trung Quốc).

Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TP.HCM đã có kiến nghị với UBND TP.HCM về việc chỉ đạo Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp cùng Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp công ty vận hành metro số 1 và các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất việc áp dụng mô hình Tổng công ty đường sắt đô thị do thành phố nắm 100% vốn điều lệ.

Chức năng của Tổng công ty là huy động vốn, quản lý việc đầu tư xây dựng, phát triển và vận hành dự án đường sắt đô thị. Bên cạnh đó, Tổng công ty sẽ thực hiện kinh doanh đa ngành trên cơ sở khai thác hiệu quả các tài sản thuộc quyền quản lý nhằm đảm bảo tự chủ trong ngân sách, dịch vụ vận chuyển hành khách tiếp tục được duy trì đạt chất lượng cao.

Bên cạnh đó, MAUR cho biết, nhiều công ty ở thành phố khác đang học tập theo mô hình hoạt động tích hợp của Tập đoàn Quảng Châu Metro bởi những lợi ích mà nó mang lại.

Ưu điểm của mô hình này là có thể làm chủ toàn bộ vòng đời của dự án từ khâu lập kế hoạch, đầu tư xây dựng đến quá trình kinh doanh và bảo trì.

Nhờ việc áp dụng mô hình quản trị đúng đắn cùng với đó là định hướng hoạt động hợp lý đã giúp lợi nhuận của Tập đoàn Quảng Châu Metro tăng trưởng đều qua các năm, tỷ lệ nợ được kiểm soát một cách hiệu quả.

Tập đoàn Quảng Châu Metro là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước với tổng tài sản khoảng hơn 630 tỷ nhân dân tệ (khoảng 90 tỷ USD), tổng doanh thu hơn 14 tỷ nhân dân tệ (khoảng 2 tỷ USD), giữ vị trí thứ 3 trong các công ty cùng ngành ở đất nước tỷ dân.

Thành phố giàu nhất Việt Nam đề xuất vận hành đường sắt đô thị theo mô hình Tổng công ty của Trung Quốc
Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên – Ảnh: Internet

Ngoài ra, MAUR cũng có đề xuất đối với UBND TP.HCM về việc giao Sở Tài chính chủ trì, thực hiện phối hợp cùng Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước thành phố (HFIC) và các cơ quan liên quan thực hiện nghiên cứu nhằm đa dạng nguồn lực tài chính để đầu tư xây dựng hệ thống metro; đồng thời, đa dạng hóa nguồn thu từ quá trình vận tải, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị.

Bên cạnh đó, MAUR đề xuất TP.HCM giao Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì trong việc rà soát, xây dựng kế hoạch tổng thể về vấn đề khai thác các quỹ đất xung quanh nhà ga và dọc các tuyến metro, vành đai, vùng phụ cận trên địa bàn, hướng tới phát triển mô hình TOD (mô hình phát triển đô thị lấy định hướng phát triển giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển).

Vào cuối năm nay, dự kiến tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) tại TP.HCM có chiều dài gần 20km sẽ được đưa vào khai thác thương mại. Tuyến metro này đang trong quá trình vận hành thử với 47 kịch bản thử nghiệm khác nhau.

Các kịch bản này không chỉ bao gồm những tình huống thông thường mà còn đưa ra những tình huống khẩn cấp như cháy nổ, mất điện, ngập nước,… trên toàn tuyến, từ đoạn trên cao đến trong hầm.

Theo quy hoạch, thành phố có 8 tuyến metro và 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường một ray với tổng chiều dài là 220km.

Tuy nhiên, hiện nay, hồ sơ đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 đang được Sở Quy hoạch – Kiến trúc hoàn thiện.

Theo đó, tổng chiều dài mạng lưới đường sắt đô thị của thành phố dự kiến nâng lên khoảng 558,7km. Cụ thể, đề xuất phát triển 8 tuyến đường sắt đô thị xuyên tâm, 1 nhánh đường sắt ngoại ô, 2 tuyến đường sắt đô thị vành đai và 1 tuyến dọc đại lộ Đông Tây và sông Sài Gòn. Mạng lưới được kỳ vọng sẽ giúp kinh tế của TP.HCM, thành phố giàu nhất cả nước, cất cánh.



Nguồn tin