Báo cáo của Thanh tra Bộ Tài chính cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2024, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ đã thực hiện 31.195 cuộc thanh tra, kiểm tra; giảm 384 cuộc so với cùng kỳ năm trước. Kiến nghị xử lý về tài chính 50.034 tỷ đồng, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái hơn 7.000 tỷ đồng.
Ngay từ đầu năm 2024, Thanh tra bộ và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Tài chính đã xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai quyết định phê duyệt kế hoạch thanh tra năm 2024; đồng thời bố trí lực lượng, tổ chức triển khai kịp thời các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất, đáp ứng chỉ đạo của Chính phủ và ngành tài chính.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Thanh tra Bộ Tài chính tiến hành thanh tra trực tiếp, kiểm tra 15 cuộc theo kế hoạch. Kiến nghị xử lý tài chính 15.264 tỷ đồng, bao gồm: kiến nghị nộp ngân sách nhà nước 1.736 tỷ đồng, kiến nghị khác 13.528 tỷ đồng và kiến nghị sửa đổi nhiều cơ chế chính sách tài chính tại các bộ ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị…
Căn cứ biên bản vi phạm hành chính về kế toán, lĩnh vực giá của Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán và Cục Quản lý giá, Thanh tra Bộ đã ban hành 27 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 567 triệu đồng.
Trong các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, toàn hệ thống hải quan thực hiện 12 cuộc thanh tra chuyên ngành; kiến nghị truy thu thuế 131,9 tỷ đồng, xử phạt vi phạm hành chính 1,3 tỷ đồng. Các đơn vị đã nộp ngân sách nhà nước 27,96 tỷ đồng. Công tác kiểm tra sau thông quan cũng được tiến hành khẩn trương.
Ngành thuế đã thực hiện 29.744 cuộc thanh tra, kiểm tra và kiểm tra 380.146 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế; số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra 27.626 tỷ đồng…
Nửa đầu năm, cơ quan thuế tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh vàng, bạc, đá quý theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết và doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, hóa đơn, từ đó triển khai hiệu quả công tác phòng, chống gian lận về hóa đơn. Cơ quan thuế cũng chuyển cơ quan công an phối hợp điều tra, xử lý theo quy định những trường hợp cố tình vi phạm nhằm trục lợi bất chính.
Kho bạc Nhà nước thực hiện 119 cuộc thanh tra chuyên ngành và 375 cuộc kiểm tra nội bộ, qua đó kiến nghị xử lý tài chính 2,3 tỷ đồng. Ủy ban chứng khoán Nhà nước triển khai 22 đoàn thanh tra chuyên ngành (bao gồm 16 cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và 6 cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất). Cục Quản lý giám sát bảo hiểm đã thực hiện 9 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành theo kế hoạch…
Đánh giá về công tác thanh tra, kiểm tra 6 tháng đầu năm 2024, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính nhận định các công tác đã đáp ứng kịp thời, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Bộ Tài chính và Chính phủ đối với các vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm.
Nội dung thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ. Qua thanh tra, kiểm tra đã xử lý nghiêm theo quy định các sai phạm trong công tác quản lý tài chính ngân sách; kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách về quản lý tài chính đối với các ngành, lĩnh vực.
Tuy nhiên, báo cáo của Thanh tra Bộ Tài chính cũng chỉ ra một số tồn tại cần khắc phục. Đó là một số cuộc thanh tra còn chậm lưu hành kết luận thanh tra; nguyên nhân do dự thảo kết luận thanh tra có nhiều nội dung xử lý phức tạp nên còn phải gửi xin ý kiến các đơn vị. Công tác tổng hợp báo cáo về công tác thanh tra định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng, năm của một số đơn vị trong ngành còn phải đôn đốc, chưa đảm bảo thời gian quy định. Các đơn vị còn nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai…
Về định hướng hoạt động thanh tra trong những tháng cuối năm, Thanh tra Bộ sẽ tiếp tục tăng cường công khai minh bạch, đúng quy định trong hoạt động thanh tra của Bộ Tài chính.
Đồng thời, triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng; tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nguy cơ tham nhũng cao hoặc có nhiều dư luận về tham nhũng.
Bên cạnh đó, tiến hành thanh tra trách nhiệm người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng; tiếp tục phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập triển khai trong nội ngành Bộ Tài chính.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng.
Ngoài ra, Thanh tra Bộ tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ để kịp thời chấn chỉnh các vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với công chức, viên chức vi phạm quy chế, quy trình nghiệp vụ, quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, nhũng nhiễu trong quá trình thực thi công vụ.