Ngày 5-7, Sở Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) TP HCM đã tổ chức hội nghị triển khai Nghị định 71/NĐ-CP ngày 27-6-2024 của Chính phủ quy định về giá đất.
Ông Đào Quang Dương, Phó Phòng Kinh tế đất – Sở TN-MT, cho biết điểm chính của Nghị định 71 là hướng dẫn chi tiết các Điều 158, 159,160, 162 và Điều 257 của Luật Đất đai (sửa đổi) – có hiệu lực từ ngày 1-8.
Nghị định 71 có 4 điểm mới quan trọng, trong đó phương pháp tính thặng dư cụ thể hơn, đầy đủ hơn đối với các loại chi phí, doanh thu. Từ đó, dễ dàng cho việc xây dựng giá đất. Thẩm quyền về ban hành quyết định giá đất là của chủ tịch UBND cấp tỉnh, huyện – khác với quy định cũ. Việc điều chỉnh bảng giá mới không phải thông qua thường trực HĐND. Việc thuê đất hằng năm không tính theo quy định trên dưới 30 tỉ đồng cho giá trị bất động sản.
Theo ông Dương, phương pháp thặng dư theo quy định mới đã rất cởi mở, dễ thực hiện và rõ ràng hơn, như tính chi phí của doanh nghiệp khá hợp lý: chi phí lãi vay, dự phòng phí trượt giá, chi phí đầu tư đất…
“Thời gian qua, việc xác định giá đất đã để lại nhiều tồn đọng. Việc có thông tin đầy đủ để xác định giá đất rất khó nên có đơn vị thuê 30 lần không có được đơn vị định giá. Bởi lẽ, có nhiều trường hợp rất đặc thù, khó khách quan, như xây dựng giá đất công viên, bệnh viện, trường học, thảo cầm viên…” – ông Dương nhấn mạnh.
Tại hội nghị, Phòng TN-MT các quận, huyện cho rằng cần có hướng dẫn cụ thể về nguồn kinh phí thuê tư vấn xác định giá đất trích từ đâu. TP Thủ Đức cần có hướng dẫn cụ thể về bảng giá đất vì do 3 đơn vị hành chính nhập lại, cùng một con đường nhưng sự chênh lệch giá đất rất lớn nên còn lúng túng, cần có hướng dẫn thêm.
Các đơn vị cũng kiến nghị Sở Tài chính có hướng dẫn về chi phí tổ chức thẩm định giá, nhất là giải quyết trường hợp có thuê đơn vị thẩm định trên 100 triệu đồng phải đấu giá. Nếu thuê rồi sau đó dân không đồng ý thuê tư vấn thẩm định giá đó thì chi phí tính thế nào?
Chủ trì hội nghị, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TP HCM, cho biết thời gian qua, các quận, huyện đã gặp nhiều nhiều khó khăn trong việc xác định giá đất. Nghị định 71 sẽ tháo gỡ được nhiều vướng mắc này.
Ông Thắng đề nghị các sở, ngành, quận, huyện khi có vướng mắc phát sinh thì gửi văn bản để các bên cùng phối hợp triển khai tốt Nghị định 71. Trước mắt, các quận, huyện sử dụng bảng giá đất cũ, có sự điều chỉnh cho phù hợp với nghị định mới. Tới đây, sở sẽ thành lập 3 tổ công tác, phối hợp cùng các quận, huyện rà soát để điều chỉnh bảng giá đất để áp dụng đến 31-12-2025 theo sát với giá thị trường. Khi Nghị định 71 có hiệu lực sẽ giải quyết rất nhiều hồ sơ tồn đọng liên quan việc định giá đất.